Theo báo cáo tại Hội thảo "Nhóm phụ nữ di cư" kết quả nghiên cứu, đề xuất giải pháp và mô hình hỗ trợ do Hội LHPN Việt Nam thực hiện tại TPHCM, phụ nữ di cư chủ yếu tham gia vào các công việc làm thuê (36,1%); buôn bán (24,6%); lao động giản đơn (21%); nội trợ (9,1%); công nhân viên chức (9,1%). Về trình độ chuyên môn của phụ nữ di cư chưa qua đào tạo chiếm 83,7%, đào tạo ngắn hạn chiếm 5,7%, phần nhỏ là sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Về thu nhập trung bình của phụ nữ di cư ở các tỉnh được khảo sát chỉ khoảng 3,1 triệu đồng và 81,8% thu nhập của phụ nữ di cư đều bị giảm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cho biết: Lao động nữ di cư đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn nam giới. Họ ít có khả năng thực hiện di cư hợp thức hơn nam giới, chịu nhiều rủi ro bị bạo lực và lạm dụng tình dục do phân biệt đối xử. Họ không có nghề nghiệp gì trong tay. Tại TPHCM họ đến làm thuê, buôn bán nhỏ, buôn bán hàng rong, giúp việc…
Theo ông Thái Hoàng Nhạc, Phó Trưởng phòng xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM: Hiện nay, người công nhân lao động đang chịu nhiều khó khăn nhất là sau đại dịch Covid-19. Đa số nữ công nhân ở các khu công nghiệp xuất thân từ khu vực nông thôn và nhập cư về TPHCM. Do đó họ đa số đều chọn phương án thuê nhà trọ giá rẻ với diện tích nhỏ hęp, điều kiện sinh hoạt tối thiểu còn hạn chế; các gia đình phải cân đối các khoản chi phí cho phù hợp, đảm bảo một phần tích lũy nhỏ để có thể gởi về quê nuôi con hoặc phụ giúp gia đình; thời gian chăm sóc gia đình bị hạn chế; họ chưa có nhiều sự lựa chọn trong các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa văn nghệ.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội nhận định: Phụ nữ di cư mang theo rất nhiều trách nhiệm và nhiều rủi ro. Họ luôn ở tâm thế là người lao động tự do yếu thế, chính vì vậy họ luôn ngại tiếp xúc với những gì chính thống. Chính vì vậy những chính sách dịch vụ phúc lợi công không đến được với họ.
Theo báo cáo tại Hội thảo "Nhóm phụ nữ di cư" kết quả nghiên cứu, đề xuất giải pháp và mô hình hỗ trợ: Phụ nữ di cư mong muốn nhiều nhất là phát triển kinh tế, tăng thu nhập (47,3%), hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ khó khăn về tài chính (38,3%), được dạy nghề, tạo việc làm (35,1%); về chăm sóc sức khỏe có tới 40,7 % phụ nữ di cư mong muốn được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế ở nơi đăng ký tạm trú; cải thiện môi trường sống ở nơi di cư; hoàn thiện các thủ tục hành chính để hỗ trợ việc tiếp cận với các dịch vụ y tế, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe.
Để hỗ trợ phần nào những mong muốn chính đáng của phụ nữ di cư, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi chỉ ra rằng: "Cần đào tạo nghề và tạo việc làm cho phụ nữ di cư rất quan trọng nhưng quan trọng đào tạo nghề phải gắn với việc làm, nếu chỉ đào tạo họ sẽ không quan tâm, hứng thú vì không hiệu quả, thiết thực. Ngoài ra, những chính sách cho phụ nữ di cư phải cụ thể, thiết thực như vấn đề nhà ở, sử dụng dịch vụ công, sử dụng bảo hiểm y tế khám chữa bệnh một cách thuận lợi và phù hợp với tính chất việc làm của họ. Cuối cùng là mở rộng các khu vui chơi, thể thao, giải trí của thành phố, với người lao động có thể mở miễn phí để họ tham gia".
Còn PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội kiến nghị: "Vấn đề về phụ nữ lao động di cư cần phải đặt lên bàn nghị sự; cần hiểu hơn nhu cầu thiết thực của phụ nữ di cư để xây dựng chính sách; xây dựng cơ chế trao quyền và nâng cao năng lực của phụ nữ, đảm bảo sinh kế bền vững, phục hồi sinh kế thông qua mô hình tiết kiệm vi mô, nhóm tương trợ cộng đồng".
TS Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài, cho biết: "Có thể nói nhóm phụ nữ đặc thù (phụ nữ di cư, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ cao tuổi) đang gặp một khoảng trống về chính sách hoặc chính sách chưa tới được với họ. Đề tài vừa triển khai vừa đưa những phát hiện của mình và quá trình đề xuất chính sách của Hội về nhà ở, giáo dục cho con em, đào tạo nguồn nhân lực nữ và chính sách thai sản. Từ những căn cứ thực tiễn, căn cứ khoa học của đề tài này, chúng tôi tiếp tục đề xuất lồng ghép giới trong xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam, trong đó có những chính sách pháp luật liên quan đến an sinh xã hội, các đối tượng phụ nữ đặc thù. Chúng tôi cũng đưa các mô hình hay để nhân rộng trong hệ thống Hội địa phương để hỗ trợ nhóm phụ nữ đặc thù".
Ngày 2/3, tại TPHCM, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Nhóm phụ nữ di cư" kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp, mô hình hỗ trợ. Tham dự chương trình có T.S Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, chủ nhiệm đề tài; PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và giới; lãnh đạo Hội LHPN TPHCM, tỉnh Lào Cai và Quảng Ngãi…
Hội thảo "Nhóm phụ nữ di cư" kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp, mô hình hỗ trợ là 1 trong 3 nội dung chính của Hội thảo khoa học "Kết quả nghiên cứu, đề xuất giải pháp và mô hình hỗ trợ nhóm phụ nữ đặc thù (phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ di cư, phụ nữ cao tuổi)" tại các tỉnh: Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Quảng Ngãi Đắk Lắk, Trà Vinh và TPHCM. Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài độc lập cấp Quốc gia "Cơ sở lý luận thực tiễn nhằm đề xuất giải pháp bảo vệ và hỗ trợ một số nhóm phụ nữ đặc thù" do Hội LHPN Việt Nam thực hiện.
Hội thảo nhằm cung cấp, thảo luận kết quả khoa học và kinh nghiệm thực tiễn từ đề tài nghiên cứu. Tạo diễn đàn trao đổi về các chính sách bảo vệ, hỗ trợ nhóm phụ nữ đặc thù, góp phần phát triển toàn diện phụ nữ ở Việt Nam.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn