Phụ nữ đóng góp quan trọng nâng cao nhận thức xã hội về an toàn thực phẩm

19:11 | 29/05/2019;
Tại hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Hội Nông dân Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam về tuyên truyền, vận động, sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng, vai trò phụ nữ trong việc nâng cao chuyển biến trong nhận thức xã hội về an toàn thực phẩm được đánh giá cao.
Chiều 29/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị Sơ kết 1 năm Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về tuyên truyền, vận động, sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020.
 
Ngày 03/11/2017, Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam đã ký chương trình phối hợp số 526/CTPH-CP-HNDVN-LHHPNVN về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng động giai đoạn 2017-2020 (gọi tắt là Chương trình 526). 
 
attp-1.JPG
Toàn cảnh Hội nghị Sơ kết 1 năm Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về tuyên truyền, vận động, sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020

 

Tại hội nghị sơ kết, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, chỉ sau 1 năm triển khai, Chương trình 526 đã đem lại hiệu ứng rất lớn, từ nhận thức đi vào hành động đã có sự chuyển biến thực tiễn rõ nét, hiệu quả.
 
Phụ nữ, nông dân đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc nâng cao chuyển biến trong nhận thức xã hội về an toàn thực phẩm. 
 
Hội LHPN Việt Nam có nhiều mô hình hay tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm
 
Qua 1 năm triển khai chương trình, Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo điểm một số mô hình như: mô hình vận động phụ nữ tham gia giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm (tại Hưng Yên); chi hội phụ nữ tuyên truyền, vận động sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn (tại Hưng Yên, Thái Nguyên); tổ phụ nữ trồng rau sạch (Sơn La, Thanh Hóa)…
 
Tại các địa phương, nhiều mô hình phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm được xây dựng, nhân rộng như: tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế liên quan đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; khu vườn mẫu (tại Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Nam…); mô hình phụ nữ tiểu thương nói không với thực phẩm bẩn (tại Quảng Trị, Đắk Lắk); mô hình không sử dụng chất cấm khi làm nem chả, sản xuất bún, chả cá...; phụ nữ sử dụng 2 dao 2 thớt….
 
 
attp.JPG
Nhiều mô hình phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm được xây dựng, nhân rộng

 

Các mô hình về an toàn thực phẩm đã góp phần nâng cao nhận thức của phụ nữ và người dân về an toàn thực phẩm, khuyến khích sản xuất chế biến thực phẩm an toàn, không sử dụng chất cấm, kinh doanh buôn bán thực phẩm rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn.
 
Các cấp Hội của Hội LHPN Việt Nam đã vận động hơn 2 triệu gia đình hội viên ký cam kết thực hiện an toàn thực phẩm; tổ chức các lớp tập huấn cho gần 171.000 cán bộ hội và trên 7,1 triệu lượt phụ nữ đã được tham gia các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm do các cấp hội tổ chức. 
 
Cần tăng cường xử phạt nghiêm minh
 
Tuy nhiên, vẫn còn có những trường hợp vi phạm, chưa nghiêm túc sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm phải được cảnh báo, xử phạt nghiêm nhằm xóa bỏ hiện tượng “rau hai luống, lợn hai chuồng” (nghĩa là lợn sạch, rau sạch thì để nhà ăn; còn lợn tăng trọng, rau phun thuốc thì đem chợ bán). 
 
Nhận thức của nông dân về an toàn thực phẩm còn hạn chế, sản xuất kinh doanh nông sản an toàn gặp khó khăn do giá bán nông sản an toàn không cao hơn nhiều; Tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề lo ngại của người dân. Công tác kiểm tra, giám sát việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn.
 
 
attp-2.JPG
Đại diện các cơ quan, tổ chức tham gia Chương trình 526

 

Bên cạnh đó, việc bố trí nguồn lực để thực hiện chương trình 526 còn hạn chế và tại một số địa phương, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành với Hội nông dân, Hội phụ nữ chưa tích cực... Đó là những hạn chế cần khắc phục trong năm thứ hai thực hiện chương trình.
 
Nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho năm thứ hai thực hiện Chương trình 526 là: 100% tỉnh, thành Hội và 90% huyện, thị và cơ sở Hội phát động phong trào nông dân, phụ nữ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn; 100% các dự án, mô hình, tổ nhóm do các cấp Hội xây dựng, tổ chức sản xuất, kinh doanh nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm và duy trì phát triển bền vững; tổ chức, vận động 80% hội viên nông dân, phụ nữ sản xuất, kinh doanh nông sản đăng ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; dần xóa bỏ hiện tượng “rau 2 luống, lợn 2 chuồng”…
 
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tổ chức nhiều các lớp tập huấn, tọa đàm… vận động hội viên sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Đẩy mạnh việc ký cam kết sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản tiêu thụ nông sản an toàn. Nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, xây dựng hệ thống cửa hàng nông sản sạch mang thương hiệu Hội…
 
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong năm tiếp theo, những trường hợp còn vi phạm, chưa nghiêm túc sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm phải được cảnh báo, xử phạt nghiêm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn