Poongani 46 tuổi, một phụ nữ góa chồng người Dalit đã lập ra nhóm nông dân Sivanthi Poo ở làng Thottampatti cho biết "Chúng tôi có đủ ngũ cốc và rau ở nhà, trong khi những người khác trong làng cần đến sự hỗ trợ của chính phủ".
Adhiamal, 60 tuổi, một góa phụ người Dalit của nhóm nông nghiệp Kalanjium ở làng Sohanur chia sẻ "Không có cửa hàng nào trong làng mở cửa trong thời gian phong tỏa. Chúng tôi là nguồn cung cấp rau duy nhất cho dân làng".
Các cộng đồng làm nông nhỏ và không chính thức mà Poongani và Adhiamal làm việc được hỗ trợ bởi Women's Collective, một tổ chức phi lợi nhuận cấp cơ sở ở Tamil Nadu. Tổ chức này khuyến khích phụ nữ nghèo không có đất cũng như không có khả năng tự thuê đất cùng phối hợp thuê đất chung để trồng trọt.
Bà Sheelu Francis, một trong những người sáng lập của tổ chức nói "Chúng tôi bắt đầu với năm trang trại vào năm 2010, với mục đích giúp những phụ nữ góa chồng hoặc độc thân không có đất trồng trọt có nguồn thức ăn".
Ở nông thôn Ấn Độ, hơn 70% phụ nữ có việc làm là nông dân, nhưng chưa đến 13% giữ quyền sở hữu ruộng đất. Phụ nữ thường bị trả lương thấp, bị bóc lột sức lao động; và nếu chưa kết hôn, góa chồng hoặc ly thân thì việc thuê đất là không thể. Đối với phụ nữ thuộc cộng đồng người Dalits - tầng lớp thấp nhất trong hệ thống phân cấp của Ấn Độ, việc không có đất đai để trồng trọt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và dinh dưỡng của gia đình.
Francis nói "Với canh tác tập thể, chúng tôi đảm bảo dinh dưỡng và an ninh lương thực cho nhiều phụ nữ không có đất ở cấp hộ gia đình".
Thành công bước đầu của các tập thể khiến nhiều phụ nữ muốn tham gia hơn. Hiện tại, có 89 trang trại tập thể với tổng số 695 thành viên trải khắp Tamil Nadu.
Mỗi tập thể có từ 5 đến 10 thành viên. Theo đó, Women's Collective sẽ cung cấp khóa đào tạo, từ cách chọn cây trồng đến sản xuất, phân bón tự nhiên và không sử dụng hóa chất. Tùy thuộc vào kích thước của khu đất, có thể trồng kê, lúa, lạc, và nhiều loại đậu và rau. Thông thường, một phần ba tiền thu hoạch được đưa cho chủ đất để trả tiền thuê, khoản tiền còn lại sẽ được chia đều cho các thành viên.
Poongani nói "Việc sản xuất thường kéo dài khoảng sáu tháng". Ngoài ra, cô còn cho biết thêm, khi có quá nhiều sản phẩm thừa, chúng sẽ được bán tại các chợ làng.
Công việc được chia đều cho mọi người, quyết định đều được thống nhất và đưa ra dựa trên thỏa ước tập thể. Nếu vì bất kỳ lý do gì mà một thành viên không thể đến làm việc vào một ngày cụ thể, họ có thể chọn một thành viên gia đình để thay thế hoặc làm bù công việc vào một ngày khác.
Kuppamal, 40 tuổi, thuộc tập thể Kurunji ở Thottikalai gồm bảy thành viên cho biết "Trong sáu năm làm việc cùng nhau, hiếm khi có vấn đề xảy ra giữa chúng tôi. Nếu có bất kỳ bất đồng nào, chúng tôi sẽ giải quyết một cách ôn hòa. Thật sự, chúng tôi đã trở nên thân thiết hơn qua nhiều năm."
Tuy nhiên, cũng có những thách thức khác, Francis nói. "Ban đầu, nông dân sẽ thuê đất từ các chủ đất tư nhân. Nhưng khi chủ đất thấy mùa màng bội thu, họ sẽ đòi lại đất ngay". Để tránh điều này, các chủ đất trong làng cũng đã được mời tham gia vào các nhóm làm nông. Hiện tại, không chỉ những phụ nữ không có đất, mà những người đã kết hôn cũng đang hình thành các nhóm như vậy.
Sandhya từ tập thể Avvai ở làng Bommanur, rất vui mừng khi cô đã mang thai 4 tháng sau gần 10 năm nỗ lực "tìm con". Cô cho rằng việc mình có thể mang thai là do ăn các sản phẩm hữu cơ và bổ dưỡng. Cô chia sẻ "Chính việc trồng trọt và tiêu thụ các loại thực phẩm tự nhiên đã giúp cô có thể mang thai".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn