Lần đầu tiên, Pannarat Rattanasinchai bị một người lạ quấy rối tình dục, cô cảm thấy xấu hổ và bất lực. Khi ấy, bà mẹ ba con đang đứng trên một chiếc xe buýt đông đúc ở Thủ đô Bangkok thì bị một gã đàn ông áp sát và cọ của quý của hắn vào mông Pannarat.
"Tôi cảm thấy ghê tởm và bị làm nhục, nhưng không biết mình phải làm gì", Pannarat nhớ lại. Cô cố gắng tìm cách thoát ra, nhưng gã đàn ông vẫn tiếp tục hành vi khốn nạn của mình. Cuối cùng, Pannarat phản vệ lại bằng cách lấy chiếc túi đặt giữa mình và tên biến thái.
Tên này sau đó đã nhắm đến một phụ nữ khác. Các hành khách sau đó đã báo lại với tài xế. Khi chiếc xe dừng lại tại một đồn cảnh sát, kẻ quấy rối bị bắt giữ. Ở Thái Lan, rất nhiều phụ nữ rơi vào tình cảnh tương tự như Pannarat, thậm chí đó là câu chuyện "thường ngày ở huyện" tại quốc gia Đông Nam Á này.
Theo một khảo sát tiến hành vào năm ngoái của YouGov, một công ty chuyên về nghiên cứu thị trường của Anh có chi nhánh ở Thái Lan, trong số hơn 1.100 người Thái Lan tham gia khảo sát, có đến 20% (cả nam và nữ) thừa nhận bản thân từng bị quấy rối tình dục. Các trường hợp tấn công tình dục chiếm 44% số vụ việc, tiếp theo là những lời khiếm nhã liên quan đến tình dục. Phổ biến nhất là tình trạng bị quấy rối trên các phương tiện giao thông công cộng, trong khi số còn lại xảy ra ở các địa điểm công cộng khác.
Pannarat chia sẻ: "Một lần, tôi bị quấy rối trên một chiếc xe bus khác nhưng lần này, tôi đã chuẩn bị tốt hơn để đối phó. Một gã đàn ông lạ mặt ngồi cạnh đã đặt tay lên đùi tôi. Sau khi tôi đẩy anh ta ra, hắn tiếp tục đặt tay vào đùi tôi. Ngay lập tức, tôi lấy ra một con dao nhỏ mình luôn mang theo người và đặt lên tay anh ta như một lời cảnh báo, và hắn ta không dám làm phiền tôi nữa".
Pannarat đã học được sự quyết đoán này ở một lớp học võ. Cô được dạy cách đề phòng, cảnh giác, đánh giá mức độ đe dọa và đọc ý định của kẻ tấn công. Tại chính lớp dạy tự vệ ở một khu chung cư ở Bắc Bangkok, cô cũng học một số kỹ thuật thực hành, cho phép đá vào chỗ hiểm của kẻ tấn công. Sau khóa học, cô có thể tấn công đối phương và vô hiệu hóa kẻ tấn công bằng việc sử dụng yếu tố bất ngờ. Pannarat có thể ra đòn nhanh, hoặc tấn công bằng một loạt đòn nhờ sử dụng những bộ phận khác nhau của cơ thể.
Pannarat giải thích: "Nếu bị tấn công từ phía sau, ví dụ như khi ở trên chiếc xe bus, tôi có thể sử dụng cùi chỏ của mình. Phương pháp tấn công này luôn mang lại hiệu quả". Cô chứng minh bằng cách bất ngờ vặn thân trên và thúc cùi chỏ một cách thành thạo vào đầu người hướng dẫn nam đứng sau, đang vờ ôm vào hông cô.
Ông Kittichet "Joe" Mayakarn, một chuyên gia bộ môn tự vệ ở Bangkok, cho rằng việc học võ để bảo vệ bản thân rất cần thiết. Là một người vui tính, ông Kittichet tếu táo: "Trước khi làm điều này, hãy chắc chắn là bạn đang bị tấn công. Bạn không nên thúc cùi chỏ vào mặt ai đó mà không có lý do chính đáng".
Kittichet nhấn mạnh: "Điều quan trọng nhất chính là sự an toàn của bạn. Đừng để bản thân rơi vào một cuộc hỗn chiến, bởi vì bạn có thể bị thương nặng. Trong 36 chước, chước chuồn là hơn, nhưng nếu bạn không thể bỏ chạy, hãy tìm cách tấn công bất ngờ để đối phương không tiếp cận được bạn, rồi sau đó bạn mới chạy đi".
Ông Kittichet năm nay 56 tuổi, từng là một tiếp viên hàng không. Hiện nay, ông là huấn luyện viên võ thuật đối kháng. Kittichet dạy các kỹ năng võ thuật của mình cho hàng ngàn phụ nữ thông qua các lớp học tư nhân và các hội thảo lớn. "Tôi làm công việc này vì mọi người luôn nhờ tôi dạy cho chị em, hoặc con gái của họ cách phòng vệ", ông chia sẻ.
Những lo ngại về sự an toàn của phụ nữ dấy lên ở Thái Lan, nơi mà nạn hiếp dâm đang trở nên phổ biến, với rất nhiều các trường hợp mới được truyền thông cập nhật. Mặc dù vậy, hầu hết các vụ hiếp dâm không được báo cáo, bởi nạn nhân có tâm lý sợ hãi, xấu hổ.
Trong lớp học của ông Kittichet có một nữ kỹ sư từng 2 lần bị các tài xế taxi cưỡng hiếp. Có một lần, cô đã may mắn thoát khỏi một gã hiếp dâm vì gã này đã bỏ đi sau khi phát hiện cô đang có kinh nguyệt. Một lần khác, cô giả vờ chấp nhận, đợi đối phương kéo quần xuống giữa chừng, cô bất ngờ thúc đầu gối vào hạ bộ của hắn rồi chạy thoát. Đó là một trong những kỹ năng cô học được từ lớp học của thầy Kittichet.
Học võ để tự vệ đã trở nên phổ biến với đàn ông Thái Lan. Hiện nay, phụ nữ ở đất nước này cũng bắt đầu học cách ngăn kẻ tấn công mình bằng cách sử dụng đầu gối thúc vào háng đối phương, hoặc đánh vào mũi kẻ đó, một chiêu được cho là thích hợp hơn đấm, bởi việc đấm có thể khiến phụ nữ gãy đốt ngón tay. Xung quanh các trung tâm thể dục, thể thao ở Bangkok, các phòng tập thể dục, thậm chí các phòng tập yoga cũng có các khóa học tự vệ dành cho phái đẹp.
Lớp học có cái tên rất hoành tráng "Lực lượng Quốc phòng Israel" ở khu Krav Maga, hiện đang thu hút được rất nhiều học viên nữ tham gia. Tại đây, họ được học cả về khả năng tự vệ về tinh thần lẫn thể chất. Đứng lớp là võ sư người Israel, Shuki Rosenzweig, một cựu vô địch quyền anh Thái Lan chuyên nghiệp.
"Khi bị bị tấn công, bạn hãy la toáng lên, khiến đối phương run sợ đồng thời giúp bản thân tự tin hơn. Sau đó hãy cào vào mặt anh ta, chọc tay vào mắt anh ta, cắn anh ta. Một con vật nhỏ khi hung dữ cũng có thể khiến một con sư tử phải run sợ".
Anh Shuki Rosenzweig
Jade Marrisa Sirisompan, nữ vận động viên từng vô địch quyền anh thế giới hạng 51kg, hiện cũng mở lớp đào tạo các học viên nữ tại một trại Muay Thai ngoài trời ở ngoại ô của Bangkok. Không chỉ dạy các học viên một số kỹ năng để giúp họ có thể bảo vệ được bản thân, chị Jade còn luôn sẵn sàng đồng hành với họ trong các sự kiện, buổi tiệc tùng để bảo vệ họ khỏi nguy cơ tấn công, quấy rối tình dục. Ở Thái Lan, những lớp học kiểu như vậy đang xuất hiện ngày càng nhiều bởi nhu cầu bảo vệ bản thân của phụ nữ xứ Chùa vàng ngày càng tăng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn