Tại các quận nội thành, nước sông Hồng lên nhanh vào khuya 9/9, rạng sáng 10/9 khiến nhiều khu dân cư ở quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm bị ngập. Nhiều người hối hả di dời đồ đạc, chạy lũ xuyên đêm.
Hội LHPN quận Ba Đình cho biết, cán bộ hội phụ nữ đã cùng các lực lượng chức năng đến hỗ trợ các hộ dân, người lao động đang sinh sống ngoài bãi giữa sông hồng, thuộc phường Phúc Xá di dời lên nhà sinh hoạt cộng đồng tạm trú.
Hỗ trợ các hộ dân đang sinh sống ngoài bãi giữa sông hồng thuộc phường Phúc Xá di dời lên nhà sinh hoạt cộng đồng tạm trú
Hội LHPN huyện Sóc Sơn cho biết, tại các xã ven các con sông Cầu, Cà Lồ, sông Công, mực nước đã lên báo động 3 từ đêm 10/9. Nước đã ngập vào nhiều nhà khiến nhiều hộ dân đã phải di chuyển chỗ ở. Diện tích đất nông nghiệp ngập nhiều. Hiện nay, nước vẫn tiếp tục dâng cao. Hội phụ nữ các cấp đang tích cực phối hợp với các lực lượng khác tham gia đắp đê chống lũ, hỗ trợ các hộ dân ven sông di chuyển vật nuôi, đồ đạc...
Hội LHPN huyện Sóc Sơn tham gia đắp đê chống lũ
Mực nước dâng cao tại nhiều địa bàn thuộc huyện Sóc Sơn
Cán bộ, hội viên phụ nữ tại Sóc Sơn hỗ trợ nhân dân di chuyển đồ đạc ngay trong đêm
Đại diện Hội LHPN huyện Ba Vì chia sẻ, sau bão số 3, trời vẫn tiếp tục mưa nên đã gây ngập úng cục bộ một số nơi trong huyện. Hiện cán bộ, hội viên phụ nữ đang cùng các lực lượng hỗ trợ nhân dân thu hoạch lúa, di chuyển vật nuôi và vệ sinh phòng dịch.
Trong khi đó, với tinh thần tương thân tương ái, Hội LHPN xã Đông Dư (huyện Gia Lâm), Hội LHPN xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) cấp tốc chuẩn bị vật phẩm, nhu thiết yếu, áo phao... để ủng hộ các địa phương gặp thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3.
Hà Nội: Thành lập đội hình "Phụ nữ ứng phó với thiên tai"
Trước những hậu quả do ảnh hưởng của bão và tình hình mưa, lũ, ngập úng, sáng 10/9, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội đã ban hành Công văn tập trung khẩn trương khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 Yagi. Theo đó, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa đề nghị Ban Thường vụ Hội LHPN các quận, huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc chủ động triển khai thực hiện các nội dung khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3, cụ thể như sau: Tiếp tục chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tại địa bàn tổ chức các hoạt động ra quân tổng vệ sinh môi trường; Tiếp tục rà soát, kịp thời hỗ trợ, thăm hỏi các gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng do bão gây ra; kết nối và hỗ trợ người dân không có nơi ở, sinh hoạt do ảnh hưởng của bão...
Đặc biệt, công văn nhấn mạnh, cần thành lập các đội hình "Phụ nữ ứng phó với thiên tai" với phương châm "phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương"; sẵn sàng phối hợp với lực lượng chức năng tại địa phương tham gia các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp trong các tình huống bất ngờ xảy ra;
Đồng thời, phát huy tinh thần "Tương thân, tương ái", "Lá lành đùm lá rách", các cấp hội cần tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân quyên góp, ủng hộ, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề sau bão tại địa phương.
Báo động 1 tại 10 quận, huyện tại Hà Nội
Trưa 10/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội đã ra lệnh báo động một trên sông Hồng tại các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.
Theo quy định, có ba cấp báo động lũ. Báo động cấp một là giới hạn mực nước cho biết trên sông đã bắt đầu có lũ nhưng còn ở giới hạn trong lòng sông - tương đương cấp lũ nhỏ.
Báo động cấp hai là mức giới hạn mực nước cho biết lũ trong sông đã lên đến mức trung bình, nước lũ bắt đầu gây ảnh hưởng ngập lụt và tác động xấu đến dân sinh, kinh tế, xã hội - tương đương lũ trung bình.
Báo động cấp ba là mức giới hạn mực nước cho biết lũ trong sông đã lên cao, gây ảnh hưởng ngập lụt nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân - tương đương lũ lớn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn