Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, mỗi năm nước ta có khoảng hơn 500 nghìn người lao động, lao động nữ chiếm khoảng 30% di cư ra nước ngoài. Trong đó, hàng chục nghìn người (hơn 90% là phụ nữ) kết hôn với người nước ngoài, chủ yếu kết hôn với người Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc (đại lục), Mỹ, Hàn Quốc...
Chỉ riêng số phụ nữ Việt Nam kết hôn với chồng là người Hàn Quốc, theo số liệu của Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc năm 2018 cho thấy, số cặp vợ chồng đa văn hóa kết hôn tại nước này, trường hợp vợ là người Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất.
Kết hôn với người nước ngoài, thực tế cuộc sống hôn nhân với chồng tại xứ người không phải tất cả đều đạt ý nguyện. Bên cạnh số đông chị em tìm được hạnh phúc, có điều kiện giúp đỡ gia đình vượt qua nghèo khó, vươn lên khá giả thì vẫn có những chị em không đạt được như điều mong muốn, gặp bất hạnh bởi rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, bạo lực gia đình.
Điều này dẫn tới số lượng phụ nữ di cư hồi hương trở về nước những năm qua ngày một tăng. Chỉ tính riêng ở TP Hải Phòng, theo số liệu thống kê của Hội LHPN TP, trong khoảng 5 năm (2015 - 2020), toàn thành phố có khoảng 6.200 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, trong đó có hơn 3.000 phụ nữ kết hôn với người Hàn Quốc. Số lượng phụ nữ có cuộc hôn nhân không hạnh phúc, hồi hương là 300 người, trong đó có 163 bà mẹ và 42 trẻ em.
Trường hợp của chị L.T.G (37 tuổi, trú tại TP Hải Phòng), phụ nữ di cư hồi hương từ Hàn Quốc trở về - mà Báo Phụ nữ Việt Nam đã đăng tải là một trong số đó. Chỉ sau 6 tháng hôn nhân với người chồng Hàn Quốc, chị G. đã tìm cách để trở về Việt Nam. Về nước, chị G. gặp nhiều khó khăn trong tái hòa nhập cộng đồng như tìm kiếm việc làm, bị dân làng dị nghị, khó khăn trong hoàn tất thủ tục ly hôn với người chồng Hàn Quốc (chi phí cao).
Nắm bắt thực trạng trên, trong thời gian qua Văn phòng OSSO Hải Phòng (còn gọi là Văn phòng Dịch vụ Một điểm đến) đã tiếp cận, tư vấn giúp đỡ, Hỗ trợ chị G. kết nối với Trung tâm chính sách nhân quyền Liên hợp quốc Hàn Quốc (KOCUN) tại Hải Phòng để hoàn tất thủ tục ly hôn với người nước ngoài theo đúng luật định.
Văn phòng OSSO được thành lập trong khuôn khổ của Dự án "Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ". Dự án do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) hỗ trợ kỹ thuật. Trung ương Hội LHPN Việt Nam làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án.
Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay, Văn phòng OSSO đã có mặt tại các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Cần Thơ, Hậu Giang, Hải Phòng) và sắp tới đây là Hải Dương – các tỉnh thuộc địa bàn triển khai dự án.
Trở lại với trường hợp của chị L.T.G, câu chuyện của chị là một minh chứng cụ thể cho những nghiên cứu về "Trải nghiệm, khó khăn và nhu cầu của phụ nữ di cư kết hôn hồi hương từ Hàn Quốc trở về Việt Nam" do Hội LHPN Việt Nam thực hiện.
Theo đó, 30% phụ nữ di cư hồi hương (PNDCHH) được khảo sát chưa hoàn tất thủ tục ly hôn; 9/51 trẻ từ hôn nhân quốc tế chưa có giấy khai sinh; 67% cần trợ giúp pháp lý khi trở về Việt Nam.
Về tái hòa nhập cộng đồng của PNDCHH: 1/3 thường xuyên lo lắng về công việc và thu nhập; hơn 70% có nhu cầu hỗ trợ tâm lý – chủ yếu có người để tâm sự, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống (66,4%).
Về yếu tố ảnh hưởng khả năng tái hòa nhâp cộng đồng của PNDCHH: 86,1% gặp khó khăn khi giao tiếp và hòa nhập văn hóa tại nước của chồng; 40% nhận ít nhất một thông tin không đúng về gia đình chồng; 32,8% không tự giữ hộ chiếu; 61% bị gia đình chồng kiểm soát tài chính; 45,5% bị quát mắng, đánh đập.
Chia sẻ về việc hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình tái hòa nhập cộng đồng bền vững khi trở về, bà Vũ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội LHPN TP Hải Phòng, cho biết: "Tháng 6/2020, chúng tôi có tổ chức một hội thảo kết nối các nhà cung cấp dịch vụ như – ngành Tư pháp (Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Tòa án, Viện Kiểm sát), ngành Y tế, Giáo dục, ngành Lao Động - Thương binh và Xã hội, các trung tâm việc làm, các ngân hàng… để tạo một kết nối dịch vụ để có thể hỗ trợ cho những phụ nữ hồi hương trở về, một cách giúp họ tạo dựng được đời sống ổn định và giúp trẻ em được đến trường, có giấy khai sinh, có hộ khẩu, có bảo hiểm. Vì trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm miễn phí".
Với tinh thần trên, trong thời gian qua, Văn phòng OSSO Hải Phòng cùng với các Văn phòng OSSO còn lại đã tiếp cận và giúp đỡ nhiều trường hợp phụ nữ hồi hương hoàn tất thủ tục ly hôn, làm giấy khai sinh cho con nhỏ cùng với việc tạo công ăn việc làm ổn định cho họ.
Tuy nhiên, trong quá trình tham vấn - tư vấn cho phụ nữ cư hồi hương và gia đình họ, các cán bộ Văn phòng OSSO cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về vấn đề pháp lý. Từ thực tế đó, đòi hỏi phải có sự kết nối của các bộ ngành liên quan để giải quyết các vấn đề của phụ nữ di cư hồi hương.
Bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, TƯ Hội LHPN Việt Nam, Giám đốc Dự án, cho hay: "Nghiên cứu cho thấy yêu cầu đặt ra đối với việc phải phối, kết hợp giữa các bộ ngành liên quan trong việc giải quyết các vấn đề của phụ nữ di cư hồi hương. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy những khoảng trống về mặt chính sách trong lĩnh vực hỗ trợ di cư hồi hương. Đây là những căn cứ để nêu lên những kiến nghị đề xuất nhằm bổ sung, hoàn thiện chính sách - pháp luật trong lĩnh cực này trong thời gian tới".
"Tôi cũng đề nghị Dự án trong giai đoạn 2 làm sao có sự kết nối với những dịch vụ khác nữa. Ngoài những dịch vụ tư vấn về tâm lý, pháp lý, tư vấn về việc làm, cần có những hoạt động trực tiếp hơn – đào tạo nghề, để phụ nữ di cư hồi hương có thể hòa nhập một cách nhanh hơn với cuộc sống hiện tại. Bởi chúng tôi nghĩ rằng, để có một cuộc sống ổn định thì chắc chắn phải phải cần một công việc ổn định, một tâm lý ổn định, một vị thế trong cộng đồng, vị thế trong gia đình hay trong xã hội được khẳng định của những người phụ nữ di cư hồi hương trở về. Tôi nghĩ rằng dự án sẽ phải tiếp tục giải quyết những vấn đề đấy trong một giai đoạn tiếp sau", bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam chia sẻ về đường hướng phát triển của Dự án.
Trải nghiệm, khó khăn và nhu cầu của phụ nữ di cư kết hôn hồi hương từ Hàn Quốc trở về Việt Nam
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn