Phụ nữ tiên phong trong bảo vệ nguồn nước và quản lý rác thải

09:21 | 27/10/2022;
Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước. Nhiều công việc hàng ngày của phụ nữ có tác động trực tiếp đến việc quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. Tại cộng đồng, phụ nữ luôn tiên phong trong công tác phân loại rác thải, thu gom rác thải và làm sạch ở các con sông, suối, ao hồ địa phương.

Phát huy vai trò của phụ nữ 

Theo bà Đặng Thuỳ Trang - Phó Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng (CECR), từ các công việc cụ thể như nấu ăn, chăm sóc gia đình, giặt giũ tại hộ gia đình, phụ nữ vô hình chung đã tham gia trực tiếp vào việc bảo vệ nguồn nước và quản lý rác thải.

Tại cộng đồng, phụ nữ luôn tiên phong trong công tác phân loại rác thải, thu gom rác thải và làm sạch ở các con sông, suối, ao hồ địa phương. Phụ nữ tham gia rất tích cực và có nhiều đóng góp nhiều hoạt động trong quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước tại cộng đồng. Điều này có ý nghĩa góp phần giảm thiểu và hạn chế các nguồn gây ô nhiễm nước tại khu vực, đóng góp cho bảo vệ môi trường và giám sát các mục tiêu phát triển bền vững.  

Phụ nữ luôn đi tiên phong trong bảo vệ nguồn nước và quản lý rác thải - Ảnh 1.

Hội viên Khu dân cư Thành Vinh 4 - phường Thọ Quang - Sơn Trà - TP Đà Nẵng thực hiện phân loại rác thải tái chế tại nhà

Trong lĩnh vực quản lý rác thải, phụ nữ tại hộ gia đình và cộng đồng đã tiên phong trong việc phân loại và tái sử dụng tái chế rác thải. Bằng việc chuyển rác thải hữu cơ thành phân compost, bằng việc phân loại các rác thải nhựa và rác tái chế để chuyển cho các công ty tái chế, tức là các loại rác này không ra được bãi chôn lấp, họ đã đóng góp trực tiếp vào giảm thiểu khí nhà kính từ bãi chôn lấp.

Dẫn chứng từ các hoạt động của Trung tâm CECR, bà Đặng Thùy Trang cho biết, các nhà khoa học nữ đã xây dựng tính toán, mỗi hộ gia đình thực hiện phân loại, đóng góp giảm 73,34kg CO2 tương đương.

Ở nông thôn, việc xây dựng các hầm khí biogas từ phân chuồng, giúp chị em có thêm khí gas để đun nước sôi, sưởi ấm, nấu bếp đã giúp giảm khí CH4, đồng thời nâng cao sức khỏe của phụ nữ, trẻ em, người già và cả vật nuôi, giảm thiểu bệnh tật. Bên cạnh đó, phần lớn các dự án, chương trình liên quan đến quản lý rác thải như 3R, phân loại rác tại nguồn, 5 không 3 sạch, hay giảm thiểu rác thải nhựa, đều do Hội phụ nữ các cấp khởi xướng và chỉ đạo thực hiện.

Hội viên, phụ nữ là những người lan tỏa, hướng dẫn việc thực hiện tại cộng đồng, trường học, cơ quan và gia đình. Với hơn 19 triệu hội viên trên cả nước, trong đó có hơn 105.000 cán bộ Hội từ trung ương đến cấp thôn, bản, Hội LHPN chính là tác nhân quan trọng cho việc nâng cao vị thế và năng lực của phụ nữ trong những nỗ lực giảm thiểu rác thải, đặc biệt là chất thải sinh hoạt.

Phụ nữ có vai trò khởi xướng, cam kết và tận tâm thực hiện ở các cấp, từ Hội phụ nữ đến hộ gia đình trong các dự án phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn, kết hợp với công việc của những người phụ nữ hoạt động trong khu vực không chính thức, đã góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu mức tiêu thụ, tăng cường thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt. Nhờ đó thu hồi được lượng lớn rác tài nguyên để tái chế, tái sử dụng, làm giảm đáng kể lượng rác và chi phí thu gom, xử lý rác thải, giảm áp lực cho các bãi chôn lấp, cơ sở xử lý rác và công tác bảo vệ môi trường.

Phụ nữ luôn đi tiên phong trong bảo vệ nguồn nước và quản lý rác thải - Ảnh 2.

Các hộ gia đình sau khi được nâng cao nhận thức tích cực thực hiện phân loại rác thải tài nguyên tại nguồn

Bà Đặng Thùy Trang cũng dẫn chứng, dự án "Vì một đại dương không nhựa" do CECR phối hợp với Hội LHPN Đà Nẵng thực hiện tập trung vào việc giảm sử dụng túi nylon và phân loại rác tại nguồn. Kết quả thực hiện cho thấy mỗi tháng 1 hộ gia đình tại Đà Nẵng có thể thu gom từ 2-3 kg rác để tái chế và 17 kg rác hữu cơ để ủ phân bón.

Với 600 hộ tham gia dự án, hàng tháng 1.600 kg rác đã được thu gom, phân loại cho mục đích tái chế, tái sử dụng (rác tài nguyên). Mỗi ngày, một người thu gom ve chai có thể thu bình quân khoảng 30 kg rác tài nguyên. Như vậy, với số lượng 300 người làm nghề ve chai trên địa bàn thành phố có thể thu gom, phân loại khoảng hơn 250 tấn rác tài nguyên/tháng.

Còn nhiều thách thức

Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR), phụ nữ có mối quan tâm rất đặc biệt về sinh kế và các vấn đề môi trường như nước uống, ô nhiễm các dòng sông, đồng ruộng, ô nhiễm không khí và những tác động của ô nhiễm đến sức khỏe của họ và các thành viên khác trong gia đình.

Tuy nhiên, trên thực tế phụ nữ lại chưa được tham vấn ý kiến trong quá trình xây dựng kế hoạch quản lý nước hay các chương trình cải thiện chất lượng không khí. Bên cạnh đó, vai trò của phụ nữ còn tương đối mờ nhạt và chưa được cụ thể trong các văn bản chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường. Việc phụ nữ có tham gia các dự án quản trị nước còn khá mới mẻ và chiếm tỷ lệ thấp (dưới 10% người tham gia quản trị nguồn nước là phụ nữ). Một trong những nguyên nhân chính một phần định do kiến giới còn hiện hữu trong văn hoá của Việt Nam.

Trong lĩnh vực quản lý rác thải, các chị em thu gom phế liệu là lực lượng thu gom đông đảo ở Việt Nam, tuy nhiên họ phải đối mặt với sự không công nhận của xã hội, bị phân biệt đối xử. Họ tiếp cận hạn chế với bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và đang phải làm việc hơn 8 giờ/ngày trong điều kiện lao động còn nhiều khó khăn, không có công cụ bảo hộ nên mức độ phơi nhiễm bệnh tật cao như bệnh khớp, sốt xuất huyết, viêm phổi, viêm phế quản và các bệnh về da…

Theo bà Đặng Thùy Trang, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, Hội LHPN cần xây dựng thêm các chương trình tăng cường năng lực về kỹ thuật cho các tổ chức phụ nữ, phụ nữ cộng đồng, nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số về bảo vệ môi trường bền vững. Khuyến khích và thúc đẩy các sáng kiến do phụ nữ khởi xướng hoặc phụ nữ làm chủ, tạo cơ hội để phụ nữ tiếp cận được các nguồn lực tài chính, trao quyền năng về kinh tế cho phụ nữ ở các vùng, ngành nghề dễ bị tổn thương trong công tác bảo vệ môi trường. Tìm kiếm và chia sẻ các chương trình, nguồn lực tài chính tới các đơn vị cơ sở, tổ chức cộng đồng, thành viên mạng lưới để lan toả các sáng kiến về bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu rác thải sử dụng rác thải nhựa, rác thải sử dụng một lần do phụ nữ khởi xướng.

"Đặc biệt, cần thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ, công nhận đóng góp của các chị em phụ nữ phi chính thức trong công tác bảo vệ môi trường sẽ là một trong những nội dung quan trọng để giảm thiểu bất bình đẳng giới", bà Đặng Thùy Trang nhấn mạnh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn