Phụ nữ ít va chạm dễ mắc trầm cảm sau sinh

18:33 | 19/03/2017;
Thông thường, những người tính cách không mạnh mẽ, ít va chạm sẽ dễ mắc trầm cảm sau sinh. Còn những người tuy có tính cách rụt rè nhưng được va chạm nhiều sẽ dần dần tăng sức đề kháng với sang chấn và stress hơn.
Lý do phụ nữ dễ mắc trầm cảm sau sinh

Theo TS La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, phụ nữ sau sinh thường bị rối loạn cảm xúc, bao gồm hưng cảm, trầm cảm hoặc là lưỡng cực (vừa hưng cảm, vừa trầm cảm). Trong đó, trầm cảm sau sinh thường diễn ra nhiều hơn và gây nguy cơ xấu với sức khỏe của bà mẹ, cũng như em bé.

Trầm cảm sau sinh là một loạt biểu hiện suy giảm về tinh thần lẫn thể chất, xảy ra với một số chị em trong thời kỳ hậu sản. Triệu chứng có thể xuất hiện vài ngày hoặc vài tuần sau sinh, có thể xảy ra sau bất cứ lần sinh nào. Tình trạng này được gây ra bởi nhiều nguyên nhân, cả về mặt thể chất và quan hệ xã hội.
sau-sinh.jpg
Phụ nữ sau sinh cần được sẻ chia để hạn chế nguy cơ mắc trầm cảm. Ảnh minh họa
Trước hết, người phụ nữ sau khi sinh có sự thay đổi đột ngột của các loại hormone: Sau sinh, cơ thể mất đi một số hormone mà khi mang thai đang có như hormone nhau thai HCG (tạo điều kiện cho niêm mạc tử cung để thai nhi phát triển); cùng với quá trình tiết sữa, cơ thể cũng bị giảm đột ngột estrogen và progestrogen... Đặc biệt là sự giảm mạnh hormone tuyến giáp, gây cảm giác mệt mỏi và trầm cảm.

Bên cạnh đó, sau khi sinh cơ thể có sự thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa, dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc. Về mặt cơ học, sau sinh áp lực bụng thay đổi, tác động tổng hòa đến cả thể dịch thay đổi dẫn đến giảm serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh, khiến cơ thể mất khả năng hành động theo kế hoạch, gây cảm giác buồn chán hoặc dễ dàng cáu giận hoặc không thể kiểm soát được cơn bốc đồng... Ngoài ra, trầm cảm sau sinh còn có yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có người bị trầm cảm (mẹ, chị, cha) thì nguy cơ mắc bệnh cao.

Thực tế, do những biến đổi mang tính đột ngột sau sinh nên hầu như sản phụ nào cũng có xu hướng mắc trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, có sản phụ diễn biến thành bệnh nhưng cũng có người chỉ nhạy cảm hơn về mặt cảm xúc. Điều này là do sự tương tác của các mối quan hệ xã hội, tương tác gia đình và đặc điểm tính cách của bản thân sản phụ.

Thông thường, những người tính cách không mạnh mẽ, ít va chạm, sẽ dễ mắc trầm cảm. Còn những người tuy có tính cách rụt rè nhưng được va chạm nhiều sẽ dần dần tăng sức đề kháng với sang chấn, stress hơn.

Về mặt xã hội, kết hợp những yếu tố về thể chất sau sinh với mâu thuẫn trong gia đình, áp lực tiền bạc, công việc, khó khăn trong chăm sóc con... có thể khiến phụ nữ cảm thấy mất hứng thú sống và mất kiểm soát bản thân, gia tăng cảm giác chán nản, dễ bị trầm cảm.
 
Dấu hiệu nhận biết

Ngoài tiền sử bị bệnh trầm cảm, những vấn đề gây căng thẳng trước đó: Bệnh tật, hiếm muộn, biến chứng thai kỳ (thai lưu, sẩy thai...), thiếu sự giúp đỡ, đồng cảm chia sẻ của người thân, đặc biệt là chồng, mâu thuẫn vợ chồng, với mẹ chồng... là những yếu tố khiến các bà mẹ dễ mắc trầm cảm sau sinh.

Tuy trầm cảm dễ xuất hiện ở người con so nhưng có trường hợp sinh con đầu không mắc, sinh con thứ lại mắc. Để dẫn đến trầm cảm thường là cả một quá trình và thường xảy ra ở những người đã có biểu hiện trước đó như:

- Buồn rầu, mệt mỏi: Sản phụ luôn ở trong trạng thái mệt mỏi triền miên, kiệt sức, không hứng thú với bất kỳ công việc gì, không muốn làm bất cứ điều gì, kể cả chăm sóc con, không buồn tắm rửa, ăn không ngon... Không thích giao tiếp, gặp gỡ bạn thân, từ chối trả lời điện thoại.

- Luôn có cảm giác mặc cảm, tự ti, thấy mình vô dụng và có lỗi, một số nặng hơn có thể đi đến hoang tưởng, thậm chí cả ảo giác. Nhiều sản phụ cảm thấy đau khổ, vô vọng, bị bỏ rơi; khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể nào.

- Có những cảm xúc và ý nghĩa tiêu cực về con, thậm chí có suy nghĩ đến việc làm tổn hại con mình.

- Rối loạn giấc ngủ: Thường rất khó ngủ, có thể thao thức đến gần sáng hoặc không ngủ được; hay bị thức giấc vào giữa đêm, thỉnh thoảng gặp ác mộng và không thể ngủ lại được.

- Hoảng hốt, lo lắng: Với những tình huống xảy ra hằng ngày và khó có thể bình tĩnh lại. Họ thường hay bị ám ảnh, trở nên sợ hãi ai đó, điều gì đó vô cớ. Lo lắng thái quá với nhiều mối lo, thường là về sức khỏe con hoặc bản thân.

- Đau không rõ nguyên nhân: Do bị rối loạn thần kinh thực vật nên có thể cảm thấy đau dữ dội ở đâu đó trên cơ thể nhưng đi khám không thể tìm ra nguyên nhân.

Một số khác thường có biểu hiện mất tập trung, trí nhớ kém, mất hứng thú tình dục và luôn cảm thấy căng thẳng, không kiểm soát được cảm xúc...

tram-cam-sau-khi-sinh-1.jpg
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh trầm cảm sau sinh sẽ tiến triển nặng, nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Để dự phòng trầm cảm sau sinh, sự giúp đỡ của người thân và gia đình có vai trò quan trọng, giúp các bà mẹ giảm bớt gánh nặng về sức khỏe và tinh thần. Một bầu không khí thoải mái vui vẻ trong gia đình, thái độ quan tâm ân cần, sự chia sẻ trong việc chăm sóc con của người chồng, anh chị em, ông bà... sẽ là những yếu tố thuận lợi giúp phụ nữ sau sinh không rơi vào căng thẳng dẫn đến trầm cảm.

Với phụ nữ sau sinh, cách dự phòng trầm cảm tốt nhất là luôn giữ tinh thần thoải mái, có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, hoạt động hợp lý. Các bà bầu, đặc biệt là những người lần đầu làm mẹ, nên tham gia những lớp học tiền sản để trang bị kiến thức cần thiết khi chăm sóc con nhỏ và chuẩn bị tâm lý cũng như tìm hiểu các căn bệnh có thể xảy ra sau sinh.

Khi có dấu hiệu căng thẳng tinh thần, cần tìm cách thư giãn. Nếu trong trường hợp bệnh trầm cảm sau sinh có dấu hiệu nặng thì cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Bởi nếu không điều chỉnh được, bệnh sẽ tiến triển nặng, nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn