Phóng viên Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Y tế, Bộ Y tế, về vấn đề này.
- Từ góc nhìn quản lý cũng như góc nhìn mang tính chiến lược, tiến sĩ Nguyễn Khánh Phương có đánh giá tổng quan như thế nào về những thành tựu mà chúng ta đã đạt được ban đầu trong quá trình chuyển đổi số ở ngành Y?
TS Nguyễn Khánh Phương: Thực sự phải nhìn nhận trong quá trình chuyển đổi số, tham gia tích cực, chủ động vào chuyển đổi số là một xu thế tất yếu và khách quan. Đây vừa là cơ hội nhưng vừa là một thách thức. Không riêng lĩnh vực y tế mà chuyển đổi số diễn ra trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Trong hệ thống y tế, có thể nhìn thấy có 3 chủ thể chính. Thứ nhất, người dân là đối tượng trung tâm của tất cả mọi hoạt động chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ. Thứ 2 là chủ thể cung cấp dịch vụ y tế, bao gồm dự phòng nâng cao sức khoẻ cũng như khám bệnh, chữa bệnh. Chủ thể thứ 3 cũng rất quan trọng đấy là quản lý, điều hành hệ thống y tế.
Chuyển đổi số là sự tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào mọi lĩnh vực của y tế và điều đó có nghĩa rằng chuyển đổi số phải diễn ra với cả 3 chủ thể trên hoạt động của cả 3 lĩnh vực này. Mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số cũng phải nhắm tới phục vụ người dân, phục vụ bệnh nhân làm sao tăng cường hiệu quả trong vấn đề quản lý, nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho người dân. Cuối cùng là người dân làm sao tiếp cận được các dịch vụ y tế có chất lượng và đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân càng ngày càng tăng cao cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội.
- Theo bà thì trong tình hình ứng dụng công nghệ 4.0 hiện nay sẽ tạo cho đội ngũ nữ thầy thuốc những cơ hội như thế nào?
TS Nguyễn Khánh Phương: Theo số liệu tổng hợp sơ bộ trên phạm vi cả nước, hiện nay trong đội ngũ nhân viên y tế, chị em phụ nữ đang đóng góp 2/3, khoảng hơn 60% nhân viên y tế là phụ nữ. Nhìn về mặt cơ hội thì có thể thấy rõ nhất là đối với công tác chăm sóc sức khoẻ, sự quan tâm chỉ đạo và ưu tiên rất lớn từ các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều cho rằng nên dành sự ưu tiên đặc biệt cho chăm sóc sức khoẻ và đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển.
Chăm sóc sức khoẻ là chăm sóc để có được nhân lực tốt nhất phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đấy là cơ hội rất quan trọng, vì chăm sóc sức khoẻ không chỉ phụ thuộc vào ngành Y tế mà nó phụ thuộc vào sự chung tay của toàn xã hội.
Cơ hội thứ 2, từ góc độ người dân, góc độ của xã hội và cộng đồng, nhận thức về vấn đề sức khoẻ, chăm sóc sức khoẻ được cải thiện rất rõ rệt, người ta sẵn sàng dành sự ưu tiên về vấn đề nguồn lực, thời gian và cũng nâng cao sự hiểu biết trong công tác tự bảo vệ và nâng cao phòng bệnh, chữa bệnh cho chính người dân. Một cơ hội nữa chúng tôi thấy rất rõ là liên quan tới sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4. Khi nói về cuộc cách mạng 4.0, chúng ta nói đến vấn đề số hoá.
Nó phải có những sản phẩm phát triển khoa học công nghệ dẫn tới những sản phẩm thiết bị để làm sao tăng cường hiệu quả trong công tác chẩn đoán, điều trị và cung cấp dịch vụ cho người dân, tăng cường tiếp cận cho người dân vùng sâu, vùng xa.
Chúng ta có khám chữa bệnh từ xa, giải quyết được vấn đề quá tải bệnh viện, khi mà người dân ở vùng sâu vùng xa vẫn có thể tiếp cận được các dịch vụ y tế chuyên sâu thông qua các hỗ trợ của công nghệ thông tin để các bác sĩ ở tuyến đầu có thể chuyển giao công nghệ, có thể hướng dẫn cho các cán bộ y tế ở tận vùng sâu, vùng xa thực hiện được những dịch vụ y tế cho người dân thụ hưởng.
- Cùng với những cơ hội thuận lợi như vậy thì rõ ràng song hành với đó, công nghệ 4.0 cũng mang đến không ít thách thức dành cho các nữ cán bộ, nhân viên y tế thưa bà?
TS Nguyễn Khánh Phương: Bên cạnh những cơ hội như vậy thì ngành Y tế cũng có những thách thức, những khó khăn cần phải nhận diện và có những ứng phó, giải pháp thích ứng với điều đó. Đầu tiên đó là nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân ngày càng tăng cao. Nhu cầu này gắn với yếu tố đầu tiên là mô hình bệnh tật. Mô hình bệnh tật bây giờ của chúng ta thay đổi rất nhiều, nó cũng rất phức hợp.
Cùng một lúc, chúng ta có sự gia tăng rất lớn của bệnh không lây nhiễm, khi nó chiếm tới 3/4 gánh nặng bệnh tật của chúng ta bây giờ là bệnh ung thư, bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, rối loạn tâm thần, trong khi đó chúng ta phải tiếp tục đối mặt với những bệnh truyền nhiễm truyền thống trước đây cũng như là bệnh truyền nhiễm mới nổi. Điển hình là Covid-19.
Sự chuyển đổi mô hình bệnh thật đồng thời cộng hưởng thêm vấn đề rất lớn nữa là sự thay đổi về nhân khẩu học khi Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hoá dân số hàng đầu thế giới. Khi già hoá như vậy, đương nhiên nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cũng tăng lên. Người già thường mắc nhiều bệnh, những bệnh đó lại mãn tính, kèm theo những chăm sóc liên tục cũng rất tốn kém. Cùng với đó, bản thân nhu cầu của người dân cũng tăng cao hơn khi họ muốn tiếp cận với nhiều dịch vụ y tế chuyên sâu hơn, đáp ứng nhu cầu đa dạng hơn về chăm sóc sức khoẻ của người dân.
Tất cả sự tăng cao về nhu cầu chăm sóc sức khoẻ như vậy tạo áp lực rất lớn lên hệ thống y tế nói chung và đặc biệt là nhân viên y tế nói riêng và chị em, đặc biệt hơn nữa khi chị em phụ nữ ngành y tế, vừa đảm đương công việc chăm sóc cho người bệnh, cùng một lúc vẫn phải thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ không ai có thể thay thế, để cân bằng được tất cả là một thách thức.
Bên cạnh nhu cầu chăm sóc sức khoẻ tăng lên như vậy, nguồn lực cho chăm sóc sức khoẻ với một nước thu nhập trung bình thấp như của Việt Nam và chúng ta cũng còn đang phải căng mình trong rất nhiều những ưu tiên khác, thì thực sự nguồn lực cho y tế vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được với yêu cầu chăm sóc sức khoẻ tăng cao như vậy.
Trong khi đó, về mặt thể chế, cơ chế chính sách, cũng phải nhìn nhận chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi hướng tới nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vậy thì hệ thống cơ chế chính sách đối với ngành Y cũng phải được hoàn thiện và được đổi mới như thế nào để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn như vậy. Tất cả những vấn đề ấy đặt ra thách thức cho ngành y tế nói chung. Phụ nữ với đặc thù về giới của mình, cũng phải có những nhận thức, nhận diện cơ hội theo cách riêng, màu sắc riêng.
Thực tế đó đặt ra cho chúng ta thấy rằng, phụ nữ cũng phải yêu cầu để nhận diện được cơ hội, đồng thời những nguy cơ, những thách thức, thích ứng như thế nào để phụ nữ vẫn phải luôn luôn được hạnh phúc. Phụ nữ vẫn phải luôn có được cuộc sống chất lượng cao và có nhiều giá trị cho chính bản thân mình và cho xã hội.
- Theo TS Nguyễn Khánh Phương, định hướng phát triển ngành Y trong bối cảnh chúng ta ngày càng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn như hiện nay, trong thời gian tới sẽ như thế nào?
TS Nguyễn Khánh Phương: Chiến lược cho ngành Y trong giai đoạn tới đã vạch ra những mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực. Trong đó đặc biệt có một mục tiêu cụ thể là nâng cao chất lượng, hiệu quả của mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp, đáp ứng với sự thay đổi của mô hình bệnh tật cũng như đáp ứng với hội nhập quốc tế và những điều kiện cách mạng 4.0.
Trong đó cũng đặt ra mục tiêu xây dựng hệ thống chăm sóc sức khoẻ ban đầu vững mạnh và thu hẹp khoảng cách tiếp cận dịch vụ y tế giữa các vùng miền với ứng dụng của công nghệ thông tin.
Nhìn ở góc độ quản lý, quản trị ngành y tế, tất cả công tác đó phải diễn ra trong môi trường số. Vai trò của quản lý nhà nước phải tạo ra môi trường số hoạt động thông suốt, đảm bảo hiệu quả nhưng phải an toàn. Về phía ngành y tế, đồng hành với yêu cầu của vấn đề cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính và thực hiện các dịch vụ công trên nền tảng kỹ thuật số. Xây dựng hệ thống y tế thông minh trong tất cả các lĩnh vực từ phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh cho tới quản trị y tế thông minh.
Để đạt được yêu cầu như vậy, phải có giải pháp ứng dụng công nghệ thông minh, chuyển đổi số từ xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo hệ thống dữ liệu y tế phục vụ cho công tác quản lý, dữ liệu y tế liên quan đến chăm sóc sức khoẻ người dân thông qua hồ sơ sức khoẻ điện tử tại cộng đồng, cũng như hồ sơ bệnh án điện tử trong các cơ sở y tế chúng ta cũng phải số hoá. Dữ liệu khác liên quan đến chăm sóc sức khoẻ người dân cũng phải đồng bộ.
Hạ tầng cơ sở tạo ra những nền tảng y tế số liên quan đến chức năng của thực hiện chăm sóc như nền tảng hồ sơ sức khoẻ điện tử, khám chữa bệnh từ xa, tiêm chủng, bảo hiểm y tế, y tế cơ sở phải vận hành một cách đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh đó, vấn đề phát triển nhân lực cũng rất quan trọng. Vì dù trí tuệ nhân tạo rất phát triển nhưng y tế chăm sóc, đó là chăm sóc con người, đó là giao tiếp giữa con người với con người, chúng ta không thể số hoá được tất cả.
Nhưng trong chuyển đổi số, phải làm sao để nhân lực ngành y tế nói chung, đặc biệt là chị em phụ nữ phải được nâng cao trình độ, để chúng ta làm chủ được công nghệ, những thiết bị công nghệ thông tin, để công nghệ phục vụ chúng ta. Đối với phụ nữ, chúng ta luôn luôn ở một tâm thế trang bị kiến thức kỹ năng, không ngừng học hỏi để chúng ta luôn luôn làm chủ trong cuộc sống, công việc.
- Xin trân trọng cảm ơn tiến sĩ!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn