Sau 3 năm thực hiện Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững", hội viên, phụ nữ tỉnh Kon Tum đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xoá bỏ dần những hủ tục lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nhân dịp Hội LHPN tỉnh tổ chức tổng kết 3 năm thực hiện phong trào, Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với bà Y Phương, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kon Tum, về kết quả và các vấn đề còn tồn tại trong quá trình thực hiện Cuộc vận động.
Ngày 13/3/2024, Hội LHPN tỉnh Kon Tum đã tổ chức Hội nghị sơ kết và biểu dương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững".
Tại Hội nghị, Hội LHPN tỉnh Kon Tum đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" giai đoạn 2021-2023
PV: Nhân dịp tổng kết 3 năm "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững" tại tỉnh Kon Tum, xin bà cho biết một vài kết quả nổi bật mà Kon Tum đã đạt được?
Bà Y Phương: Có thể nói, 3 năm thực hiện Cuộc vận động, Hội LHPN các cấp trong tỉnh Kon Tum đã đạt được rất nhiều kết quả đáng mừng, có thể kể đến:
Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã tổ chức lồng ghép được 1.564 buổi tuyên truyền đến 105.185 hội viên phụ nữ về nâng cao kiến thức, phát huy nội lực, khắc phục tư tưởng an phận, ỉ lại; phổ biến pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em, vận động xóa bỏ phong tục không còn phù hợp, ảnh hưởng đến đời sống, lao động, sản xuất; các kiến thức phát triển kinh tế; chăm sóc sức khoẻ sinh sản, dân số kế hoạch hoá gia đình; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em. Duy trì tốt các hoạt động tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội (Zalo, Facebook), loa phát thanh, loa truyền thanh không dây ở cơ sở... Phát hiện, giới thiệu các mô hình hay, cách làm hiệu quả, các gương phụ nữ DTTS điển hình trong lao động, sản xuất; gương phụ nữ DTTS tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động.
Các cấp Hội đã tổ chức truyền thông sâu rộng và tổ chức các cuộc thi để triển khai thực hiện các tiêu chí của phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Kon Tum: Tự tin, tự trọng, sáng tạo, khát vọng vươn lên phát triển toàn diện"; vận động hội viên phụ nữ tham gia các hoạt động rèn luyện sức khỏe, nâng cao kiến thức, xây dựng gia đình hạnh phúc... đến đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh…
Tập trung tuyên truyền vận động, hướng dẫn phụ nữ DTTS nghèo, cận nghèo biết sử dụng có hiệu quả nguồn lực của gia đình, các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao gắn với Đề án mỗi xã một sản phẩm; tham gia các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết trồng dược liệu, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ và quản lý rừng; hỗ trợ phụ nữ DTTS tham gia các mô hình phát triển kinh tế; biểu dương, nhân rộng và khuyến khích phụ nữ DTTS tiêu biểu trong lao động sản xuất tham gia tuyên truyền, vận động phụ nữ DTTS tại cộng đồng thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thực hiện Dự án 8 về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025), từ năm 2022 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức 66 lớp tập huấn hướng dẫn việc triển khai các hoạt động. Tổ chức 19 buổi truyền thông cho 950 hội viên, phụ nữ tại 15 xã thuộc 4/10 huyện, thành phố. Tổ chức Hội thi "Truyền thông về thực hiện Bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em" cấp huyện, cấp tỉnh; tổng kết vòng sơ khảo và lựa chọn tác phẩm tham gia Cuộc thi "Lắng nghe con nói" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Thành lập 269 Tổ truyền thông cộng đồng, tổ chức 320 đợt chiến dịch truyền thông, có hơn 10.500 hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia; thành lập 32 Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi"; phối hợp các ngành liên quan rà soát, củng cố được 42 Địa chỉ tin cậy; xây dựng và phát thanh các chuyên mục truyền thông về Dự án 8; phối hợp với Phòng Dân tộc, Đoàn Thanh Niên tổ chức Hội thi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS... phối hợp với Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình, Trung tâm Y tế triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc trẻ em….
PV: Phải thừa nhận, Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững" đã góp phần thay đổi đáng kể cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần của bà con. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn có những hạn chế, dẫn đến kết quả đạt được chưa cao?
Bà Y Phương: Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận, Cuộc vận động vẫn còn có những hạn chế, tồn tại. Trong đó, phải kể đến 3 tồn tại chính đó là:
- Lãnh đạo công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách của phụ nữ DTTS tại một số cơ sở Hội hiệu quả chưa cao, chưa gắn công tác tư vấn, hướng dẫn giúp đỡ nên việc chuyển biến nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS chưa rõ nét; việc định hướng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội chưa thật sự sát với từng thôn (làng), từng địa phương.
- Một bộ phận hội viên, phụ nữ chưa biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; chưa biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp và chưa tìm được thị trường tiêu thụ nông sản. Việc tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, còn chịu ảnh hưởng của một số hủ tục lạc hậu, chưa biết tiết kiệm, tính toán hợp lý trong chi tiêu, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao.
- Vẫn còn nhiều hộ dân chưa mạnh dạn vay các nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh...; chưa biết sử dụng kinh phí tự có để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình; việc xây dựng một số mô hình kinh tế chưa thu hút nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia, hiệu quả chưa cao; số lượng sản phẩm đạt chất lượng cung ứng ra thị trường chưa nhiều.
PV: Vậy từ nay đến năm 2025, để đạt và vượt những mục tiêu đã đề ra, Hội LHPN Kon Tum sẽ làm gì để khắc phục những tồn tại này?
Bà Y Phương: Để khắc phục 3 tồn tại trên, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Kon Tum xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp. Cụ thể:
1. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và thực hiện Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24-02-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về triển khai thực hiện cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững" trong các cấp Hội; Chỉ thị 13-CT/TU, ngày 18-3-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
2. Chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ nói chung, hội viên, phụ nữ DTTS nói riêng, nhất là hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo hiểu rõ mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động; hướng dẫn phụ nữ DTTS mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ các mô hình, tổ hợp tác, tổ liên kết...
3. Chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực cho hội viên phụ nữ DTTS; tăng cường vai trò kết nối của các cấp Hội nhằm huy động nguồn lực của xã hội, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ DTTS nghèo; tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ Chi hội trưởng, người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào DTTS tham gia tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ DTTS tích cực hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động.
4. Hỗ trợ thành lập mô hình "Xoá bỏ các hủ tục lạc hậu" thực hiện Cuộc vận động tại một số huyện.
5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Cuộc vận động gắn với Cuộc vận động " Xây dựng gia đình 5, không 3 sạch".
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Hội LHPN tỉnh Kon Tum hiện nay có 102 cơ sở Hội, 761 chi hội (trong đó có 759 chi hội khu dân cư, 2 chi hội đặc thù trong tôn giáo), tổng số hội viên toàn tỉnh 84.382 hội viên/109.541 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên (đạt tỷ lệ 77%), trong đó 44.834 hội viên DTTS/61.831 phụ nữ DTTS (chiếm 72,5%). Tính đến tháng 12/2023, trên địa bàn tỉnh có 15.538 hộ nghèo, cận nghèo DTTS (trong đó, 9.716 hộ nghèo, 5.867 hộ cận nghèo).
Trong 3 năm qua đã có:
44.796 hội viên phụ nữ DTTS được tuyên truyền, phổ biến nội dung cuộc vận động;
44.796 hội viên phụ nữ DTTS thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ giúp đỡ của nhà nước, tự vươn lên thoát nghèo bền vững thông qua công tác tuyên truyền của các cấp Hội phụ nữ;
8.777 hội viên phụ nữ DTTS biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thông qua công tác tuyên truyền của các cấp Hội phụ nữ;
5.703 hội viên phụ nữ DTTS có đời sống vật chất tinh thần được cải thiện thông qua công tác tuyên truyền của các cấp Hội phụ nữ;
1.927 hội viên phụ nữ DTTS tham gia tổ liên kết, Tổ hợp tác, Hợp tác xã, mô hình do Hội LHPN các cấp vận động, hỗ trợ; 1.750 hộ hội viên thoát nghèo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn