Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, các cơ sở Hội đã đăng ký các phong trào, hoạt động. Phần việc cụ thể: công tác vệ sinh môi trường; vận động hội viên hiến đất, góp công, góp của xây dựng các các công trình công cộng; hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo... nhằm thực hiện hiệu quả các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Bà Vì Thị Long Biên, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 16 nghìn hội viên phụ nữ; hàng năm, Hội luôn chỉ đạo các cơ sở hội quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng nông thôn mới, vai trò của phụ nữ trong công cuộc này. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức cơ sở hội đăng ký với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện một số công trình, phần việc... Qua đó, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của từng cấp hội, hội viên trong việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Thời gian qua, các cơ sở hội đã quản lý, ký nhận nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện, vốn sinh kế bền vững, các nguồn vốn do Hội quản lý với tổng số tiền hơn 160 tỷ đồng cho trên 3.000 hội viên vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi. Thành lập, duy trì 90 nhóm tín dụng tiết kiệm, 185 mô hình tiết kiệm, tổng số tiền tiết kiệm gần 10 tỷ đồng, hỗ trợ trên 1.000 hộ vay vốn phát triển kinh tế.
Chị Hoàng Thị Lá (xã Chiềng Khừa) nhờ có chính sách vay vốn ưu đãi của Nhà nước, đã cải tạo 5.000m2 đất đồi thành vườn trồng chanh leo, cam lòng vàng, thu nhập bình quân mỗi tháng 6 - 7 triệu đồng. Chị vui mừng chia sẻ: “Cứ đà này đến cuối năm nay, nhà tôi trả hết nợ ngân hàng và thoát hẳn nghèo như đã đăng ký”.
Bên cạnh đó, Hội cũng thành lập 15 mô hình tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ giúp đỡ 75 phụ nữ khởi nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 578 lao động nữ; phối hợp mở 35 lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau biết chữ cho 759 hội viên phụ nữ. Vận động, ủng hộ xây dựng sửa chữa 27 nhà mái ấm tình thương, tổng số tiền trên 600 triệu đồng, phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện hỗ trợ 644 nhà đại đoàn kết, với tổng số tiền trên 15 tỷ đồng cho hội viên phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện.
Nhờ các chính sách hỗ trợ của Hội, trên địa bàn đã có nhiều tập thể, cá nhân thành công trong phát triển kinh tế. Đơn cử là chị Lữ Thị Thuận (xã Đông Sang) đã cùng 20 hộ làm “homestay” phục vụ khách du lịch, tổng thu khoảng 6 tỷ đồng/năm. Hay chị Lường Thị Ngoan (xã Mường Sang) cho hay: “Tham gia Hội phụ nữ, tôi được vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tham gia nhiều lớp tập huấn chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Hiện nhà tôi có 1,2 ha cây ăn quả, trung bình mỗi năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng”.
Ngoài ra, các tổ chức cơ sở hội đã vận động hội viên tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường theo phương châm “Sạch nhà - sạch ngõ” gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” bằng các việc làm: Vận động hội viên phụ nữ và nhân dân thường xuyên quét dọn vệ sinh đường ngõ xóm, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh. Đặc biệt, các hộ dân đã chủ động trồng hoa bên đường, chỉnh trang tường rào, cổng, ngõ... góp phần xây dựng quê hương xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Trao đổi về việc thực hiện cuộc vận động “5 không, 3 sạch” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, bà Vi Thị Bình, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sơn La, cho biết, tiếp tục triển khai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và mô hình “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” tại các xã đạt nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, với các tiêu chí cụ thể, phù hợp, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn