Tại hội thảo trực tuyến "Việc làm, cơ hội khởi nghiệp của phụ nữ thời hậu COVID-19" do Hội LHPN Việt Nam - Trường Trung cấp Lê Thị Riêng tổ chức đã mang lại một cái nhìn toàn cảnh, cũng như đề xuất các giải pháp, hướng đi thiết thực đối với lao động nữ trong thời gian này.
Trong tham luận của ThS. Nguyễn Trúc Vân (Trung tâm Mô phỏng và Dự báo Kinh tế) đã chỉ ra trong số lực lượng lao động nữ mất việc làm thì nhóm lao động trẻ từ 15 đến 24 và từ 55 tuổi trở lên là nhiều hơn cả. Tỷ lệ phụ nữ từ 15 đến 24 tuổi và những người từ 55 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động đã giảm so với quý 4 năm 2019. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ trẻ tuổi ở thành thị lại sụt giảm nghiêm trọng từ quý 2 năm 2020.
Nguyên nhân là do phụ nữ trẻ và lớn tuổi thường làm những loại công việc thiếu ổn định nhất so với phụ nữ ở độ tuổi lao động chính (25-54). Nữ lao động làm công ăn lương trẻ tuổi có xác suất được ký được hợp đồng lao động dài hạn thấp hơn 20% so với phụ nữ lớn tuổi.
Khi kim ngạch xuất khẩu giảm cộng với tình trạng đóng cửa nơi làm việc, khiến sản lượng kinh tế trong các lĩnh vực việc làm chủ chốt giảm đáng kể, bao gồm cả dịch vụ và nông nghiệp, thì những người ở các nhóm tuổi này có nguy cơ mất việc làm nhiều hơn.
Phần lớn những phụ nữ trẻ thành thị bỏ việc trong giai đoạn này đều là những người làm các công việc thiếu ổn định trong lĩnh vực dịch vụ, trong khi hầu hết những phụ nữ lớn tuổi ở nông thôn nghỉ việc đều là lao động tự do và lao động gia đình trong nông nghiệp.
Ngoài ra, phụ nữ trong các nhóm tuổi này thường làm việc ít giờ hơn và có mức thu nhập thấp hơn. Nếu là lao động làm công ăn lương, phụ nữ từ 15 đến 24 tuổi có mức thu nhập thấp hơn 11,7% so với mức trung bình của tất cả phụ nữ vào năm 2019 và thấp hơn 50,6% nếu họ là lao động tự tạo việc làm. Phụ nữ trên 55 tuổi có mức thu nhập thấp hơn 32,4% nếu họ là lao động làm công ăn lương và thấp hơn 21,4% nếu họ là lao động tự tạo việc làm.
Tuy nhiên, trong giai đoạn các doanh nghiệp đang ra sức phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau cao điểm đại dịch bùng phát đã mở ra những cơ hội mới cho lực lượng lao động, đặc biệt là lao động nữ trở lại với việc làm.
Theo chuyên gia Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng khoa học - Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực thì riêng tại TPHCM hiện nay, lực lượng lao động thiếu hụt khoảng 30 đến 34%. Thậm chí, ở các lĩnh vực dịch vụ lên đến 50%, đây là lĩnh vực mà lao động nữ chiếu ưu thế về số lượng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hiện nay cũng không còn phân biệt lao động nữ hay nam mà chủ yếu là nguồn lao động chất lượng, làm việc tốt và đặc biệt là thái độ làm việc. Đây hoàn toàn là những yêu cầu mà lao động nữ không thua kém gì nam giới. Nhiều ngành nghề thuộc lĩnh vực Thương mại điện tử, maketing digital... đang là những cơ hội mới cho phụ nữ.
Do đó, theo ông Trần Anh Tuấn, lao động nữ hãy nắm bắt cơ hội, nếu thấy thuận lợi thì nên quay về với công việc. Hiện nay nhiều phụ nữ sau biến động đại dịch vẫn còn tâm lý e dè trong việc trở lại công việc. Cần vượt qua rào cản này, tự tin hơn để tiếp cận thị trường lao động. Song, để có một sự phát triển ổn định và lâu dài trong công việc, thì lao động nữ cần năng động trong việc học, trang bị nghề, đáp ứng nhu cầu về lực lượng lao động chất lượng cao, yếu tố này luôn là ưu tiên hàng đầu trong thời đại mới.
Đối với phương diện đào tạo nghề cho lao động nữ thì phía trường Trung cấp Lê Thị Riêng, bà Nguyễn Thị Hoàng Ánh - Phó Hiệu trưởng phụ trách, cũng đã đề xuất vài ngành nghề đang có cơ hội việc làm tốt, hiện là xu hướng. Trong đó, nghề Chăm sóc sắc đẹp, Kỹ thuật chế biến món ăn được nhà trường đầu tư trọng điểm cấp độ ASEAN nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ khu vực phía Nam. Đồng thời cung ứng nguồn nhân lực cho các Trung tâm chăm sóc sắc đẹp và spa, mỹ viện trên địa bàn TPHCM và các nước trong khu vực, thúc đẩy thị trường lao động nữ phát triển.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn