Trong khuôn khổ hoạt động của Viện nghiên cứu ASEAN về Hòa Bình và Hòa giải (AIPR), ngày 5/6, tại Hà Nội, cuộc họp trực tuyến của Nhóm Phụ nữ ASEAN vì Hòa bình (AWPR) đã diễn ra. Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp Ban Thư ký Quốc gia ASEAN 2020, đại diện Việt Nam tại Nhóm Phụ nữ ASEAN vì hòa bình, đã tham dự, phát biểu và chủ trì phiên thảo luận.
Cuộc họp nhằm thảo luận về các biện pháp triển khai Tuyên bố chung của Lãnh đạo ASEAN về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh năm 2017. Cuộc họp còn nhằm trao đổi thông tin về các hoạt động, sáng kiến liên quan đến phụ nữ, hòa bình và an ninh, định hướng thúc đẩy chương trình nghị sự phụ nữ- hòa bình- an ninh thời gian tới trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực chuyển biến nhanh chóng với nhiều nhân tố bất ổn.
Mục đích chính của cuộc họp này là xem lại việc thực hiện tuyên bố 2017 của các nhà lãnh đạo về vấn đề phụ nữ, hòa bình, an ninh thực hiện được đến đâu; tăng cường vai trò đóng góp của phụ nữ; cần có sáng kiến gì để bảo đảm vai trò của phụ nữ và quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái trong đại dịch Covid-19. Các bên thống nhất với nhiều các sáng kiến, hoạt động, không chỉ đi hòa giải, giúp đỡ phục hồi sau chiến tranh, xung đột mà phải tập trung vào các nỗ lực ngăn ngừa xung đột, giáo dục văn hóa hòa bình. Phụ nữ có vai trò truyền tải những thông điệp về vấn đề hòa bình cho thế hệ trẻ và trong xã hội.
Nhóm Phụ nữ ASEAN vì Hòa bình chỉ có thể đóng góp được tốt hơn nếu phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ chế trong khu vực, các hiệp hội phụ nữ, các doanh nghiệp, giới truyền thông trong khu vực và trên thế giới. Khi thúc đẩy những hoạt động như vậy sẽ khẳng định vai trò quan trọng, tiếng nói quan trọng của ASEAN trong đóng góp và định hình cấu trúc khu vực, hòa bình, an ninh khu vực và trên thế giới trong giai đoạn mà thế giới có nhiều bất ổn gia tăng, các vấn đề thách thức truyền thống và phi truyền thống… Nhóm Phụ nữ ASEAN vì Hòa bình sẽ tận dụng công nghệ thông tin để duy trì gắn kết, thông tin với nhau, gắn kết với các tổ chức ASEAN và khu vực. Chúng tôi dự kiến sẽ có họp trực tuyến thường xuyên hơn để có thể bàn kỹ hơn về triển khai các hoạt động trong thời gian tới.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhấn mạnh, năm nay, vấn đề phụ nữ, hòa bình, an ninh trở nên quan trọng hơn vì thế giới kỷ niệm 25 năm thông qua việc thực hiện Cương lĩnh của Bắc Kinh về vấn đề bình đẳng giới và 20 năm thực hiện nghị quyết đầu tiên số 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh. Việt Nam có nhiều sáng kiến hưởng ứng các sự kiện quan trọng này. Ban Thư ký quốc gia ASEAN sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành tổ chức Diễn đàn Bộ trưởng về vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh tại Hà Nội tháng 8/2020. Ngoài ra, sẽ có hội thảo về vấn đề là nâng cao năng lực cho phụ nữ trong ASEAN về hòa bình và an ninh; hội nghị quốc tế về việc tăng cường vai trò đóng góp của phụ nữ trong việc kiến tạo và duy trì hòa bình trong quý 3, 4/2020. Qua những hoạt động này, phụ nữ trong ASEAN sẽ đóng góp một cách thực chất hơn cho các nỗ lực chung.
Nhóm Phụ nữ ASEAN vì Hòa bình được thành lập ngày 13/12/2018 tại Phillippines. Đây là một trong những sáng kiến nhằm triển khai Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh năm 2017 với mục tiêu thúc đẩy sự tham gia và đóng góp của phụ nữ trong các tiến trình xây dựng hòa bình, giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên ở khu vực. Thành viên của Nhóm gồm đại diện nữ của các nước ASEAN, là các nhà ngoại giao, quan chức/cựu quan chức chính phủ, nhà đàm phán, đại diện các tổ chức xã hội dân sự, chuyên gia nghiên cứu về hòa bình và hòa giải…
Việc thành lập Nhóm phụ nữ ASEAN vì hòa bình là một trong nỗ lực mà không chỉ về vấn đề bình đẳng giới, đóng góp của phụ nữ, về vai trò của phụ nữ trong xã hội mà đặc biệt là nhấn mạnh sự quan tâm và lợi ích của các nước ASEAN là phải củng cố môi trường hòa bình, an ninh trong tình hình mới hiện nay.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn