Hiện nay, tại Hưng Yên có 75.295 hộ thực hiện phân loại rác (đạt 76,9% hộ đăng ký), 69.825 hộ thực hiện xử lý rác hữu cơ (đạt 71,32% hộ) bằng chế phẩm IMO và bằng chế phẩm khác, gần 50% số hộ gia đình thường xuyên sản xuất chế phẩm, nhân men vi sinh IMO tại nhà để bảo vệ môi trường nông thôn.
Thời gian gần đây, bà Nguyễn Thị Mây (thôn Công Luận, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) thường xuyên đón các đoàn từ địa phương khác đến học tập, nhân rộng mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO bảo vệ môi trường, vừa tạo nguồn dinh dưỡng hữu cơ an toàn cho cây trồng, chăn nuôi.
Mặc dù mới bị cơn bão số 3 (bão Yagi) tàn phá nặng nề, gia đình bà Nguyễn Thị Mây (bìa phải) nhanh chóng khôi phục 2,7 mẫu vườn trồng cam Vinh, cam Đường canh, bưởi Diễn…
Toàn bộ diện tích đất trồng cây ăn quả của gia đình bà được chăm sóc bằng rác hữu cơ ủ men vi sinh IMO. Bà Mây chia sẻ, những năm trước đây, nguồn rác hữu cơ (thường chiếm 60% số rác thải trong mỗi gia đình bao gồm: cơm canh thừa, vỏ rau củ quả, gốc rau, rơm, rau củ, quả hỏng, phân vật nuôi…) thường bị vứt bừa bãi ra đường làng, kênh rạch, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trong quá trình sản xuất, bà Mây nhiều lần thử nghiệm ủ lên men các loại rác hữu cơ để làm phân bón. Bà Mây làm ra chế phẩm men vi sinh IMO bằng cách, dùng các nguyên liệu là như cám gạo, men rượu, men tiêu hóa, sữa chua, đường, chuối, nước, đem ủ trong 3-7 ngày, sẽ tạo ra men vi sinh IMO (còn gọi là men gốc).
Từ men gốc này, chi phí tạo ra men vi sinh IMO sẽ giảm đi nhiều cho những lần ủ men sau. Bà Mây nhân bản thành men vi sinh IMO mới chỉ cần có cám gạo và nước.
Điểm đặc biệt của công nghệ này là quá trình phân huỷ rác hoàn toàn không có mùi. Thành phẩm cho ra loại nước tưới và phân hữu cơ thay thế các loại phân hoá học bón cho cây trồng, tạo tơi xốp đất.
Tận dụng rác thải hữu cơ, để làm ra thức ăn chăn nuôi
Diện tích đất trồng cây ăn quả của gia đình bà được chăm sóc bằng rác hữu cơ ủ men vi sinh IMO giúp đất tơi xốp, cây cam, cây bưởi phát triển tốt, nhiều quả, chất lượng quả ngọt. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng tạo ra thức ăn hữu cơ dành cho chăn nuôi. Nhờ đó, mỗi năm gia đình bà thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Là Chi hội trưởng phụ nữ tiêu biểu của thôn Công Luận, bà Mây không chỉ dừng lại ở việc làm lợi cho bản thân. Sau khi được tham gia học hỏi từ các lớp hợp huấn của Hội LHPN tỉnh Hưng Yên phối hợp với các ban ngành khác trong tỉnh, bà Mây đã trở thành một trong những tuyên truyền viên tích cực đi phổ biến và chuyển giao cách thức làm phân hữu cơ và xử lý rác thải từ chế phẩm vi sinh IMO cho hội viên, phụ nữ trong xã Đồng Thanh.
Tại Hưng Yên, có 75.295 hộ thực hiện phân loại rác (đạt 76,9% hộ đăng ký), 69.825 hộ thực hiện xử lý rác hữu cơ (đạt 71,32% hộ) bằng chế phẩm IMO và bằng chế phẩm khác, gần 50% số hộ gia đình thường xuyên sản xuất chế phẩm, nhân men vi sinh IMO. Nhờ đó, đường làng ngõ xóm, môi trường sống tại vùng nông thôn Hưng Yên sạch đẹp, trong lành; sức khỏe của người dân được nâng lên.