Trong bộ phim Thế giới hôn nhân vẫn tiếp tục gây sốt dù đã kết thúc, câu nói nổi tiếng của một nhân vật được rất nhiều chị em truyền tai nhau: "Đàn ông trên thế giới này chỉ có hai loại: Đàn ông ngoại tình và Đàn ông ngoại tình bị phát hiện". Tôi cảm thấy thật tiếc cho quan điểm này, bởi nó thể hiện sự thất vọng đến cùng cực của phụ nữ vào đấng mày râu - những người từng là cả thế giới đối với họ.
Chuyện ngoại tình là việc không hiếm gặp, đặc biệt trong thời buổi cách mạng số khiến con người "gần mặt" mà vẫn "cách lòng" như hiện nay. Nhưng quan điểm cá nhân của tôi cho rằng, ngoại tình chỉ là vết cứa đầu tiên, cách cư xử sau đó của người trong cuộc mới thực sự là nhát dao chí mạng của cuộc hôn nhân.
Tôi có một sở thích là lang thang các diễn đàn, trang mạng đọc các comment của các chị em (và cả các anh em) về chuyện ngoại tình. Thông thường, các chị em rất gay gắt với người thứ 3, muốn nhiếc mắng, thậm chí "xử" cho xã hội trong sạch. Câu chuyện người thứ 3 sai là điều không cần bàn ở đây. Nhưng cách hành xử của người phụ nữ trong biến cố thực sự là điều đáng bàn.
Khi xảy ra câu chuyện của người thứ 3, phụ nữ thường có hai kiểu: Tha thứ nhưng không bao giờ quên và Quên nhưng không bao giờ tha thứ. Kiểu phụ nữ thứ nhất, họ chọn cách bỏ qua cho yên ổn và tiếp tục chuỗi ngày có một người ở bên bất kể người đó có thực sự còn thuộc về họ nữa hay không. Họ chưa từng nghĩ sẽ từ bỏ hoặc suy nghĩ ấy chưa bao giờ đủ mạnh mẽ để họ từ bỏ thực sự. Tôi nghe rất nhiều người bạn gái chia sẻ, họ tha thứ nhưng chưa từng quên. Họ chỉ "giả vờ quên" để mọi sự yên ổn. Những bữa ăn vẫn diễn ra, những buổi đi chơi - du lịch vẫn tiếp tục nhưng tất cả chỉ là vỏ bọc đang che giấu hai tâm hồn đã tan nát.
Thực chất, vết thương đó như một vết sẹo đã hằn sâu không-thể-chữa-lành đối với người phụ nữ, để rồi mỗi khi có một điều gì đó vô tình gợi lại chuyện ấy, hoặc tệ hơn là khi hai người "gần gũi", vết sẹo đó lại hằn lên mãnh liệt, khiến con tim đau đớn và làm nhòa đi lời hứa làm lại khi trước. Lúc ấy, chỉ còn là hình dáng của một con thú bị tổn thương. Họ đay nghiến quá khứ, biến lời lẽ và sự tha thứ trở thành thứ vũ khí sát thương khủng khiếp đối với người đối diện.
Trong quá trình tìm hiểu về tâm lý phụ nữ, tôi cũng thường đọc quan điểm của những người đàn ông - là nhân vật chính trong câu chuyện ấy. Họ có chia sẻ khá giống nhau là khi quyết định làm lại thì họ thực sự muốn một khởi đầu mới. Họ cố gắng thay đổi, sống trách nghiệm hơn, nhưng chính sự đay nghiến, việc "giả vờ quên" của người phụ nữ khiến họ ngột ngạt không-thể-thở-nổi và chính họ lại là người kết thúc. Họ không thể mãi sống với tâm thế của một kẻ tội phạm nên đành chấm dứt nó, mặc kệ người đời nhiếc mắng họ như một kẻ trăng hoa, vô trách nhiệm.
Còn kiểu phụ nữ thứ hai (thường chiếm số nhỏ), họ chọn cách không tha thứ. Họ chấp nhận buông tay người đàn ông từng nhất mực thương yêu để giữ giá trị của bản thân. Kiểu phụ nữ này tin vào sự tôn trọng. Họ tin rằng khi người đàn ông dám bước đi, thử của lạ, người ấy đã không còn tôn trọng họ nữa. Họ không muốn tha thứ và có lẽ người đàn ông kia cũng không cầu sự tha thứ. Họ chọn đau đớn một lần, rồi biến nỗi đau ấy thành viên kim cương có giá trị trong cuộc đời của họ. Họ sống tích cực, không dày vò mình trong đớn đau hoặc có thì sẽ biến người đàn ông kia trở thành kẻ tội đồ. Họ quên nhưng chưa từng tha thứ.
Ở đây, người viết không khuyên người phụ nữ nên chọn cách nào, bởi điều đó còn phụ thuộc vào tính cách, hoàn cảnh của từng người. Tôi chỉ khuyên bạn nên đối diện một cách tích cực và luôn là một người phụ nữ có giá trị. Bạn có thể không tha thứ nhưng đừng biến người đàn ông ấy thành kẻ thù; bạn có thể tha thứ nhưng phải thực sự quên. Họ có thể sai với bạn, nhưng bạn tuyệt đối không được sống tệ với trái tim và tâm hồn mình. Đó là điều bạn được phép lựa chọn!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn