Phụ nữ tìm đến đâu khi bị chồng đánh?

07:12 | 04/08/2017;
Trong nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình có khoảng 58,3% phụ nữ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình, 83,78% số vụ ly hôn đã giải quyết có nguyên nhân xuất phát từ bạo lực gia đình.

Đó là con số báo động được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm mô hình phòng, chống bạo lực gia đình do Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại TPHCM, vào ngày 3/8.

a3.jpg
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm mô hình phòng, chống bạo lực gia đình 

Hội thảo đã thu hút sự tham gia đông đảo của đại diện lãnh đạo và Trưởng Ban Gia đình - Xã hội Hội LHPN; Ban Chủ nhiệm CLB phòng, chống bạo lực gia đình; địa chỉ tin cậy và tổ tư vấn hòa giải tại cộng đồng đến từ 12 tỉnh, thành phố  trên cả nước. Tại đây, các đại biểu về tham dự đã cùng nhau chia sẻ về những mô hình tiêu biểu, cách làm hay trong phòng, chống bạo lực gia đình.

a11.jpgBà Nguyễn Thị Tuyết Mai, UVĐCT, Trưởng Ban Gia đình – Xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo 

Theo báo cáo, Luật phòng chống bạo lực gia đình đã được Quốc Hội ban hành và có hiệu lực từ năm 2008 đánh dấu bước tiến quan trọng về xây dựng luật pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Mặc dù vậy, bạo lực gia đình vẫn diễn ra không phân biệt vùng miền, tầng lớp. Trong đó, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Trong nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình có khoảng 58,3% phụ nữ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình, 83,78% số vụ ly hôn đã giải quyết có nguyên nhân xuất phát từ bạo lực gia đình.    

a4.jpg
Lớp tập huấn bằng hình thức sân khấu hóa của tỉnh Hải Dương 

Các đại biểu đã nêu lên thực trạng cụ thể ở địa phương mình và chỉ rõ nguyên nhân khiến tình trạng bạo hành gia đình không được dứt điểm. Một trong những nguyên nhân đó là người phụ nữ thường chọn cách im lặng, không dám lên tiếng tố cáo hành vị khi bị bạo lực gia đình, không chủ động tìm sự trợ giúp từ các cơ quan chức năng. Bản thân của chính chị em phụ nữ không nắm rõ các quyền của mình để được tôn trọng.

a5.jpgĐại diện một địa chỉ tin cậy chia sẻ về kinh nghiệm hòa giải

Bà Võ Ái Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre, cho rằng: “Chúng ta không hy vọng sẽ chấm dứt hoàn toàn bạo lực gia đình nhưng chúng ta phải cố gắng để giảm thiểu các hành động xúc phạm nhân phẩm, thân thể của phụ nữ và trẻ em. Chị em là nạn nhân của bạo lực gia đình, đừng ngần ngại nhờ đến sự giúp đỡ của cộng đồng, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội. Không nên cam chịu trở thành nô lệ trong chính gia đình mình. Mô hình địa chỉ tin cậy, nhóm liên gia, điểm trợ giúp pháp lý là những địa  chỉ đáng tin cậy để các nạn nhân tìm đến, chia sẻ, giúp đỡ”.  

a6.jpg
Bà Nguyễn Bích Thủy, địa chỉ tin cậy tại quận Gò Vấp, TPHCM chia sẻ kinh nghiệm làm công tác hòa giải  

Từ thực tế đó, những năm qua, các cấp Hội đã có nhiều nỗ lực, cụ thể hóa công tác chống bạo lực gia đình bằng nhiều mô hình, phong trào thiết thực. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, hỗ trợ phòng chống bạo lực gia đình tại cộng đồng được các cấp Hội thực hiện với nhiều hoạt động, hình thức phong phú, thông qua các mô hình sáng tạo ở cơ sở, nổi bật là mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, tổ tư vấn cộng đồng, nhà tạm lánh.

Bà Trần Thị Thu Huyền, trưởng Ban Chính sách – Pháp Luật Hội LHPN TP Đà Nẵng, chia sẻ: “Địa chỉ tin cậy đã trở thành nơi hòa giải bất hòa, là chỗ dựa tinh thần cho các mâu thuẫn nhỏ trong gia đình hay cộng đồng dân cư. Nhờ sự khéo léo, mềm mỏng của những thành viên phụ trách, nhiều gia đình đã hạnh phúc trở lại”.

Đến nay, trên cả nước có hơn 30.920 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Trong đó, số cơ sở xếp loại xuất sắc có mô hình địa chỉ tin cậy chiếm 65,9%; số địa chỉ tin cậy do Hội phụ nữ/cán bộ hội quản lý chiếm 73,17%; đã có 27.856 vụ việc và 42.239 người được tư vấn, hỗ trợ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn