Phụ nữ dân tộc Tày tăng thu nhập với nón lá cọ

18:51 | 30/04/2023;
Nón lá cọ là một vật phẩm gần gũi, quen thuộc với người phụ nữ dân tộc Tày. Chiếc nón cùng nghề làm nón tưởng chừng như đã bị mai một thì giờ đây đã và đang được nhiều hội viên, phụ nữ xã Bản Liền, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) duy trì, bảo tồn và phát triển.

Đau đáu truyền nghề

Năm nay đã 78 tuổi, song những công đoạn như bẻ lá cọ, chuốt nan làm nón của nghệ nhân Vàng Thị Tánh (xã Bản Liền, huyện Bắc Hà) vẫn thoăn thoắt, khéo léo. Với mong muốn lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Tày, bà Tánh đã tham gia vào lớp truyền dạy nghề làm nón cho những hội viên, phụ nữ trẻ tuổi tại địa phương suốt 3 năm qua.

Bà Tánh kể: "Hội LHPN xã mở lớp rồi mời tôi về dạy nghề đan nón. Giờ thì đã có nhiều cháu biết làm nón truyền thống, vừa để phục vụ cuộc sống, vừa làm để bán, có thêm thu nhập. Nhìn các cháu duy trì nghề truyền thống mà tôi phấn khởi lắm!".

Bà Tánh cho biết, theo văn hóa của người Tày, con gái mới lớn sẽ được ông bà, bố mẹ truyền dạy kỹ thuật đan nón lá cọ. Để có một chiếc nón cọ đẹp, người làm phải đến rừng cọ chọn những chiếc lá đủ to, mỏng đều, sau đó mang về phơi vừa nắng, tạo độ dai cần thiết cho chiếc lá, tiếp đó mới đến công đoạn cắt thớ lá và ép phẳng rồi mới đan nón.

Phụ nữ dân tộc Tày phát huy sản phẩm bản địa từ nón lá cọ - Ảnh 1.

Vành nón được làm bằng cật tre để đảm bảo vừa dẻo vừa có độ bền cao

Chiếc nón được làm bằng tàu lá cọ nguyên bản, không phơi khô, không làm trắng. Đặc biệt, người Tày ở Bản Liền làm nón cũng không dùng khung, khó nhất là phải bẻ cuống sao cho 2 chiếc lá ráp vào nhau rồi khâu lại thật tỉ mỉ, cầu kì.

Vành nón được làm bằng cật tre để đảm bảo vừa dẻo vừa có độ bền cao. Khi đan, người làm cần khéo tay để tránh lá bị rách hoặc chia lá không đều khiến khó đan. Chỉ khâu ngày xưa được dùng bằng sợi đay, ngày nay đã có dây cước vừa chắc chắn, vừa tạo được mũi khâu đẹp. Công đoạn sau cùng và quan trọng nhất là bảo quản chiếc nón sao cho được bền, bà con thường treo trên gác bếp để tránh mục, mọt rồi mới đưa ra sử dụng.

Phụ nữ dân tộc Tày phát huy sản phẩm bản địa từ nón lá cọ - Ảnh 2.

Người Tày ở Bản Liền làm nón cũng không dùng khung, khó nhất là phải bẻ cuống sao cho 2 chiếc lá ráp vào nhau rồi khâu lại thật tỉ mỉ, cầu kì

Tăng thu nhập cho hội viên, phụ nữ

Những năm gần đây, du lịch cộng đồng ở xã Bản Liền được đánh thức tiềm năng và đang trên đà phát triển. Chính vì vậy, nón lá cọ không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân địa phương mà đã dần trở thành sản phẩm làm quà lưu niệm mang giá trị bản sắc văn hóa đối với du khách.

Chị Vàng Thị Ngân, Chủ tịch Hội LHPN xã Bản Liền, cho biết, một trong những nghề truyền thống mới được khôi phục gắn với du lịch đã tạo nên bản sắc hấp dẫn của du lịch địa phương chính là nghề làm nón lá của phụ nữ dân tộc Tày.

"Nhằm phát triển và gìn giữ nét đẹp truyền thống của chị em phụ nữ dân tộc Tày gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong những năm qua cấp ủy, địa phương đã chỉ đạo thành lập tổ đan lát và nhóm cùng sở thích tham gia làm nón lá cọ để phục vụ đời sống cũng như phát triển dịch vụ du lịch và giao cho Hội LHPN xã quản lý. Vào cuối năm 2020, Hội phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng và Du lịch cộng đồng mở các lớp truyền dạy nghề cho 32 hội viên, phụ nữ thuộc các thôn Đội 2, Đội 3, Đội 4 và thôn Pắc Kẹ nhằm lưu giữ nghề truyền thống. Hiện tại trên địa bàn xã Bản Liền đã có khoảng 61 hội viên, phụ nữ Tày đã biết đan nón thành thạo", chị Ngân chia sẻ.

Phụ nữ dân tộc Tày phát huy sản phẩm bản địa từ nón lá cọ - Ảnh 3.

Nón lá cọ mang lại thu nhập ổn định cho chị em phụ nữ dân tộc Tày

Từ một nghề tưởng như sẽ mai một, đến nay hàng chục hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã Bản Liền đã thành thạo nghề đan nón và có thêm thu nhập từ công việc này. Chị Vàng Thị Vân, thôn Pắc Kẹ, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, cho biết: "Khi tham gia lớp học này, tôi rất muốn học hỏi kinh nghiệm làm nón từ các cụ. Tôi học làm nghề này để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Hiện hội viên, phụ nữ chúng tôi làm nón không đủ để bán".

Chị Lâm Thị Nho (xã Bản Liền, huyện Bắc Hà) cho biết, để làm 1 nón lá cọ, chị phải mất từ 2 đến 3 ngày và thường là khách du lịch đặt nên làm ra đến đâu là bán hết đến đó. "Mỗi tháng, tôi có thể làm ra khoảng 10 chiếc nón lá cọ. Nón lá nhỏ có giá 50.000 - 80.000 đồng, nón lá cỡ lớn có giá 120.000 đồng".

Cùng với sự giúp đỡ của Hội LHPN và chính quyền địa phương, bà con người Tày nơi đây vẫn miệt mài giữ nghề làm nón lá cọ với kỳ vọng, nón lá cọ sẽ là món quà tặng ý nghĩa, theo chân khách du lịch đi khắp mọi miền và tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện, từng bước nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Tày địa phương.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn