Trên hành trình khởi nghiệp của mình, chị em phụ nữ luôn gặp và phải vượt qua rất nhiều khó khăn, trở ngại. Cụ thể, với phụ nữ khởi nghiệp khu vực miền Trung và Tây Nguyên, những khó khăn chị em đang gặp phải là trở ngại về vốn, về kỹ thuật, về kiến thức…
Khởi nghiệp với các sản phẩm được làm từ mo cau và lá cây, chị Phan Vũ Hoài Vui (tỉnh Quảng Nam), chia sẻ: Cơ sở sản xuất của chị đang gặp khó khăn về vốn để đầu tư mua máy móc, trang thiết bị.
Với chị Nguyễn Thị Thu Hiền (Huế), sản xuất các sản phẩm từ cây artiso đỏ, khó khăn lớn nhất là sản phẩm mới so với thị trường, nên chị mong muốn quảng bá sản phẩm để lan tỏa giá trị sức khỏe và giá trị kinh tế của cây artiso đỏ đến cộng đồng.
Phát triển 5 dòng sản phẩm tinh dầu của vùng đất Tây Nguyên, chị Tống Thị Hoài Phương (tỉnh Đắc Lắk) bày tỏ mong muốn được tìm kiếm nguồn vốn, quỹ đất và đầu ra cho tinh dầu sả, hương nhu, cam, quýt.
Chị Thu Hằng (mỹ phẩm Pơ lang), sản xuất mỹ phẩm từ quả bơ tươi Đắc Lắk mong muốn được học hỏi về kỹ năng marketing cho sản phẩm.
Thấu hiểu những khó khăn đó của phụ nữ khởi nghiệp, trong tháng 6/2021, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức giúp chuỗi các lớp tập huấn, cung cấp thêm những kiến thức, kỹ năng cho các đề xuất dự án/ý tưởng đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chí, được lựa chọn tham gia thi cấp vùng, Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 4.
Trong hai ngày 17 và 18/6/2021, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức tập huấn kỹ năng cho 52 dự án/ý tưởng của 13 tỉnh/thành phố thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên theo hình thức trực tuyến.
Tại chương trình tập huấn, giảng viên - chuyên gia về đổi mới sáng tạo Nguyễn Đặng Tuấn Minh chia sẻ: Cơ hội luôn đến từ những khó khăn. Điều quan trọng là phải biết cách gia tăng giá trị sản phẩm, tạo sự độc đáo, khác biệt và những giá trị mới cho sản phẩm.
Để phụ nữ khởi nghiệp khu vực miền Trung và Tây Nguyên tự tin hơn trên chặng đường khởi nghiệp của mình, giảng viên hướng dẫn chị em các nội dung: hoàn thiện mô hình kinh doanh, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức; cách xác định chân dung khách hàng; xây dựng bản đồ giá trị; xác định và đặt thứ tự ưu tiên cho nhu cầu hiện tại…
Các bài giảng được thiết kế theo sơ đồ đơn giản, dễ hiểu, giúp các chị em có thể tiếp cận được với các kiến thức và ứng dụng vào thực tiễn.
Đặc biệt, chuyên gia về đổi mới sáng tạo Nguyễn Đặng Tuấn Minh dành nhiều thời gian để hướng dẫn các tác giả đề xuất/dự án cách tự xây dựng và hoàn thiện bản kế hoạch kinh doanh; thực hành thuyết trình về dự án, giải đáp, tư vấn những vướng mắc liên quan đến: cách tuyển dụng nhân sự, cách vận hành mô hình sản xuất, cách gọi vốn đầu tư…
Từ những kiến thức thực tế và hữu ích này sẽ giúp các chị em tiếp tục hoàn thiện ý tưởng/đề án để tham gia vòng chung kết cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2021.
Năm 2021, Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 4 với chủ để "Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP" đã được phát động từ trung tuần tháng 2/2021 đến 15/4/2021. Đây là một trong những hoạt động cụ thể của Hội LHPN Việt Nam trong việc hỗ trợ phụ nữ duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh trong và sau đại dịch Covid-19. Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 tiếp tục mang đến một sân chơi để chị em phụ nữ khẳng định bản lĩnh và khả năng của mình.
Cuộc thi đã thu hút số lượng tham gia vượt bậc của chị em phụ nữ khắp mọi miền. Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận được 1.549 đề xuất dự án/ ý tưởng dự thi, đã có 963 dự án/ý tưởng dự thi đúng đối tượng.
Qua chấm sàng lọc, kết quả đã có 320 đề xuất dự án/ý tưởng đủ điều kiện, tiêu chí được lựa chọn tham gia chương trình đào tạo để giúp chị em hoàn thiện kế hoạch/mô hình kinh doanh cho đại diện các tập thể, cá nhân dự thi năm 2021.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn