Phụ nữ di cư sống thiếu 'an sinh'

07:23 | 25/12/2015;
Vì điều kiện kinh tế khó khăn, hàng triệu phụ nữ vùng nông thôn, miền núi phải rời quê ra thành phố kiếm việc làm. Không ít người trong số họ bị “văng ra khỏi” hệ thống an sinh xã hội.
Ly hương, khó đủ đường
 
Bà Nguyễn Thị Tiến (67 tuổi), xã An Dương, huyện Tân Yên, Bắc Giang, lên Hà Nội mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai.

Bà lo lắng sức khỏe đã kiệt, nhà chẳng còn để về, chỉ mươi năm nữa, đến tuổi được hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi thì cũng chưa chắc đã đợi được. Cuộc sống kham khổ, nay đây mai đó, bà Tiến sợ khi bệnh tật đổ ập xuống đầu thì chẳng biết xoay xở, cậy nhờ vào đâu.

Ngồi co ro trong cái lạnh, nhắc đến bảo hiểm y tế (BHYT), bà chép miệng: “Tôi đã mua BHYT nhưng không dùng được ngày nào”.
ba-Tien-ve-chai.JPG

 Bà Nguyễn Thị Tiến ngậm ngùi tha hương và đứng bên lề các chính sách an sinh xã hội

Bà Tiến mua BHYT tại quê, theo quy định thì chỉ khám chữa bệnh đúng tuyến mới được chi trả. Đã 3 năm nay sống trong nhà trọ tạm bợ ở Hà Nội, bà đành ngậm ngùi chấp nhận mất luôn cái quyền được hưởng bảo hiểm rất chính đáng của mình.

“Mỗi khi ốm đau đành phải nằm co trong nhà trọ và nhờ hàng xóm mua vài viên thuốc tự uống. Nếu phải bắt xe khách về quê khám chữa bệnh cho đúng tuyến thì quả làm khó cho người xa quê”, bà Tiến ngao ngán.

Làm thuê cho chủ quán cơm trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội, đã nhiều năm, chị Lưu Thị Sen, 40 tuổi, quê Hưng Hà (Thái Bình), chia sẻ: “Nhiều lần tôi tính vay tiền mở quán cơm nho nhỏ, mong thu nhập khá hơn. Tuy nhiên, sống nơi đất khách quê người, nhiều khi thiếu vốn mà không biết xoay ở đâu. Không sổ hộ khẩu, không nhà, tài sản thế chấp, tiếp cận các quỹ tín dụng hay ngân hàng ở nơi cư ngụ là điều không thể, đành phải đánh bạo vay bạn bè, nhưng lại toàn người cùng cảnh nghèo không giúp được. Mỗi khi gia đình có việc cần kíp, bí quá thì tìm đến “tín dụng đen”.

Chị Sen thở dài: “Ly hương lâu năm là khó đủ đường, gần như mất đứt nguồn tiền trợ cấp hộ nghèo, hay nguồn vốn vay từ quỹ tín dụng nhân dân ở quê cũng khó tiếp cận”.

Nhiều người lao động nhập cư có thu nhập khá hơn, có nguyện vọng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhưng theo quy định chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Trong khi đó, họ đang trong độ tuổi lao động, rất cần hưởng các chế độ như thai sản, tai nạn bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp, thì lại không có. Thực tế đó khiến cho lao động tự do không mặn mà; điều này cũng đồng nghĩa an sinh khi về già không được đảm bảo.
pn-di-cu.jpg

Phụ nữ di cư đi làm ăn xa khó được hưởng chính sách an sinh xã hội 

Quản lý về an sinh xã hội thiếu tính hệ thống

Mỗi năm, Ngân sách nhà nước dành 3-4 tỉ USD đầu tư cho an sinh xã hội. Chính sách an sinh ngày càng đa dạng và đối tượng thụ hưởng mở rộng cho nhiều tầng lớp khác nhau. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, bất cập không nhỏ hiện nay là việc quản lý về an sinh xã hội thiếu tính hệ thống, chưa có sự kết nối giữa các chính sách. Không chỉ vậy, việc quản lý lĩnh vực này đang bị chồng chéo, phân tán, thiếu thống nhất và hoàn toàn thủ công. Ông Đàm khẳng định: Các đối tượng thụ hưởng đang gặp không ít khó khăn trong tiếp cận với các dịch vụ. Đặc biệt, với những người di cư thì gần như “bị văng ra ngoài” hệ thống an sinh xã hội.

Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH có kế hoạch áp dụng công nghệ thông tin nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cho từng người, từng đối tượng và thiết lập hệ thống dữ liệu thống nhất về an sinh xã hội trên cả nước. Theo đó, mỗi cá nhân di, dịch cư sẽ được đảm bảo hơn trong thụ hưởng những chính sách an sinh ở nơi cư trú mới.

Bộ LĐ-TB&XH cũng vừa công bố mức xác định chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 - 2020. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2015, các thành viên Chính phủ nhất trí với phương án chuẩn nghèo thu nhập là 700 ngàn đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900 ngàn đồng/người/tháng ở khu vực thành thị, ước tính tỉ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều là 12% và tỉ lệ hộ cận nghèo khoảng 6%. Trên cơ sở mức sống tối thiểu, mức sống trung bình của người dân trong từng giai đoạn, lấy mức đó để đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững trong tương lai.

Hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam bao gồm các trụ cột như: Hệ thống Bảo hiểm xã hội (hưu trí, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp, bảo hiểm xã hội ngắn hạn); Hệ thống trợ giúp xã hội (trợ cấp xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nhóm yếu thế...); Hệ thống trợ cấp xã hội chung (trợ cấp gia đình, dịch vụ y tế công cộng, trợ cấp người cao tuổi...).

Các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội hiện nay:

- Hơn 2,6 triệu người cao tuổi, khuyết tật, HIV/AIDS… được hưởng trợ giúp xã hội hàng tháng.

- Trên 4 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ học tập.

- Khoảng 2,5 triệu người được chi trả lương hưu và trợ cấp hàng tháng.

- Hơn 75% dân số được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế.

Nguồn: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn