Phụ nữ Sóc Sơn ra tay “biến” rơm rạ thành phân hữu cơ, bảo vệ môi trường

10:18 | 01/10/2020;
Mô hình xử lý rơm rạ sau khi thu hoạch thành phân hữu cơ, bón cho cây trồng đang được triển khai rộng rãi tại các cấp hội phụ nữ huyện Sóc Sơn, Hà Nội, là việc làm ý nghĩa thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao nhận thức về tác hại của việc đốt rơm rạ đối với sức khỏe con người.

Những ngày cuối tháng 9/2020, chị em hội viên, phụ nữ tại 10 xã Tân Hưng, Tân Minh, Bắc Phú, Đức Hòa, Xuân Thu, Kim Lũ, Phù Linh, Tiên Dược, Thanh Xuân, Tân Dân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) hào hứng rủ nhau tham gia chương trình tập huấn, hướng dẫn xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ do Hội LHPN huyện tổ chức.

Sóc Sơn là huyện thuần nông. Sau mỗi vụ thu hoạch, trên những cánh đồng lúa tại Sóc Sơn lại "ngào ngạt khói" từ việc đốt rơm rạ. Thói quen đốt rơm rạ đã để lại nhiều hệ luỵ xấu cho môi trường, sức khoẻ con người và gây mất an toàn giao thông. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có sân bay Nội Bài, việc người dân tại một số xã lân cận đốt rơm rạ, tạo thành các đám khói lớn hay mù dày đặc đã làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công khi hạ cánh xuống sân bay. Trước thực trạng trên, Hội LHPN huyện đã xây dựng và triển khai mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ.

Phụ nữ Sóc Sơn ra tay “biến” rơm rạ thành phân hữu cơ, bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Hội viên, phụ nữ tham gia chương trình tập huấn, hướng dẫn xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ do Hội LHPN huyện Sóc Sơn tổ chức. Ảnh: Hội LHPN Sóc Sơn

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sóc Sơn Nguyễn Thị Kim Tuyến cho biết, sau một thời gian ấp ủ ý tưởng và tìm hiểu, tháng 6/2020, Hội LHPN huyện đã mời các chuyên gia sinh học nông nghiệp về địa phương hướng dẫn các hội viên xử lý rơm rạ sau khi thu hoạch thành phân hữu cơ, bón cho cây trồng. Việc triển khai mô hình này nhằm thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, thông qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các hội viên, người dân trên địa bàn về tác hại của việc đốt rơm rạ đối với môi trường sống, giao thông, sức khỏe con người.

Tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường

Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia sinh học nông nghiệp, rơm rạ sau khi thu hoạch sẽ được tập kết thành nụm lớn, phun chế phẩm sinh học, đậy lại. Sau 45 ngày, rơm rạ hoai mục thành phân hữu cơ có giá trị cho cây trồng và hoa màu. Cách làm này dễ thực hiện, giá thành rẻ, hiệu quả cao. Đặc biệt hơn, với công nghệ ủ này, ngoài rơm rạ, nhà nông có thể sử dụng tận dụng nhiều phế phẩm nông nghiệp khác như thân của các loại cây khác như: bèo, ngô, hoa nhài, đu đủ… để biến thành phân hữu cơ. Hội LHPN huyện đã triển khai thí điểm mô hình tại 2 Hồng Kỳ và Đông Xuân.

Phụ nữ Sóc Sơn ra tay “biến” rơm rạ thành phân hữu cơ, bảo vệ môi trường - Ảnh 2.

Chuyên gia sinh học nông nghiệp hướng dẫn quy trình xử lý phế phẩm nông nhiệp thành phân hữu cơ. Ảnh: Hội LHPN Sóc Sơn

Là một trong hai xã thực hiện thí điểm mô hình, chị Nguyễn Thị Lâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đông Xuân cho biết: Trước đây, sau khi thu hoạch, bà con cũng lấy rơm rạ ủ thành phân hữu cơ, nhưng do làm theo phương pháp truyền thống nên hiệu quả không cao. Sau khi được các chuyên gia hướng dẫn, việc sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rơm rạ đã được các hội viên phụ nữ tự thực hiện. Với thời gian ủ ngắn (45 ngày), từ khoảng 5 tạ rơm rạ cộng với phân gia súc, gia cầm... có thể làm thành 1 tấn phân hữu cơ. Sử dụng phân từ rơm rạ để bón cho lúa, hoa màu, bà con không còn phải mua phân hóa học, vừa tiết kiệm được chi phí, vừa đảm bảo cho sức khỏe, thân thiện với môi trường.

Phụ nữ Sóc Sơn ra tay “biến” rơm rạ thành phân hữu cơ, bảo vệ môi trường - Ảnh 3.

Ngoài rơm ra, quy trình xử lý ủ phân hữu cơ còn áp dụng được với các loại cây khác. Ảnh: Hội LHPN Sóc Sơn

Từ thành công của mô hình thí điểm ở hai xã Hồng Kỳ và Đông Xuân, mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ đã được Hội LHPN huyện chuyển giao tới tất cả các xã còn lại trong tháng 9/2020. Nhờ vậy, tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng đã giảm hẳn. 

Hưởng ứng thực hiện mô hình, chị Đỗ Thị Hiệp, Chủ tịch Hội LHPN xã Bắc Sơn chia sẻ thêm:  sau khi được các chuyên gia hướng dẫn xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ, các hội viên của 5/8 chi hội phụ nữ đã làm được 30 tấn phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hội đang tiếp tục nhân rộng mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ tới tất cả các chi hội phụ nữ trên địa bàn, tạo nguồn phân bón phục vụ cho sản xuất vụ thu đông 2020.

Phụ nữ Sóc Sơn ra tay “biến” rơm rạ thành phân hữu cơ, bảo vệ môi trường - Ảnh 4.

Mô hình xử lý rơm rạ sau khi thu hoạch thành phân hữu cơ, bón cho cây trồng đang được triển khai rộng rãi tại các cấp hội phụ nữ huyện Sóc Sơn. Ảnh: Hội LHPN Sóc Sơn

Mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng của Hội LHPN huyện Sóc Sơn không chỉ giúp môi trường nơi đây được cải thiện mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm chi phí mua phân bón hóa học của bà con nông dân, giúp cho môi trường làng quê xanh – sạch hơn, khẳng định vai trò và sự đóng góp của chị em phụ nữ trong phòn trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn