Phụ nữ Thanh Hóa với khâu đột phá đẩy mạnh chuyển đổi số

12:29 | 08/06/2022;
Phụ nữ Thanh Hóa "nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận chính quyền số, kinh tế số, xã hội số" là khâu đột phá số 1 được xác định tại Nghị quyết nhiệm kỳ 2021 - 2026 của Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá.

Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, từ cuối năm 2021 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt Hội LHPN các cấp triển khai, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành, giải quyết công việc và thực hiện có hiệu quả các chương trình trọng tâm công tác Hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tại cơ quan Hội LHPN tỉnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ ứng dụng CNTT được đầu tư, nâng cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu làm việc trên môi trường mạng. Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng Đề án "Triển khai hệ thống phần mềm hồ sơ công việc, điều hành tác nghiệp trong hệ thống mặt trận các cấp, kết nối với các cơ quan Đảng và cơ quan chính quyền nhằm tạo sự thuận tiện trong việc trao đổi thông tin, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành"; đồng thời tổ chức 5 lớp tập huấn phần mềm quản lý cán bộ, hội viên và phần mềm báo cáo tổng hợp thống kê; Cổng thông tin điện tử Hội LHPN Thanh Hóa thường xuyên được cập nhật, đăng tải hoạt động của các cấp Hội phụ nữ Thanh Hóa, TƯ Hội LHPN Việt Nam và tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của tỉnh, của đất nước. 

Các văn bản đến, văn bản đi đều được xử lý, cập nhật lên hệ thống phần mềm quản lý văn bản VNPT-iOffice phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện, khai thác văn bản của các ban chuyên môn, cán bộ công chức trong cơ quan; đồng thời tuân thủ các quy định về an toàn, an ninh và bảo mật thông tin trong quá trình sử dụng phần mềm quản lý văn bản theo các quy định của Nhà nước và thực hiện nghiêm túc các quy định của cơ quan trong việc sử dụng văn bản điện tử trong công việc.

Từ nhu cầu thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, nhiều năm nay, các cấp Hội Phụ nữ cơ sở trong tỉnh đã từng bước ứng dụng CNTT nhưng chưa thực sự đồng đều và còn nhiều hạn chế. Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, đều xác định rõ khâu đột phá là "Hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực, ứng dụng CNTT, tiếp cận chính quyền số, kinh tế số, xã hội số" nhằm nâng cao năng lực hoạt động Hội và tạo nhiều cơ hội cho cán bộ, hội viên, phụ nữ tiếp cận CNTT trên các lĩnh vực.

Bám sát chỉ đạo Hội cấp trên và thực tiễn công việc, các cấp Hội đã linh hoạt, sáng tạo ứng dụng CNTT vào thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả. Đặc biệt, năm 2021, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ hội viên tham gia thi trực tuyến Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc và có 3 thí sinh đoạt giải; hỗ trợ hội viên tham gia lớp tập huấn "Thương mại điện tử và livestream bán hàng", Cuộc thi "Livestream IDOL" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức... Các hoạt động này đã giúp cho cán bộ, hội viên, phụ nữ kịp thời thích ứng với công nghệ thời đại mới trong giải quyết công việc và tự tin khởi nghiệp, tìm kiếm cơ hội kết nối, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp thành công…

Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ số cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phụ nữ dễ bị lừa đảo, quấy rối, xâm hại, lợi dụng... Vì vậy, việc nâng cao kỹ năng số cho phụ nữ là rất quan trọng và thực hiện thường xuyên, lâu dài nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng CNTT, chọn lọc thông tin để tăng cơ hội và hạn chế những rủi ro do chuyển đổi số mang lại, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn