Phụ nữ tham gia kinh tế - khoản đầu tư đáng giá

20:31 | 01/02/2019;
Giữa bất đồng sâu sắc giữa 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa của nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ, người ta đã tìm được tiếng nói hợp tác: Đó là trao quyền cho phụ nữ tham gia thúc đẩy kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký Đạo luật Khởi nghiệp và Trao quyền Kinh tế cho Phụ nữ (WEEE). Đây là một nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy cơ hội cho nữ doanh nhân trên toàn thế giới.

ivanka-trump-bill-700x366.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành luật với sự chứng kiến của con gái Ivanka Trump. Nguồn ảnh: Instagram

 

Vào thời điểm mà những bất đồng trong đường lối phát triển giữa 2 đảng ở Mỹ đang diễn ra sâu sắc với việc Chính phủ Mỹ đóng cửa lâu kỷ lục, các nhà lãnh đạo ở cả 2 đảng đã tìm thấy tiếng nói chung: Sự tham gia kinh tế của phụ nữ là một khoản đầu tư đáng giá.

Theo Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, việc thu hẹp khoảng cách giới trong lực lượng lao động có thể  đóng góp thêm 28.000 tỷ USD vào GDP toàn cầu - gần bằng quy mô của nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc cộng lại.

Năm 2017, Ngân hàng thế giới đã ra mắt Sáng kiến Tài chính Doanh nhân nữ (We-Fi). Đây là một quỹ lớn nhất từng được huy động để hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn đầu tư. Cho đến nay, quỹ đã huy động được hơn 350 triệu USD. Năm ngoái, các quốc gia thuộc nhóm G7 đã cam kết huy động 3 tỷ đô la để đầu tư vào lực lượng nữ doanh nhân và lãnh đạo doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự tham gia sâu rộng hơn của phụ nữ vào lĩnh vực kinh tế.

Khu vực tư nhân cũng ghi nhận sự tham gia kinh tế của phụ nữ đã góp phần cải thiện lợi nhuận của họ. Các tập đoàn lớn của Mỹ như Walmart, Coca-Cola, Intel đều đang có các chiến lược khai thác nguồn lực từ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Phân tích gần đây chỉ ra rằng, các nước tiên tiến và đang phát triển sẽ có lợi nếu nữ giới tham gia lực lượng lao động với tỷ lệ bằng nam giới, làm việc cùng số giờ với nam giới. Những lợi ích từ sự tham gia kinh tế của nữ giới đã thúc đẩy 2 đảng tại Mỹ ban hành Đạo luật WEEE với mục tiêu tăng đầu tư vào các doanh nhân nữ trên toàn cầu.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng, muốn thu được lợi ích lớn từ việc này, vấn đề không đơn thuần là giúp doanh nhân tiếp cận nguồn vốn mà điều quan trọng hơn là phải giải phóng phụ nữ khỏi những phân biệt đối xử, gỡ bỏ những “điều luật gia đình” đang là rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ.

Ngày nay, hầu hết các nước trên thế giới vẫn còn có các luật pháp và chính sách phân biệt đối xử khiến phụ nữ khó khăn hơn khi ra ngoài làm việc. Chỉ số bình đẳng nơi làm việc của phụ nữ cho thấy: Hiện còn hơn 100 quốc gia hạn chế các công việc mà phụ nữ có thể tham gia, 75 quốc gia giới hạn quyền sở hữu của phụ nữ và 18 quốc gia yêu cầu phụ nữ phải có sự cho phép của chồng mới được làm việc bên ngoài. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng phải đối mặt với những hạn chế trong việc lấy hộ chiếu và thẻ công dân quốc gia, khiến cho họ khó khăn hơn khi mở tài khoản ngân hàng và đi lại tự do. Ngoài ra, quấy rối tình dục nơi làm việc cũng là một trong những rào cản lớn với phụ nữ khi tham gia kinh tế.

Theo các nhà phân tích, khi thực thi Đạo luật WEEE để trao quyền kinh tế cho phụ nữ cần sự chú ý đến các rào cản về pháp lý, cơ cấu và văn hóa nhiều hơn là sự đầu rư, hỗ trợ về vốn. Trên thực tế, những rào cản này không chỉ ảnh hưởng tới phụ nữ nói riêng mà là toàn bộ nền kinh tế. Cân bằng “sân chơi” cho phụ nữ tại nơi làm việc không chỉ là điều nên làm mà đó được xem là một cách quản lý kinh tế thông minh. Khi phụ nữ có thể thực hiện tiềm năng kinh tế của mình thì tất cả đều được hưởng lợi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn