Phụ nữ mang thai cần làm gì để không bị lây nhiễm COVID-19?

15:53 | 06/08/2020;
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), phụ nữ mang thai thuộc nhóm nguy cơ cao có thể nhiễm COVID-19 nặng. Do vậy, trong thời điểm dịch bệnh đang lây lan nhanh trong cộng đồng, thai phụ cần phải biết cách tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và thai nhi.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, ngày 3/8, Việt Nam ghi nhận 2 phụ nữ mang thai đầu tiên nhiễm Covid-19. Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai là nhóm đối tượng dễ bị nhiễm virus gây bệnh Covid-19 hơn hẳn so với người khác. Nguyên nhân có thể do phụ nữ mang thai có hệ miễn dịch suy giảm tạm thời. Vì thế nên khả năng đề kháng với virus SARS-CoV-2 trở nên yếu hơn và dễ nhiễm bệnh.

Ngày 17/7, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã thống kê một danh sách bệnh nền và thể trạng dễ khiến bệnh nhân COVID-19 trở nặng, trong đó có phụ nữ mang thai.

Chính vì vậy, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các bác sĩ khuyên phụ nữ mang thai nên rất cẩn trọng. Dưới đây là một số lưu ý “vàng” giúp thai phụ phòng tránh bệnh COVID-19.

1. Hạn chế tiếp xúc với mầm bệnh để tránh lây nhiễm COVID-19

Tình hình dịch bệnh càng trở nên căng thẳng hơn khi Việt Nam liên tiếp phát hiện ra các ca bệnh nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng mà chưa tìm được nguồn lây nhiễm. Bởi điều này, các chuyên gia dự báo số người mắc Covid-19 vẫn còn tăng trong thời tới.

Vì vậy, hạn chế ra khỏi nhà để tránh tiếp xúc với mầm bệnh là cách phòng bệnh COVID-19 tốt nhất đối với phụ nữ mang thai ở thời điểm này.

Trong trường hợp cần thiết phải ra khỏi nhà, phụ nữ mang thai cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh như: đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người khác.

2. Bổ sung vitamin D trong mùa Covid-19

Theo BS Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế): “Ngoài việc bổ sung đầy đủ, cân đối các dưỡng chất, cần thiết cho phụ nữ có thai, chị em cần đặc biệt lưu ý bổ sung vitamin D, một loại vitamin cần thiết cho chuyển hóa canxi, phát triển hệ xương của thai nhi. Bình thường cơ thể có thể tự tổng hợp vitamin dưới ánh nắng mặt trời, tuy nhiên trong điều kiện hạn chế ra ngoài trời trong mùa dịch, việc bổ sung lượng vitamin D bị thiếu hụt là rất cần thiết”.

Nhóm các thực phẩm giàu vitamin D các bác sĩ khuyên mẹ bầu nên bổ sung bao gồm: cá hồi, cá trích, cá mòi, hàu, tôm, lòng đỏ trứng, nấm, dầu gan cá tuyết, sữa đậu nành, ngũ cốc và yến mạch,...

Phụ nữ mang thai cần làm gì để không bị lây nhiễm COVID-19? - Ảnh 1.

Phụ nữ mang thai cần lưu ý bổ sung vitamin D trong mùa Covid-19 (Ảnh Internet)

3. Tập luyện và vận động hợp lý

Việc luyện tập và vận động hợp lý mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe cho phụ nữ mang thai. Vì vậy, các mẹ bầu nên tìm hiểu một số bài tập thể dục tại nhà dành cho phụ nữ có thai, nhưng phải lưu ý các động tác thể dục cần điều chỉnh cho phù hợp với tuổi thai của bạn.

Phụ nữ mang thai cần làm gì để không bị lây nhiễm COVID-19? - Ảnh 2.

Phụ nữ mang thai cần có chế độ tập luyện hợp lý phù hợp với tuổi thai (Ảnh Internet)

4. Vệ sinh sạch sẽ nhà ở và nơi làm việc

Đặc trưng của SARS-COV-2 là lây nhiễm qua giọt bắn của người nhiễm bệnh, qua hắt hơi, ho, nói. Giọt bắn có chứa virus tồn tại trên các bề mặt như bàn ghế, đồ dùng trong thời gian khá lâu. Vì thế, nhà ở và nơi làm việc của phụ nữ mang thai cần phải được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và thông thoáng.

Do đó, một trong số những việc cần làm là mở các cửa sổ trong nhà và nơi làm việc. Việc mở cửa sổ vừa giúp phòng có nhiều ánh sáng có tác dụng sát khuẩn, vừa tăng cường tổng hợp vitamin D cho cơ thể. Nếu không thể mở cửa sổ vì lý do thời tiết, bạn có thể sử dụng các loại quạt thông gió nhằm tăng cường lưu thông không khí trong nhà.

Ngoài ra cũng cần thường xuyên vệ sinh nơi ở bằng cách lau nền nhà, tay nắm cửa và các đồ vật tiếp xúc bằng dung dịch sát khuẩn.

5. Khám thai định kỳ

Tuy cần hạn chế ra ngoài nhưng thai phụ vẫn nên đảm bảo khám thai đầy đủ và đúng lịch. Trong bối cảnh dịch bệnh, theo lời khuyên của bác sĩ khi đi khám thai phụ nữ cần lưu ý những điểm sau:

- Chỉ nên khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ, trừ khi có những dấu hiệu bất thường xảy ra.

- Nên di chuyển bằng phương tiện cá nhân để tránh tình trạng lây nhiễm chéo.

- Khi đến khám, cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với các bề mặt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng,...

- Hạn chế việc siêu âm, chỉ siêu âm khi thực sự cần thiết vì virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên đầu dò siêu âm nếu không được khử khuẩn.

- Trong lúc ở nhà, nếu xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, tức ngực, cần báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được hỗ trợ kịp thời. Cần thực sự bình tĩnh và không hoảng loạn khi có các triệu chứng này, lưu ý rằng có nhiều bệnh cũng gây các triệu chứng tương tự, ví dụ như viêm họng, cúm.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, chưa có bằng chứng về khả năng lây truyền SARS-CoV-2 từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, hay mẹ nhiễm virus trong thời gian mang thai có thể gây ra tình trạng dị tật bẩm sinh. Người ta cũng không tìm thấy SARS-CoV-2 qua xét nghiệm rau thai, máu cuống rốn, nước ối hay sữa mẹ.

Bên cạnh đó, BS Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) nhận định, chưa thấy có sự liên quan giữa nhiễm SARS-CoV-2 và tình trạng sẩy thai, tuy nhiên cũng có báo cáo cho thấy viêm phổi do virus nói chung ở phụ nữ mang thai có liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển và tử vong thai nhi và trẻ sơ sinh, theo trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do dịch bệnh COVID-19.

Vì vậy, thời điểm này phụ nữ mang thai cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm Covid-19, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và thai nhi. Nếu cảm thấy lo lắng và căng thẳng hãy tìm đến sự giúp đỡ của người thân và bác sĩ nhi khoa. Tuyệt đối không để bản thân bị stress vì khi đó sẽ có thể gây hại đến sức khỏe của mẹ và bé.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn