Hiện nay, người dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, chủ yếu cấy một vụ lúa hè thu, sau đó một phần đất canh tác lúa được người dân sử dụng vào canh tác cây hoa màu, phần còn lại ở nhiều nơi bị bỏ hoang, đợi sang năm sau mới vào vụ gieo cấy mới.
Khoảng thời gian "đất nghỉ" này, cũng chính là thời điểm nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số bị thiếu việc làm cục bộ.
Chị Hạng Thị Lình, ở xã Chế Cu Nha, chia sẻ: "Từ mùa cuối năm đến đầu năm mới thường bị thiếu nước nên việc trồng trọt gặp nhiều khó khăn. Khoảng thời gian ấy cũng là lúc trời rét đậm, có khi xuất hiện sương muối, nên việc trồng trọt canh tác ở đây không thuận lợi, chứ không phải là người dân không muốn làm".
Thiếu việc làm cũng gây ra nhiều khó khăn cho cuộc sống của nhiều hộ gia đình, bởi lẽ họ vẫn phải chi tiêu, mua sắm đáp ứng nhu cầu cuộc sống, chăm sóc nuôi dạy con cái. Nguồn thu nhập không đảm bảo đã gây ra nhiều áp lực cho các chị em ở nhiều gia đình nơi đây.
Ngay cả việc chị em có tổ chức sản xuất canh tác thêm hoa màu như rau, củ, quả thì việc này cũng không hề thuận lợi.
Chị Hạng Thị Sông, người dân tộc Mông, ở xã Chế Cu Nha, cho hay: "Một số ruộng có nguồn nước tưới, có thể trồng rau, củ, quả. Nhưng trồng được thì cũng không phải dễ tiêu thụ, vì bán ở địa phương không được nhiều. Bán ra ngoài tỉnh thì không phải lúc nào cũng có người về thu mua. Nếu gặp thời tiết có sương muối nữa thì cây rau củ khó phát triển được, nên người dân không làm nhiều hoa màu".
Thời gian qua, chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể đã thúc đẩy chị em tham gia làm dịch vụ du lịch như dệt vải thổ cẩm, sản xuất hàng lưu niệm.
Vào mùa thiếu việc làm, nhiều phụ nữ người Mông tranh thủ làm thêm bằng nghề thủ công
Cụ thể, vào những ngày nhàn rỗi, chị em phụ nữ người Mông ở Mù Cang Chải lại tập trung vào các công việc dệt vải thổ cẩm, thêu thùa, sản xuất hàng lưu niệm để bán cho khách du lịch. Thế nhưng lượng hàng sản xuất ra không đều, phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu của du khách.
Bà Mùa Thị Sênh, ở xã Púng Luông, cho biết: "Nhàn rỗi thì mình sản xuất hàng thổ cẩm như túi, khăn, thêu hoa văn áo, váy, để bán. Nhưng cũng không đều, vì làm ra còn phải bán được cho khách du lịch thì mới có tiền. Chủ yếu là khách nước ngoài mua, khách trong nước ít người mua".
Một số chị em trẻ tuổi thì lựa chọn đi làm thuê cho các cơ sở dịch vụ ở địa phương. Đây đa phần là các công việc yêu cầu phải có kỹ năng nên không thể phù hợp với phụ nữ lớn tuổi.
Anh Ngô Văn Long, chủ thầu công trình trồng cây ở Mù Cang Chải, cho biết: "Chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số ở đây rất chăm chỉ, chịu khó nhưng khí hậu và thời tiết địa phương cũng không thuận lợi, dẫn đến thiếu việc làm cục bộ trong năm. Cơ sở chúng tôi có lúc sử dụng đến 30 lao động nữ nhưng chỉ có thể sử dụng chị em trẻ tuổi, vì họ dễ tiếp cận kỹ năng, kỹ thuật làm việc. Còn những chị em lớn tuổi lại khó trong khâu này".
Thời gian qua, chính quyền địa phương cùng các ban ngành đoàn thể, đặc biệt là Hội LHPN đã và đang đẩy mạnh công tác đào tạo hướng nghiệp. Hỗ trợ chị em có thêm sinh kế để mở rộng sản xuất chăn nuôi, phát triển nghề thủ công, để giải quyết những khó khăn do thiếu việc làm. Hy vọng trong thời gian tới, phụ nữ ở Mù Cang Chải sẽ có thêm điều kiện để khắc phục tình trạng thiếu việc làm cục bộ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn