Phụ nữ đầu tiên dính liên cầu khuẩn do ăn tiết canh

15:05 | 08/02/2017;
Sau khi ăn tiết canh vài ngày, chị P.T.B phải nhập viện cấp cứu và được xác định bị nhiễm liên cầu khuẩn ở lợn. Đây là trường hợp nữ đầu tiên được xác định bị liên cầu khuẩn ở lợn do ăn tiết canh.
Ngày 8/2, bác sĩ Doãn Hữu Long, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Đắk Lắk cho biết, bệnh nhân P.T.B. (51 tuổi, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) được xác định bị liên cầu khuẩn ở lợn do ăn tiết canh. Sau khi được cấp cứu tại BV Đa khoa Đắk Lắk, bệnh nhân được chuyển xuống BV Chợ Rẫy (TP.HCM) để tiếp tục điều trị. Đây là trường hợp nữ bệnh nhân đầu tiên tại Đắk Lắk được xác định bị liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh.  
Theo bác sĩ Long, trước đó ngày 20/1, bệnh nhân B. cùng gia đình có ăn tiết canh lợn. Đến ngày 26/1, bệnh nhân có các triệu chứng như sốt, nôn ói nhiều lần. Gia đình nghĩ bệnh nhân chỉ bị sốt thông thường nên tự điều trị tại nhà. Đến ngày 29/1, bệnh nhân trở nặng nên được đưa đến BV Đa khoa huyện Buôn Đôn và sau đó chuyển lên BV Đa khoa Đắk Lắk trong tình trạng tím tái toàn thân, không đo được mạch huyết áp, xuất huyết dạng mảng bầm tím ở vùng da cổ, ngực, cánh tay. Bệnh nhân sau đó được đưa xuống BV Chợ Rẫy với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan do nhiễm liên cầu lợn.
tiet-canh-vit__03714_zoom.jpg
Ăn tiết canh có thể bị nhiễm liên cầu lợn
Sau khi xác định bệnh nhân B. bị liên cầu lợn, Sở Y tế Đắk Lắk đã hướng dẫn các biện pháp điều tra, xử lý môi trường và tiếp tục theo dõi tình bệnh trên địa bàn tỉnh; lập danh sách tất cả người cùng ăn tiết canh lợn với bệnh nhân P.T.B để theo dõi; đồng thời, phối hợp với ngành thú y địa phương trong điều tra, xử lý ổ dịch trên động vật và trên người.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, số bệnh nhân phải nhập viện do liên cầu lợn thường tăng. Nguyên nhân là do nhiều nơi, người dân thường có thói quen mổ lợn và đánh tiết canh để ăn, bởi họ nghĩ rằng lợn do nhà nuôi sẽ an toàn. Tuy nhiên, lợn nào cũng có thể chứa khuẩn liên cầu và bất kỳ ai cũng có thể nhiễm bệnh. Trong khi đó, căn bệnh này tỷ lệ tử vong lớn, chiếm 10 đến 20% số ca mắc.
“Năm nào ngành y tế cũng cảnh báo nhưng nhiều người vẫn bỏ ngoài tai và vô tư ăn tiết canh. Từ trước đến nay, những bệnh nhân nhập viện bị liên cầu do ăn tiết canh đều là nam giới. Năm nay, cũng là lần đầu tiên ghi nhận một phụ nữ nhập viện bởi bệnh liên cầu do ăn tiết canh”, ông Phu nói.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ) mỗi năm, BV điều trị cho hàng trăm bệnh nhân bị liên cầu. Trong số những bệnh nhân nhập viện, có trường hợp bị hoại tử phải cắt bỏ chân, tay thậm chí có bệnh nhân nặng đã tử vong. Một số trường hợp được chữa khỏi cũng để lại di chứng nặng nề.
Cũng theo bác sĩ Cấp, khi mắc liên cầu lợn, bệnh nhân thường sốt cao, tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Bệnh diễn biến rất nhanh, nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ tử vong. Để hạn chế mắc bệnh này, người dân cần ăn chín, uống sôi, không nên ăn đồ tái, sống hoặc tiết canh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn