Tuổi thơ của Youngmi cực kỳ khó khăn. Cô y tá 25 tuổi sinh ra trong một gia đình nghèo ở Daegu, nổi tiếng là một trong những thành phố nặng truyền thống nhất Hàn Quốc. Mẹ Youngmi đã rời nhà khi Youngmi còn nhỏ để thoát khỏi sự ngược đãi của chồng, để Youngmi và chị gái ở lại với anh và bà nội. Khi lớn lên, Youngmi đối mặt với cảm giác chán nản, không biết tương lai của mình sẽ ra sao.
Bất chấp ngân sách eo hẹp khi còn là sinh viên, Youngmi vẫn mua quần áo mới mỗi mùa. "Tôi không thể ra ngoài mà không trang điểm. Tôi cảm thấy xấu hổ về khuôn mặt của mình. Tôi có áp lực muốn trông xinh đẹp và muốn trở nên đáng mơ ước, cả về mặt thể chất lẫn hấp dẫn tình dục". Khi lướt Twitter vào năm 2018, Youngmi đã xem được đoạn phim về các cuộc biểu tình diễn ra trên đường phố Seoul. Youngmi rất cảm động trước sự đoàn kết mà cô nhìn thấy nhưng có một điều khiến cô cảm thấy bối rối: Nhiều phụ nữ tham gia cuộc biểu tình đã cạo đầu ngay trước ống kính. Khi bắt đầu theo dõi nhiều tài khoản Twitter ủng hộ nữ quyền, Youngmi hiểu rằng đây là hành động công khai bác bỏ những khuôn mẫu áp đặt lên phụ nữ Hàn Quốc, vốn đã đưa đất nước này trở thành quốc gia dẫn đầu về các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và phẫu thuật thẩm mỹ.
Cô bắt đầu nhận ra rằng đàn ông không chịu những áp lực tương tự. Chẳng bao lâu, Youngmi cũng cạo đầu và ngừng trang điểm, tham gia phong trào "không mặc áo lót" đang diễn ra trong nhóm phụ nữ trẻ ở Hàn Quốc. Cuối cùng, Youngmi tìm đến "4B", một phong trào nhỏ hơn nhưng đang phát triển trong nữ giới Hàn Quốc. "4B" là viết tắt của 4 từ tiếng Hàn (Bihon nghĩa là từ chối hôn nhân khác giới; Bichulsan là từ chối sinh con; Biyeonae là từ chối hẹn hò và Bisekseu là từ chối quan hệ tình dục khác giới). Đó vừa là một lập trường ý thức hệ vừa là một lối sống.
Thông qua các nhóm trò chuyện mở trên KakaoTalk, Youngmi kết nối với các nhà hoạt động vì nữ quyền khác ở Daegu. Đối với Youngmi và nhiều người khác ủng hộ "4B", nó là con đường duy nhất mà phụ nữ Hàn Quốc ngày nay có thể sống tự chủ.
Còn quá sớm để nói liệu phong trào "4B" có thể tồn tại và phát triển lâu dài hay không. Nhưng những ý tưởng và hành động của nó đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều phụ nữ. Một bài báo ước tính, có 50.000 người theo phong trào này. Một số người khác cho rằng con số theo đuổi phong trào là dưới 5.000. Đối với một phong trào sinh ra từ sự giận dữ, điều gì sẽ xảy ra khi cơn thịnh nộ của họ dịu đi hoặc khi những mối quan tâm khác được ưu tiên? Ít nhất cho đến thời điểm hiện tại, rõ ràng là thông điệp của "4B", bất kể nó được thực hiện như thế nào, đều đã mang đến nơi ẩn náu theo cách nào đó cho phụ nữ Hàn Quốc.
Taekyung, 24 tuổi, đang lấy bằng thạc sĩ về văn học Đức tại Đại học Ewha, cho biết cô đã cố gắng tránh mặt đàn ông từ khi còn học trung học, sau khi bị quấy rối tình dục. Theo quan điểm của cô, điều quan trọng nhất là có một không gian vắng mặt đàn ông và phụ nữ có thể dựa vào nhau.
Một cuộc khảo sát năm 2016 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc cho thấy, tỷ lệ bạo lực do "nửa kia" gây ra là 41,5%, cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu là 30%.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn