Thôn Măng Đen (xã Đăk Long, huyện Kon Plông) hôm nay so với 5 năm trước quả là 1 sự đổi thay đáng mừng. Có được điều này, một phần không nhỏ là nhờ vào hoạt động của mô hình “Tổ phụ nữ liên kết trồng rau sạch xứ lạnh” và mô hình “Tổ phụ nữ hợp tác trồng và bán rau an toàn Măng Đen” của chi hội phụ nữ thôn Măng Đen.
Năm 2014, nhận thấy nhiều lợi thế sinh thái và thổ nhưỡng của địa phương, Hội LHPN huyện Kon Plông đã bắt tay xây dựng mô hình “Tổ phụ nữ liên kết trồng rau sạch xứ lạnh”. 30 thành viên là những phụ nữ có thu nhập thấp, buôn bán, làm rẫy, làm thuê tại thôn Măng Đen đã tham gia vào mô hình với khoảng diện tích từ 100 đến 300m2/thành viên. Kế hoạch này nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, Hội LHPN tỉnh và Trung ương Hội LHPN Việt Nam.
Tháng 9/2015, mô hình “Tổ phụ nữ liên kết trồng rau sạch xứ lạnh” chính thức được thành lập và nhận được sự hỗ trợ 120 triệu đồng từ Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Từ nguồn kinh phí này, 30 phụ nữ tham gia mô hình đã được hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi người. Bên cạnh đó, các chị còn được tập huấn kỹ thuật trồng, cung cấp giống, phân bón, ống tưới, lưới vây…
Chị Trần Lan Phương, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Kon Plông cho biết, để mô hình hoạt động hiệu quả, huyện Hội đã chỉ đạo Hội LHPN xã Đăk Long đề ra quy chế hoạt động. Theo đó, việc kiểm tra, giám sát, sơ kết rút kinh nghiệm được diễn ra định kỳ hàng tháng/quý/năm. Tiền quỹ, tiền tiết kiệm của mô hình được công khai, minh bạch, tạo được lòng tin cho các thành viên.
Tham gia vào hoạt động mô hình, các thành viên thường xuyên được cung cấp thông tin, tư vấn, trang bị kiến thức, kỹ thuật canh tác rau sạch. Nhờ việc áp dụng quy trình trồng và chăm sóc hoàn toàn bằng phân hữu cơ vi sinh nên các loại bắp sú, xu hào, mướp đắng, bầu, bí, rau cải, rau mồng tơi, hành, tỏi, cà chua bi, dưa leo bao tử… bán rất chạy tại chợ trung tâm huyện Kon Plông, góp phần tạo nguồn thu ổn định cho các thành viên trong nhóm.
Bước đầu đưa sản phẩm rau an toàn ra thị trường còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận với người dân. Nhưng dần dần, thương hiệu rau sạch, rau an toàn của mô hình được khẳng định và có đầu ra ổn định. Có điều, sản phẩm chưa tập trung lại một mối, nhiều chị em chỉ sản xuất rau chỉ cung cấp cho thương lái tại chợ chứ chưa mở rộng thị trường cung cấp cho các nguồn khác. Bên cạnh đó, diện tích trồng rau của mỗi thành viên cũng dần bị thu hẹp do phải nhường đất canh tác cho các mục đích khác. Đứng trước thực trạng này, tháng 9/2018, Hội LHPN huyện Kon Plông tiếp tục xây dựng mô hình “Tổ phụ nữ hợp tác trồng và bán rau an toàn Măng Đen” nhằm mục đích phát triển mô hình “Tổ phụ nữ liên kết trồng rau sạch xứ lạnh” và giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm được tốt hơn.
Với mô hình mới, trên tổng diện tích 6 sào, 10 trong số 30 thành viên của mô hình cũ sẽ trực tiếp là nguồn cung cấp rau chủ lực và thường xuyên bên cạnh nguồn cung cấp rau từ 20 thành viên còn lại. UBND huyện và Phòng Công thương huyện Kon Plông cũng ủng hộ kinh phí xây dựng một nhà lồng và bố trí gian hàng tại chợ trung tâm huyện để trưng bày và bán các sản phẩm của mô hình.
Nói về hiệu quả của mô hình, chi hội trưởng Hội phụ nữ thôn Măng Đen, tổ trưởng của 2 mô hình, người trực tiếp quản lý và bán các sản phẩm rau sạch tại nhà lồng ở chợ trung tâm huyện Kon Plông - Phan Thị Thanh Hoa cho hay, từ khi được đầu tư nhà lồng và có gian hàng, việc buôn bán được tập trung, các sản phẩm rau sạch bán chạy hơn, nguồn cung cũng tăng lên. Giờ đây, ngoài người dân thôn Măng Đen, sản phẩm rau sạch còn cung cấp cho các đơn vị trường học bán trú, nội trú, các hộ kinh doanh buôn bán trong chợ, các nhà hàng, khách sạn, quán ăn trên địa bàn và nhiều nơi khác. Nhờ đó, nguồn thu nhập của các thành viên tham gia mô hình cũng được tăng lên, mức trung bình từ 5 đến 6 triệu đồng/ người/tháng. Nhằm đa dạng sản phẩm, chị em tích cực trồng thêm một số loại rau, cây trồng có giá trị kinh tế cao như lá sâm dây, rau bắp cải tím, ớt Đà Lạt, dưa leo Úc,…
Theo Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Kon Plông Trần Lan Phương, thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn Hội LHPN xã Đăk Long duy trì các mô hình thật tốt để tăng số lượng thành viên tham gia; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mô hình, chủ động thu hồi vốn, thay thế đối với những hộ gia đình thành viên thực hiện không hiệu quả; phối hợp triển khai tập huấn kỹ thuật để ứng phó nhiều loại sâu bệnh và thời tiết nhằm nâng cao năng suất; nhân rộng mô hình ra các xã khác trên địa bàn huyện.