Bà Trần Thị Dương - Chủ tịch Hội LHPN xã Duy Phú - cho hay, 5 năm qua hội đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hàng nghìn lượt phụ nữ và giới thiệu 125 lao động nữ vào làm việc ở các công ty, xí nghiệp. Bên cạnh đó, hội tiếp nhận hơn 6,5 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và gần 2 tỷ đồng của dự án phát triển kinh tế - xã hội có lồng ghép giới cho 437 hội viên phụ nữ vay phát triển kinh tế hộ. Ngoài ra, hội cũng vận động cán bộ, hội viên đóng góp ngày công lao động và kinh phí để trao sinh kế giúp 36 phụ nữ nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 9% vào cuối năm 2016.
Được biết, công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hội. Hàng năm, các cơ sở hội tiến hành rà soát hộ phụ nữ nghèo, phân loại nguyên nhân và đề ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp. Trong đó, chú trọng việc duy trì và phát huy hiệu quả của mô hình “Mỗi chi hội giúp 1 - 2 hộ phụ nữ thoát nghèo trong năm” ở tất cả 14 chi hội, “Tổ phụ nữ liên kết trong sản xuất”, “Phụ nữ quấn chổi”, “Phụ nữ làm thảm lau chân”... Theo bà Vỹ, 5 năm qua, bên cạnh việc phối hợp mở 111 lớp đào tạo nghề, hội còn vận động 25.000 hội viên tham gia các mô hình tiết kiệm với số tiền thu được 22 tỷ đồng, qua đó giúp cho 1.500 lượt phụ nữ mượn hoặc vay với lãi suất thấp để có điều kiện phát triển sản xuất - kinh doanh. Đồng thời trao học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ sinh kế và kinh phí xây mới, sửa chữa 42 ngôi nhà cho phụ nữ nghèo với tổng trị giá 10 tỷ đồng.
Môi trường là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để góp phần thực hiện hoàn thành tiêu chí đó, từ năm 2012, nhiều cấp hội cơ sở đã triển khai mô hình “Tổ phụ nữ tự quản bảo vệ môi trường” ở tổ 6A thuộc thôn Hòa Bình, sau đó nhân rộng ra tất cả 8 khu dân cư; đúc 120 hố bi đựng rác thải trên đồng ruộng, chấm dứt tình trạng bao bì, chai lọ đựng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vứt tràn lan như trước đây. Đặc biệt, hội còn xây dựng 4 tuyến đường “Phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp” và vận động chị em thay phiên nhau dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng cây xanh, trồng hoa.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình hoạt động mang ý nghĩa xã hội sâu sắc cũng đã được tổ chức. Ví dụ như tại xã Duy Sơn, hội phụ nữ tổ chức xây dựng các câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Tổ phụ nữ không có con hư hỏng và mắc tệ nạn xã hội” hay mô hình “Địa chỉ tin cậy” và nhất là mô hình “1 5” - tức là một người vi phạm, 5 ngành và đoàn thể cùng tham gia quản lý, giáo dục. Nhờ đó, hội đã giúp đỡ 28 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có những chị được hỗ trợ vốn, trao tặng sinh kế để phát triển kinh tế hộ. Nhờ những cách làm đó, hội đã tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực an ninh trật tự, góp phần xây dựng môi trường xã hội lành mạnh và giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Với những nỗ lực không ngừng, đến nay, toàn huyện có ít nhất 50 đoạn đường phụ nữ tự quản bảo vệ môi trường cùng nhiều mô hình khác như “Tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông”, “Tổ phụ nữ tự quản thu gom rác thải”. Ngoài ra, hội cũng khuyến khích chị em phụ nữ phát triển sản xuất - kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, hội phụ nữ các cấp còn chủ công trong việc vận động hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Theo thống kê sơ bộ, 6 năm qua hội viên phụ nữ toàn huyện tự nguyện hiến 40.000m2 đất, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động làm đường liên xã, liên thôn, liên xóm và kiên cố hóa hàng loạt tuyến kênh mương cùng nhiều công trình phục vụ sản xuất, đời sống văn hóa… góp phần tạo ra diện mạo nông thôn mới trên toàn địa phương.