Phụ nữ Đồng Tháp xây dựng dày đặc mô hình đẩy lùi ma túy và tệ nạn xã hội

10:52 | 06/12/2021;
Tổ phụ nữ không có ma túy - mại dâm; tổ xây dựng gia đình 5 không 3 sạch; câu lạc bộ phòng, chống tệ nạn xã hội… là những mô hình do các cấp Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp xây dựng và duy trì nhiều năm qua nhằm ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng phụ nữ, trẻ em trong các gia đình nghèo vướng vào các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy.

Đẩy lùi "nàng tiên nâu"

Có thể thấy, ma túy để lại nhiều hậu quả nặng nề, tạo ra nhiều hệ lụy cho các gia đình và xã hội. Ma túy cướp đi tuổi thơ, cướp đi bữa cơm đầm ấm của các em nhỏ, gây "cái chết trắng" khiến hạnh phúc nhiều gia đình tan vỡ và để lại nỗi đau day dứt cho nhiều người.

Nhằm giảm đi những hệ lụy đó, Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, xây dựng hệ thống "chân rết" là các chi, tổ Hội. Các mô hình đã phát huy trách nhiệm của mọi thành viên trong gia đình về phòng, chống các tệ nạn xã hội, nhất là vai trò của người phụ nữ ngày càng được coi trọng trong việc vận động người thân, giáo dục con em mình tránh xa tệ nạn ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật.

"Tổ phụ nữ không có ma túy – mại dâm" tại ấp Mỹ Phước (Mỹ Quý, Tháp Mười, Đồng Tháp) là một trong những mô hình tiêu biểu, trở thành "pháo đài" phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội hiệu quả tại địa phương. Chị Lăng Thị Phượng, tổ trưởng "Tổ phụ nữ không có ma túy – mại dâm" tại ấp Mỹ Phước, cho biết: "Tổ chúng tôi thành lập từ năm 2018 đến nay với 20 thành viên. Chúng tôi thường xuyên lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của tổ phụ nữ với các nội dung về phòng chống ma túy, mại dâm, nêu ra những mặt trái của tệ nạn này để chị em nắm rõ và tuyên truyền lại với người thân, giáo dục con em thật tốt. Mọi năm, hội LHPN xã đều phối hợp với bên công an để làm các phóng sự tuyên truyền, tổ chức buổi tuyên truyền về công tác phòng chống ma túy. Nhờ việc thành lập "Tổ phụ nữ không có ma túy – mại dâm" mà các tệ nạn ma túy, mại dâm những năm gần đây đã bị đẩy lùi, tình hình an ninh trật tự của địa phương được giữ vững".

Bên cạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, các cấp hội còn hỗ trợ để chị em lầm đường lạc lối tái hòa nhập cộng đồng, tránh lặp lại sai lầm bằng các hoạt động như: Tạo công ăn việc làm, hỗ trợ vốn khởi nghiệp…

Phụ nữ Đồng Tháp xây dựng dày đặc mô hình đẩy lùi ma túy và tệ nạn xã hội  - Ảnh 1.

Hội Phụ nữ Công an TP. Sa Đéc đã hỗ trợ cho chị T. 12 triệu đồng để khởi sự kinh doanh

Chị T.T.T.T (TP. Sa Đéc, Đồng Tháp) trước đây vì thiếu hiểu biết Pháp luật mà vướng vào tệ nạn xã hội, lâm cảnh tù tội. Sau khi chấp hành án xong, chị T. trở về địa phương sinh sống cùng gia đình. Chị đã tu chí làm ăn, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, Pháp luật Nhà nước và của địa phương. Hội Phụ nữ Công an TP. Sa Đéc đã hỗ trợ cho chị T. mượn 12 triệu đồng từ Quỹ tương thân tương ái của Hội Phụ nữ Công an TP. Sa Đéc không tính lãi suất. Từ số tiền này, chị T. đã mở quầy rau củ bán lẻ để phát triển kinh tế. Chị T. đã tự đặt dấu chấm hết cho quá khứ đen tối để mở ra một tương lai tươi sáng bằng chính nỗ lực của mình và động viên từ Hội.

Dùng mô hình "bao vây" ma túy

Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp đã tăng cường triển khai công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về phòng chống ma túy, mại dâm, mua bán người và các loại tội phạm đến cán bộ, hội viên, phụ nữ bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng, lồng ghép vào sinh hoạt thường lệ ở chi, tổ hội.

Hội còn ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền thông qua Facebook, nhóm zalo. Đặc biệt, hưởng ứng "Tháng hành động phòng, chống ma tuý" và "Ngày toàn dân phòng, chống ma tuý" năm 2021 các cấp Hội triển khai tuyên truyền kiến thức về phòng, chống ma túy thông qua hình thức trắc nghiệm trực tuyến. Qua đó, trang bị cho hội viên phụ nữ cách phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy. Từ đó vận động người thân gia đình tránh xa ma túy.

Cũng trong đợt hưởng ứng các cấp Hội phối hợp ngành chức ngành chức năng trực tiếp đến thăm, gặp gỡ 11 đối tượng do Hội quản lý để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình của từng đối tượng từ đó có biện pháp cụ thể giúp các chị em có kế sinh nhai, ổn định cuộc sống.

Tiếp tục thực hiện kế hoạch Liên tịch giữa Công an và Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp về "Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội". Đầu năm 2021, các cấp Hội tiếp nhận và quản lý 106 đối tượng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Kết quả, các cấp Hội đã tiếp cận, cảm hóa giáo dục, giúp đỡ 29 đối tượng đã chuyển biến tốt, 14 đối tượng có việc làm ổn định và 11 đối tượng có quyết định ra khỏi diện. Các đối tượng còn lại đang được cảm hóa giáo dục.

Bà Nguyễn Thanh Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp phần nào cũng ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền. Bên cạnh, các đối tượng tội phạm có nhiều thủ đoạn, lợi dụng sự nhẹ dạ của người có hoàn cảnh khó khăn để lừa đi lao động nước ngoài, kết hôn, dẫn dụ vào các tệ nạn. Các chất ma túy được chế biến với nhiều dạng giống kẹo, trà sữa len lõi tận các trường học. Vậy nên, Hội LHPN tỉnh và các cơ sở đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người. Đến nay, các cấp Hội duy trì và phát huy hiệu quả nhiều mô hình liên quan đến việc phòng, chống tệ nạn xã hội như: Chi hội xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch" (423 Chi/61.889 thành viên), Tổ "5 không 3 sạch" (1.591tổ/43.234 thành viên), CLB "Phòng, chống tệ nạn xã hội từ gia đình" (10 CLB/74 thành viên), Tổ phụ nữ không có ma túy – mại dâm (5 tổ/385 thành viên), tổ "Không có tệ nạn xã hội" (7 tổ/128 thành viên)… Ngoài ra, Hội LHPN còn có gần 160 tổ dư luận xã hội với trên 1.800 thành viên nhằm nắm tình hình dư luận, những vấn đề bức xúc trong dân, các điểm nóng về tệ nạn xã hội để kịp thời báo cáo cấp trên và tố giác tội phạm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn