Tọa đàm "Phụ nữ ngành Y trong cách mạng 4.0"
Tọa đàm "Phụ nữ ngành Y trong cách mạng 4.0" do Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp với Báo Phụ nữ Việt Nam thực hiện nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024).
Tham gia Toạ đàm có 3 vị khách mời: TS Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện chiến lược chính sách Y tế, Bộ Y tế; PGS.TS Vũ Thị Thanh Huyền, Trưởng khoa Nội tiết cơ xương khớp - Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội; TS.BS Chuyên khoa II Trần Lan Anh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.
- PV: Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho bà Trần Lan Anh. Được biết là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đang phấn đấu trở thành trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao của cả khu vực Tây Bắc. Vậy bà có thể cho biết để đạt được mục tiêu, thời gian vừa qua, bệnh viện đã triển khai chuyển đổi số cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các hoạt động khám chữa bệnh như thế nào?
TS.BS Chuyên khoa II Trần Lan Anh: Yên Bái là một tỉnh miền núi phía Bắc, điều kiện kinh tế còn khó khăn. Tuy nhiên, với điều kiện địa lý tính chất trọng yếu của cả một vùng phía Tây Bắc, Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ cho chúng tôi làm trung tâm hồi sức tích cực vùng ở đại dịch Covid-19. Qua đó chúng tôi nhận thấy sứ mệnh của mình là cần phải đáp ứng được yêu cầu của hệ thống y tế quốc gia cũng như của vùng Tây Bắc. Việc then chốt là Đề án chuyển đổi số quốc gia đã tới từng địa phương, tỉnh Yên Bái cũng đã có một chương trình riêng với khẩu hiệu là "chuyển đổi số vì sự hài lòng và hạnh phúc của người dân". Theo đó, chúng tôi đã xây dựng chương trình chuyển đổi số ở tất cả các ngành.
Đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã được xếp hàng đầu trong công bố bệnh án điện tử. Quy trình chuyển đổi số này có thể nói đã mang lại hiệu quả rất to lớn trong quá trình kiểm soát nguồn lực đầu vào cũng như quy trình, quá trình cung cấp dịch vụ y tế và kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế mà chúng tôi cung cấp tại địa phương.
Tuy nguồn lực rất hạn chế, song chúng tôi đã có thể làm được kỹ thuật cao theo Thông tư 36 của Bộ Y tế, bệnh viện có thể làm được 60% các danh mục của dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn. Điều đó để khẳng định rằng công nghệ 4.0 đã mang lại những lợi ích khi chúng ta có thể vận dụng vào từng lĩnh vực chuyên ngành để hiện thực hoá nó. Một bệnh viện nhỏ nhưng chúng tôi có thể thực hiện được phẫu thuật thần kinh, có thể thực hiện chạy Ecmo, tim phổi ngoài cơ thể hoặc can thiệp mạch vành, mạch não, mạch tạng. Chúng tôi còn có thể kiểm soát cung ứng dược bằng công nghệ số, tự tin hợp tác với các bệnh viện quốc tế cũng như trong nước trong việc phát triển chuyên môn tại địa phương.
- PV: Có thể thấy, công nghệ 4.0 đã mang lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho các tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như Yên Bái. Ở tuyến trung ương, tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, đối tượng bệnh nhân thường là những người lớn tuổi thì các cán bộ y tế đã tận dụng công nghệ hiện đại như thế nào để chăm sóc cho người bệnh?
PGS.TS Vũ Thị Thanh Huyền: Như chúng ta đã thấy, ở thời đại 4.0, khoa học công nghệ đã giúp cho ngành Y nói chung và phụ nữ ngành Y nói riêng rất nhiều. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng đem lại thách thức, đặc biệt là thách thức cho những người phụ nữ trong ngành Y.
Đối tượng chúng tôi tiếp cận là người cao tuổi. Có những người cao tuổi không sử dụng điện thoại thông minh, thiết bị công nghệ thì làm sao chúng ta có thể áp dụng được? Bên cạnh đó, với đặc thù Khoa Nội tiết - cơ xương khớp của chúng tôi hơn 90% nhân viên y tế là nữ. Sự chuyển mình nào cũng có thách thức nhưng đối với chúng tôi quan niệm sự chuyển mình là cơ hội để vươn lên và phát triển. Trong khoa học công nghệ kỹ thuật, việc kết hợp giữa truyền thông cũng như khoa học công nghệ giúp chúng ta đến gần với người bệnh hơn, giúp cho công tác khám chữa bệnh, cứu chữa bệnh ngày càng tốt hơn.
Ở đây khái niệm "đối với người bệnh" là truyền thông và nâng cao kiến thức cũng như việc lưu trữ các hồ sơ, bệnh án điện tử, nó làm cho khối lượng dữ liệu rất lớn. Bệnh viện chúng tôi là một trong những nơi lưu trữ dữ liệu lớn, đặc biệt là dữ liệu cho người cao tuổi. Không chỉ dừng ở Việt Nam mà chúng tôi còn là một trong những nhóm rất mạnh trong khu vực châu Á cũng như Đông Nam Á, đấy là nhờ có công nghệ chuyển đổi số.
Chúng tôi đã phát triển những website được Bộ Y tế chính thức công nhận. Ví dụ website ngày đầu tiên, tức là bệnh nhân mới bị các bệnh mãn tính như huyết áp, đái tháo đường thì làm sao tiếp cận được vào trang web đó của người Việt, với công nghệ của người Việt và người thân trong gia đình cũng có thể đọc được kiến thức về bệnh. Qua đó nâng cao hiểu biết cho người dân, nâng cao khả năng chăm sóc cũng như nâng cao khả năng tuân thủ.
Việc áp dụng những hệ thống đặt hẹn khám chữa bệnh cũng như tư vấn qua điện thoại, kết hợp tại chỗ cũng như từ xa là một phát triển của công nghệ. Còn đối với nhân viên y tế của chúng tôi, khoa học công nghệ giúp lưu trữ hồ sơ được tốt hơn, tìm lại các dữ liệu lớn được tốt hơn. Đây cũng là một điểm mạnh mà chúng tôi có thể vươn ra tầm thế giới. Thay vì chúng ta phải liên kết với các bạn bè trong khu vực Đông Nam Á, khu vực Châu Á, kể cả Nhật Bản, Hàn Quốc hay Hồng Kông (Trung Quốc), thì họ đã tìm đến chúng tôi với các dữ liệu lớn.
Chúng tôi cùng với data, hệ thống quản lý nền cũng như dữ liệu lớn về người cao tuổi, đấy là quý, hiếm, bởi đó là một khoảng trống trên thế giới của người Việt. Sự chuyển mình đối với tất cả nhân viên y tế, chuyển mình với cả người dân. Cách mạng khoa học 4.0 đã đem lại rất nhiều lợi ích đối với chúng tôi, bên cạnh đó, nó bỏ qua các khoảng cách về không gian cũng như thời gian. Với công nghệ số đôi khi chúng ta có thể họp, trao đổi kiến thức hoặc toạ đàm với người bệnh mà không phải có mặt trực tiếp mà có thể thông qua các không gian ảo.
- PV: Có thể thấy, từ địa phương cho đến Trung ương, chúng ta có những bước chuyển mình rất mạnh mẽ. Vậy thì từ góc nhìn quản lý cũng như góc nhìn mang tính chiến lược, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Phương có đánh giá tổng quan như thế nào về những thành tựu mà chúng ta đã đạt được ban đầu trong quá trình chuyển đổi số ở ngành Y?
TS Nguyễn Khánh Phương: Thực sự phải nhìn nhận trong quá trình chuyển đổi số, tham gia tích cực, chủ động vào chuyển đổi số đó là một xu thế tất yếu và khách quan, nó vừa là cơ hội nhưng vừa là một thách thức. Không riêng lĩnh vực y tế mà chuyển đổi số diễn ra trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Trong hệ thống y tế, có thể nhìn thấy có 3 chủ thể chính, thứ nhất, người dân là đối tượng trung tâm của tất cả mọi hoạt động chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ. Thứ 2 là chủ thể cung cấp dịch vụ y tế, bao gồm dự phòng nâng cao sức khoẻ cũng như khám bệnh, chữa bệnh. Chủ thể thứ 3 cũng rất quan trọng đấy là quản lý, điều hành hệ thống y tế.
Chuyển đổi số là sự tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào mọi lĩnh vực của y tế và điều đó có nghĩa rằng chuyển đổi số phải diễn ra với cả 3 chủ thể trên hoạt động của cả 3 lĩnh vực này. Mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số cũng phải nhắm tới phục vụ người dân, phục vụ bệnh nhân làm sao tăng cường hiệu quả trong vấn đề quản lý, nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho người dân. Cuối cùng là người dân làm sao tiếp cận được các dịch vụ y tế có chất lượng và đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân càng ngày càng tăng cao cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội.
- PV: Trong hành trình chuyển đổi số, sự tham gia của đông đảo lực lượng là điều tất yếu, tuy nhiên ở các đối tượng là các nữ cán bộ, nhân viên y tế, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, bà Lan Anh có đánh giá như thế nào về sự vào cuộc quyết liệt của đội ngũ nữ cán bộ nhân viên y tế để đơn vị có bước chuyển mình mạnh mẽ như vậy?
TS.BS Trần Thị Lan Anh: Đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái mang cả tính chất chung và tính chất riêng của một đơn vị địa phương. Tuy nhiên, tỉnh Yên Bái có Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn hóa - xã hội là nữ, Giám đốc Sở Y tế cũng là nữ, bệnh viện tôi có giám đốc là nữ và một phó giám đốc cũng là nữ, trong đó nhân viên nữ chiếm tới gần 70%. Trong số lãnh đạo quản lý từ phó khoa trở lên có trên 60% là chị em. Số chị em có trình độ đại học trở lên của bệnh viện chúng tôi cũng trên 60%.
Như vậy thay vì nói rằng phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bệnh viện chúng tôi thì có thể nói, phụ nữ có cơ hội tham gia nhiều hơn, đóng góp cho sự phát triển bệnh viện. Riêng ngành y tế chúng tôi có một câu nói vui là "để chồng con cho người khác trông để mình đi trông chồng người khác". Cái này là một đặc thù của ngành y tế, con ốm vẫn đang để nhà nhưng mình lại đang đi chăm sóc bệnh nhân.
Phụ nữ khi tiếp cận với công nghệ số, lợi ích mang lại cho họ sẽ nhiều hơn. Bởi vì người ta không phải chuyển bằng một quy trình vật lý qua một quãng thời gian, không gian nhất định, chúng ta có thể làm online nhưng chỉ online được với những quy trình vật lý đã đủ chuẩn và kiểm soát nó một cách chặt chẽ hơn. Việc thực hiện quy trình online, quy trình số đó để chúng ta có nhiều thời gian hơn, kiểm soát chất lượng công việc mà mình đã làm cũng như dành thời gian cho những quy trình không thể online được, ví dụ những cái ôm, những cái nắm tay, ánh mắt, cử chỉ yêu thương.
- PV: Vậy còn tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương thì sao, thưa PGS.TS Vũ Thị Thanh Huyền?
PGS.TS Vũ Thị Thanh Huyền: Với việc chuyển đổi số cũng như cách mạng 4.0 thì chúng ta thấy rằng, phụ nữ đôi khi cũng có ưu và nhược điểm. Phụ nữ có ưu điểm rất tỉ mỉ, rất cẩn thận. Với công nghệ số, không phải một ngày mà chúng ta tiếp cận được, hoặc khi chúng ta học trực tuyến tức là chúng ta không gặp mặt trực tiếp thì đôi khi những rào cản có thể đến với bất kỳ ai nếu không cập nhật theo quy trình. Với đặc tính của người phụ nữ là tỉ mỉ và cẩn thận, chu đáo thì sẽ giúp cho việc chuyển đổi số tốt hơn.
Tuy nhiên, người phụ nữ cũng có một số rào cản như phải làm công việc của gia đình, quỹ thời gian đôi khi còn bị chi phối. Hoặc đôi khi chúng tôi họp xuyên lục địa, các múi giờ khác nhau, múi giờ của Việt Nam là buổi tối, chúng ta có gia đình bên cạnh, đấy cũng là một rào cản, có khi phải phân vân là có tham gia cuộc họp này hay không, có tiếp tục với các quy trình này hay không? Bao giờ nó cũng có 2 mặt của 1 vấn đề, ưu và nhược điểm. Vấn đề cốt lõi ở đây là người phụ nữ luôn biết kết hợp hài hoà nâng cao những ưu điểm và làm giảm bớt cũng như làm mềm mại đi những vấn đề còn tồn tại hay những khuyết điểm của người phụ nữ. Tôi nghĩ công nghệ số cũng là một hậu thuẫn cho người phụ nữ, đôi khi chúng ta cần thu xếp công việc nhà, buổi tối vẫn có thể online được, vẫn có thể tham gia các cuộc họp được, vẫn có thể chia sẻ về mặt khoa học, học thuật được.
- PV: Những thách thức, những cơ hội đối với đội ngũ nữ thầy thuốc trong tình hình ứng dụng công nghệ 4.0 hiện nay thế nào?
TS Nguyễn Khánh Phương: Tôi muốn nêu một con số cũng là minh hoạ thực tế là phụ nữ đóng góp như thế nào trong công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Theo số liệu tổng hợp sơ bộ trên phạm vi cả nước, hiện nay trong đội ngũ nhân viên y tế, chị em phụ nữ đang đóng góp 2/3, khoảng hơn 60% nhân viên y tế là phụ nữ.
Khi chúng ta nói là nữ thầy thuốc có nghĩa là nói về tất cả chị em phụ nữ đang tham gia trong tất cả các lĩnh vực của chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ. Từ trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh, công tác dự phòng nâng cao sức khoẻ, cũng như gián tiếp, công tác hậu cần, về dược, đảm bảo làm sao dịch vụ được cung ứng tới người dân theo yêu cầu.
Với một lực lượng đông đảo như vậy, đóng góp vai trò quan trọng như vậy, khi nói đến cơ hội hay thách thức đối với phụ nữ trong ngành Y thì tôi nghĩ rằng nó phải nằm trong bối cảnh chung những cơ hội và thách thức đối với ngành y tế trong thực hiện mục tiêu bảo đảm chăm sóc sức khoẻ cho người dân, để người dân có tiếp cận được các dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý và sự hài lòng tăng lên.
Nhìn về mặt cơ hội thì có thể thấy rõ nhất là đối với công tác chăm sóc sức khoẻ, sự quan tâm chỉ đạo và ưu tiên rất lớn từ các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều cho rằng nên dành sự ưu tiên đặc biệt cho chăm sóc sức khoẻ và đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển. Chăm sóc sức khoẻ là chăm sóc để có được nhân lực tốt nhất phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đấy là cơ hội rất quan trọng, vì chăm sóc sức khoẻ không chỉ phụ thuộc vào ngành Y tế mà nó phụ thuộc vào sự chung tay của toàn xã hội, của các ngành khác liên quan ảnh hưởng đến sức khoẻ, đó là tổng hoà của các yếu tố bên ngoài ngành kinh tế, vấn đề phát triển kinh tế xã hội cũng như là các yếu tố liên quan tới môi trường, học vấn, truyền thông thông tin, tất cả những điều kiện đó nó ảnh hưởng tới vấn đề sức khoẻ.
Cơ hội thứ 2, từ góc độ người dân, góc độ của xã hội và cộng đồng, nhận thức về vấn đề sức khoẻ, chăm sóc sức khoẻ được cải thiện rất rõ rệt, người ta sẵn sàng dành sự ưu tiên về vấn đề nguồn lực, thời gian và cũng nâng cao sự hiểu biết trong công tác tự bảo vệ và nâng cao phòng bệnh, chữa bệnh cho chính người dân. Một cơ hội nữa chúng tôi thấy rất rõ là liên quan tới sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4. Khi nói về cuộc cách mạng 4.0, chúng ta nói đến vấn đề số hoá.
Trong số hoá đó, chúng ta nói tới trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn, sự bùng nổ về công nghệ đa ngành, liên ngành, về góc độ kinh tế thì tất cả những thứ đó cuối cùng phải phục vụ cho công tác chăm sóc sức khoẻ. Nó phải có những sản phẩm phát triển khoa học công nghệ dẫn tới những sản phẩm thiết bị để làm sao tăng cường hiệu quả trong công tác chẩn đoán, điều trị và cung cấp dịch vụ cho người dân, tăng cường tiếp cận cho người dân những vùng sâu, vùng xa.
Chúng ta có khám chữa bệnh từ xa, giải quyết được vấn đề quá tải bệnh viện, khi mà người dân ở vùng sâu vùng xa vẫn có thể tiếp cận được các dịch vụ y tế chuyên sâu thông qua các hỗ trợ của công nghệ thông tin để các bác sĩ chuyên khoa như chị Thanh Huyền ở tuyến đầu có thể chuyển giao công nghệ, có thể hướng dẫn cho các cán bộ y tế ở tận vùng sâu, vùng xa, thực hiện được những dịch vụ y tế cho người dân thụ hưởng. Chúng tôi nghĩ rằng đấy là những cơ hội rất lớn. Hội nhập quốc tế, toàn cầu hoá, tất cả những cái đó đều có 2 mặt, về mặt cơ hội, chúng ta cũng nhìn nhận đó là những cơ hội để rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển, để chúng ta tận dụng được những thành tựu khoa học công nghệ, những hỗ trợ về quốc tế để đạt được mục tiêu nói chung về phát triển kinh tế - xã hội cũng như chăm sóc sức khoẻ.
Bên cạnh những cơ hội như vậy thì ngành Y tế cũng có những thách thức, những khó khăn cần phải nhận diện và có những ứng phó, giải pháp thích ứng với điều đó. Đầu tiên đó là nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân ngày càng tăng cao. Nhu cầu này gắn với yếu tố đầu tiên là mô hình bệnh tật. Mô hình bệnh tật bây giờ của chúng ta thay đổi rất nhiều, nó cũng rất phức hợp. Cùng một lúc, chúng ta có sự gia tăng rất lớn của bệnh không lây nhiễm, khi nó chiếm tới 3/4 gánh nặng bệnh tật của chúng ta bây giờ là bệnh ung thư, bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, rối loạn tâm thần, trong khi đó chúng ta phải tiếp tục đối mặt với những bệnh truyền nhiễm truyền thống trước đây cũng như là bệnh truyền nhiễm mới nổi. Điển hình là Covid-19.
Sự chuyển đổi mô hình bệnh thật đồng thời cộng hưởng thêm vấn đề rất lớn nữa là sự thay đổi về nhân khẩu học khi Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hoá dân số hàng đầu thế giới. Khi già hoá như vậy, đương nhiên nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cũng tăng lên. Người già thường mắc nhiều bệnh, những bệnh đó lại mãn tính, kèm theo những chăm sóc liên tục cũng rất tốn kém. Cùng với đó, bản thân nhu cầu của người dân cũng tăng cao hơn khi họ muốn tiếp cận với nhiều dịch vụ y tế chuyên sâu hơn, đáp ứng nhu cầu đa dạng hơn về chăm sóc sức khoẻ của người dân.
Tất cả sự tăng cao về nhu cầu chăm sóc sức khoẻ như vậy tạo áp lực rất lớn lên hệ thống y tế nói chung và đặc biệt là nhân viên y tế nói riêng và chị em, đặc biệt hơn nữa khi chị em phụ nữ ngành y tế, vừa đảm đương công việc chăm sóc cho người bệnh, cùng một lúc vẫn phải thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ không ai có thể thay thế, để cân bằng được tất cả là một thách thức.
Bên cạnh nhu cầu chăm sóc sức khoẻ tăng lên như vậy, nguồn lực cho chăm sóc sức khoẻ với một nước thu nhập trung bình thấp như của Việt Nam và chúng ta cũng còn đang phải căng mình trong rất nhiều những ưu tiên khác, thì thực sự nguồn lực cho y tế vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được với yêu cầu chăm sóc sức khoẻ tăng cao như vậy.
Trong khi đó, về mặt thể chế, cơ chế chính sách, cũng phải nhìn nhận chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi hướng tới nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vậy thì hệ thống cơ chế chính sách đối với ngành Y cũng phải được hoàn thiện và được đổi mới như thế nào để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn như vậy. Tất cả những vấn đề ấy đặt ra thách thức cho ngành y tế nói chung. Phụ nữ với đặc thù về giới của mình, cũng phải có những nhận thức, nhận diện cơ hội theo cách riêng, màu sắc riêng. Thực tế đó đặt ra cho chúng ta thấy rằng, phụ nữ cũng phải yêu cầu để nhận diện được cơ hội, đồng thời những nguy cơ, những thách thức, thích ứng như thế nào để phụ nữ vẫn phải luôn luôn được hạnh phúc. Phụ nữ vẫn phải luôn có được cuộc sống chất lượng cao và có nhiều giá trị cho chính bản thân mình và cho xã hội.
- PV: Với một bệnh viện ở tỉnh miền núi thì bà đánh giá những thách thức đó tác động như thế nào đến chị em phụ nữ, đặc biệt trong bối cảnh áp dụng công nghệ 4.0 như hiện nay?
TS.BS Trần Lan Anh: Một thách thức cho ngành Y tế, trong đó, nhân lực y tế chiếm một tỉ lệ khá cao, nên đương nhiên sẽ tác động rất lớn tới hệ thống cán bộ y tế là nữ. Bên cạnh việc đối mặt với những thách thức đó, phụ nữ còn thêm một điều nữa là đặc trưng giới, họ rất nhạy cảm, dễ tin. Trong thời 4.0, an toàn an ninh mạng là một vấn đề mà phụ nữ nên cảnh giác hơn.
Khi chúng ta thay đổi, tiếp cận nhiều góc khác nhau, nền tảng cơ sở hạ tầng cho chị em để có thể đảm bảo được là công việc của người ta chuyển đổi từ quy trình vật lý thành quy trình số hoá. Đơn giản như trước đây chúng ta chỉ cần cái bút, tờ giấy nhưng bây giờ phải có máy tính, máy in, máy fax, phải có cầu truyền hình, thiết bị đầu cuối, hệ thống smartphone để làm một công dân số trước khi làm một cán bộ y tế số. Những cách tiếp cận, xã hội vận chuyển, vận động nên tất cả mọi người đều phải vận động.
NgànhY đang là một trong những ngành vận động một cách tích cực nhất, bởi vì tất cả mọi người đều phải có lúc cần đến chăm sóc sức khoẻ, y tế. Chúng tôi cũng đã có sự hỗ trợ tốt hơn cho nữ nhân viên y tế, ví dụ các chương trình đào tạo, các chương trình tập huấn online, offline, chúng tôi đều bố trí vào những khoảng thời gian phù hợp mà chị em có thể vừa làm việc vừa dành thời gian cho gia đình. Riêng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, lượng nhân viên nữ rất đông, chủ yếu là người trẻ, làm việc 8 tiếng, thường về lúc 16h30 để đón con, có thể là đưa đi thăm nội ngoại, gia đình. Làm như vậy để chị em khi ở bệnh viện thì dành thời gian tốt nhất cho công việc.
- PV: Bà đã có những chia sẻ như thế nào để các đồng nghiệp nữ vừa đảm bảo hoàn thành tốt công việc nhưng cũng vừa vượt qua được thách thức trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay?
TS.BS Trần Lan Anh: Ngành Y có một đặc thù là buổi sáng hay giao ban và trong buổi giao ban đó, ngoài chuyên môn ra có thể nói về văn bản chỉ đạo của các cấp và có thể nói một chút câu chuyện về công tác xã hộ. Tôi cũng tham gia mạng xã hội như các bạn trẻ, để làm sao mình có thể đồng hành cùng các chị em, có thể giúp người ta vượt qua được những góc khuất, những stress, những vấn đề về tâm lý mà ta đang cần phải có một người hỗ trợ. Tôi cũng thường xuyên nói với các bạn, tôi đã nghe một chuyên gia về AI nói rằng, đừng lo công nghệ số tác động đến chúng ta như thế nào, mà chúng ta nên đề cập là chúng ta muốn nó tác động đến chúng ta như thế nào thì chúng ta sẽ có kết quả tốt hơn.
- PV: Với góc độ là một bác sĩ, một người thầy, PGS.TS Vũ Thị Thanh Huyền đã vượt qua những rào cản của chuyển đổi số cũng như ứng dụng công nghệ 4.0 không chỉ là trong việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân mà kể cả trong lĩnh vực giáo dục ra sao?
PGS.TS Vũ Thị Thanh Huyền: Chúng tôi là người làm trực tiếp lâm sàng, tiếp cận với bệnh nhân (nhân viên ở trong khoa tôi hơn 90% là nữ, đặc biệt là các chị em nữ điều dưỡng, đôi khi lại còn trong đối tượng thai sản thì phải chăm sóc gia đình). Đôi khi 4.0 lại là một nhược điểm vì không thể nào vừa chăm con, vừa cho con ăn, lại vừa có thể nghe điện thoại, hay trực tuyến được. Nhưng hiểu rõ các vấn đề của một người làm lâm sàng để chúng ta chia sẻ với tất cả chị em.
Chúng tôi vẫn đưa ra các giờ giảng dạy trực tuyến, giảng dạy online, để thay vì tất cả đội ngũ điều dưỡng ở trong các khoa phải tụ họp lại với nhau một giờ sẽ rất mất thời gian, thì có thể quay lại các video clip hướng dẫn online hoặc quay các QR code để có thể giáo dục đi và giáo dục lại, cũng như có thể xem lại các clip. Đứng về khía cạnh giáo dục, thực ra với tư cách một người thầy, với hơn 20 kinh nghiệm trong vấn đề giảng dạy, tôi thấy công nghệ thật là tuyệt vời. Nó xoá nhoà thế giới thực và thế giới ảo.
Thực ra tôi đã chuyển đổi từ vấn đề cầm phấn trên bục giảng, bây giờ là cầm bút chỉ và giảng dạy online. Đấy là một sự chuyển mình rất hay. Rào cản thì có nhưng rào cản đó là để giúp cho chúng tôi vươn lên, khắc phục chính bản thân, đặc biệt với tư cách là một người thầy. Giáo dục truyền thống cũng đã được chuyển đổi sang công nghệ số, với những buổi trực tuyến. Giáo dục trực tuyến đã giúp cho chúng ta làm sao phát triển được kỹ năng tư duy, kỹ năng phản biện, kỹ năng sáng tạo và một điểm quan trọng nữa là kỹ năng làm việc nhóm. Đấy là một thế mạnh của người phụ nữ. Phụ nữ có thể nói chuyện với nhau, chia sẻ rất nhiều, đôi khi đàn ông họ không làm được điều đó.
Chúng tôi đã chuyển đổi các vấn đề, các hình ảnh ca bệnh, những vấn đề chăm sóc bệnh bằng công nghệ số để nhóm các anh chị em nhân viên y tế, điều dưỡng có thể chia sẻ được với nhau và học kỹ năng ấy. Khi giảng dạy cho các đối tượng bác sĩ nội trú chẳng hạn, tôi có những buổi đi buồng với các em, có những buổi thảo luận ca lâm sàng, mô hình, mô phỏng để cho các em cũng có thể tiếp cận được các hình ảnh. Đôi khi những bệnh hiếm không phải lúc nào cũng có, thế nhưng với chuyển đổi về mặt công nghệ số thì chúng tôi đã số hoá. Những rào cản là có, tuy nhiên chúng ta hãy nhìn ở các khía cạnh tích cực để tiếp cận vấn đề từ vĩ mô đến chi tiết, để tận dụng những ưu điểm, giảm thiểu các vấn đề nhược điểm.
- PV: Theo TS Nguyễn Khánh Phương, định hướng phát triển ngành Y trong bối cảnh chúng ta ngày càng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn như hiện nay, trong thời gian tới sẽ như thế nào?
TS Nguyễn Khánh Phương: Nhìn một cách vĩ mô về định hướng phát triển ngành y tế trong thời gian tới, mới đây ngành Y đã có Quyết định số 89, ban hành chiến lược chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ nhân dân tới năm 2030 và tầm nhìn 2050. Trong chiến lược này cũng nêu rất rõ mục tiêu hướng tới của hệ thống chăm sóc sức khoẻ, ngành y tế phải xây dựng theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và hội nhập quốc tế và phù hợp với bối cảnh của cách mạng 4.0.
Chiến lược cho ngành Y trong giai đoạn tới đã vạch ra những mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực. Trong đó đặc biệt có một mục tiêu cụ thể là nâng cao chất lượng, hiệu quả của mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp, đáp ứng với sự thay đổi của mô hình bệnh tật cũng như đáp ứng với hội nhập quốc tế và những điều kiện cách mạng 4.0. Trong đó cũng đặt ra mục tiêu xây dựng hệ thống chăm sóc sức khoẻ ban đầu vững mạnh và thu hẹp khoảng cách tiếp cận dịch vụ y tế giữa các vùng miền với ứng dụng của công nghệ thông tin.
Mục tiêu đặt ra là phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành y tế, phát huy vai trò công nghệ thông tin ở trong mọi mặt, từ trong vấn đề quản lý, quản trị, cung ứng dịch vụ ngành y tế cũng như trực tiếp tác động tới người dân.
Nhìn ở góc độ quản lý, quản trị ngành y tế, tất cả công tác đó phải diễn ra trong môi trường số. Vai trò của quản lý nhà nước phải tạo ra môi trường số hoạt động thông suốt, đảm bảo hiệu quả nhưng phải an toàn. Về phía ngành y tế, đồng hành với yêu cầu của vấn đề cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính và thực hiện các dịch vụ công trên nền tảng kỹ thuật số. Xây dựng hệ thống y tế thông minh trong tất cả các lĩnh vực từ phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh cho tới quản trị y tế thông minh.
Để đạt được yêu cầu như vậy, phải có giải pháp ứng dụng công nghệ thông minh, chuyển đổi số từ xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo hệ thống dữ liệu y tế phục vụ cho công tác quản lý, dữ liệu y tế liên quan đến chăm sóc sức khoẻ người dân thông qua hồ sơ sức khoẻ điện tử tại cộng đồng, cũng như hồ sơ bệnh án điện tử trong các cơ sở y tế chúng ta cũng phải số hoá. Dữ liệu khác liên quan đến chăm sóc sức khoẻ người dân cũng phải đồng bộ.
Hạ tầng cơ sở tạo ra những nền tảng y tế số liên quan đến chức năng của thực hiện chăm sóc như nền tảng hồ sơ sức khoẻ điện tử, khám chữa bệnh từ xa, tiêm chủng, bảo hiểm y tế, y tế cơ sở phải vận hành một cách đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh đó, vấn đề phát triển nhân lực cũng rất quan trọng. Vì dù trí tuệ nhân tạo rất phát triển nhưng y tế chăm sóc, đó là chăm sóc con người, đó là giao tiếp giữa con người với con người, chúng ta không thể số hoá được tất cả.
Chúng ta sẽ tận dụng công nghệ số để giảm tải gánh nặng, áp lực công việc cho nhân viên y tế nói chung và phụ nữ như thế nào một cách rất cân bằng. Nhưng trong chuyển đổi số, phải làm sao để nhân lực ngành y tế nói chung, đặc biệt là chị em phụ nữ phải được nâng cao trình độ, để chúng ta làm chủ được công nghệ, những thiết bị công nghệ thông tin, để công nghệ phục vụ chúng ta".
Ngoài định hướng của ngành y tế thay đổi thì vấn đề cần nhìn nhận đó là chuyển đổi, thay đổi về mặt nhận thức, tư duy trong cách mạng 4.0 để chúng ta có một tâm thế sẵn sàng, nắm bắt cơ hội và ứng phó với nguy cơ. Đối với phụ nữ, chúng ta luôn luôn ở một tâm thế trang bị kiến thức kỹ năng, không ngừng học hỏi để chúng ta luôn luôn làm chủ trong cuộc sống, công việc.
PGS.TS Vũ Thị Thanh Huyền: Định hướng của chúng ta là định hướng của chuyển đổi số, phải tích hợp đi từ thượng tầng cho đến hạ tầng, về mặt chiến lược cũng như vấn đề tiếp cận, cũng như là chuẩn bị các nền tảng kỹ thuật số, nền tảng để chúng ta chuyển mình.
Từ vấn đề vĩ mô làm sao chuyển đổi sang vấn đề thực hành là một câu chuyện. Như thế giới ca ngợi người phụ nữ Việt Nam chúng ta với vẻ đẹp tiềm ẩn. Tôi nghĩ công nghệ số thực ra chỉ để chúng ta phát huy thêm vẻ đẹp tiềm ẩn đó mà thôi. Chúng tôi luôn luôn có những bước chuẩn bị như về mặt lâm sàng, ngày xưa mô tả hình ảnh bệnh nhân, chưa có nền tảng số thì bây giờ tất cả hình ảnh đấy chúng ta đều đã lưu lại được. Với dữ liệu đám mây đã tạo thêm một hệ sinh thái và với những người phụ nữ luôn phát triển hệ sinh thái của họ một cách tối ưu. Việc vừa làm lâm sàng vừa kết hợp giảng dạy sẽ cho người phụ nữ thêm phát triển hệ sinh thái. Chúng tôi lưu trữ cách hình ảnh đó để truyền cho thế hệ đàn em và học trò. Tôi nghĩ càng về sau, việc sử dụng các trợ lý ảo, các thuật toán thông minh sẽ ngày càng giúp đỡ cho nhân viên y tế. Bây giờ chúng tôi đã có phần mềm công nghệ viết ra những chẩn đoán bằng AI.
Tuy nhiên, AI sẽ không bao giờ thay thế hết được con người thực trong lĩnh vực y tế, vẫn cần con người để biến AI chỉ phục vụ con người. 100% các vấn đề của y tế chúng tôi vẫn cần người thực, việc thực. Rào cản đó cần được khắc phục bằng cách lập trình, việc chuẩn bị những hạ tầng tối ưu quan trọng. Bây giờ đã có những phần mềm hỗ trợ, những app nhắc việc rất tốt, đấy chính là một ưu thế. Tối ưu cho người phụ nữ và không đem việc công về nhà nữa, bởi vì đã được giải quyết rồi. Lên kế hoạch làm việc nhóm cũng rất là tốt. Thực ra không gọi là rào cản mà chúng ta lường trước những khó khăn để khắc phục. Chúng tôi sẵn sàng với công nghệ số".
- PV: Vậy, các vị khách mời có những đề xuất như thế nào?
TS.BS Trần Lan Anh: Để tạo điều kiện cho chị em phụ nữ, các chính sách y tế cũng phải được đề cập một cách toàn diện hơn cho việc tiếp cận của ngành y tế với công nghệ 4.0. Trước hết, chúng ta cũng phải có một hệ thống y tế hoàn chỉnh mà tương tác với công nghệ số một cách hiệu quả nhất. Sau đó là đặc trưng của giới nữ để chúng tôi tham gia vào quá trình đó. Với việc tham gia chuyển đổi số thì phụ nữ nhiều lúc sẽ có những lợi thế hơn nam giới, bởi vì họ có tính tỉ mỉ, chu toàn, cầu toàn nên sẽ kiểm soát những nhánh công việc nhỏ rất tốt. Thậm chí họ có thể lên lịch trình cho bản thân, cho nhóm người, cho khoa phòng mà có thể phối hợp rất nhiều chương trình vào với nhau được.
Thể chế các chính sách y tế trong công nghệ 4.0 cần được hoàn thiện chung cho toàn ngành. Sau đó sẽ là những lớp học, những lớp đào tạo, tập huấn, để chị em có thể tiếp cận một cách chủ động, sử dụng chủ động hơn với công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo. Không nghĩ là nó sẽ tác động đến mình như thế nào mà phải là mình muốn nó tác động đến mình như thế nào. Tất cả cán bộ y tế nữ không đồng đều với nhau về góc nhìn, về trình độ, khả năng tiếp cận nên họ phải được cung cấp những lớp tập huấn, đào tạo để họ biết được những mặt trái của công nghệ thông tin. Ví dụ an toàn mạng, là một trong những điều rất nhiều người còn mơ hồ, nguy cơ cho cả hệ thống quản lý. Cho nên việc tập huấn nâng cao cho những người tham gia quy trình quản lý bằng AI phải được tiếp cận ở những tầng lớp khác nhau.
PGS.TS Vũ Thị Thanh Huyền: Trong buổi toạ đàm hôm nay, với chủ đề phụ nữ với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, cho tôi gửi lời đến các chị em phụ nữ cũng như chị em phụ nữ ngành Y nhân ngày 27/2 lời chúc tốt đẹp nhất, mong rằng phụ nữ hãy sử dụng đúng thiên chức của mình, một người mẹ, một người vợ, cân bằng trong cuộc sống, bên cạnh đó phát huy những thế mạnh riêng của người phụ nữ, cẩn thận, tỉ mỉ, đặc biệt là sự kiên nhẫn. Với thiên chức đó thì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nằm gọn trong bàn tay của chị em phụ nữ chúng ta.
- PV: Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian tham gia chương trình Toạ đàm của chúng tôi hôm nay!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn