Phụ nữ, trẻ em cần không gian an toàn trong chính gia đình mình

15:41 | 28/06/2019;
“Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc” - điều tưởng chừng như giản dị ấy nhưng không phải ai cũng có được. Bởi ở nhiều nơi, trong nhiều gia đình, chúng ta vẫn đang phải mải miết đi tìm một không gian an toàn, đầm ấm cho phụ nữ, trẻ em...

Đối với chị Đinh Thị H. (SN 1988, trú tại Trung Sơn, Tam Điệp, Ninh Bình), Ngày Gia đình Việt Nam chỉ là những gì chị được biết qua tivi, qua báo đài. Bởi cuộc sống hàng ngày của chị ở nơi mà người ta vẫn gọi là “gia đình” ấy chưa một lần được hưởng cảm giác an toàn, êm ấm. Lấy chồng, có mái ấm riêng, cũng như bao người phụ nữ khác, chị H. mong muốn và vun đắp cho mình một nơi để về, nơi để yêu thương. Thế nhưng, người chồng vũ phu Bùi Văn Tỏa (SN 1988) đã dập tan giấc mơ bình dị đó của chị.

 

Ảnh minh hoạ

 

Khi được người dân đưa đến bệnh viện để cấp cứu, trong người chị H. vẫn còn nguyên lá đơn xin ly hôn viết chưa ráo mực. Lá đơn chính là cánh cửa đưa chị thoát khỏi cuộc sống “địa ngục” với người chồng vũ phu. Thế nhưng, chị chưa kịp giải thoát cho mình thì tai họa đã ập xuống. Lá đơn ấy mãi mãi không được gửi đến nơi cần gửi, bởi trong đêm 25/6 vừa qua, Bùi Văn Tỏa đã tước đoạt tính mạng của vợ bằng những nhát đâm oan nghiệt.

 

Bi kịch mà những phụ nữ như chị H. gặp phải không hiếm trong cuộc sống gia đình hiện nay. Bởi theo số liệu thống kê từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra khoảng hơn 31.500 vụ bạo lực gia đình, với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

 

Theo số liệu thống kê mới đây, mức độ, cấp độ các vụ bạo lực gia đình ngày càng gia tăng. Bình quân mỗi ngày có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của bạo lực gia đình. Cứ 2-3 ngày lại có 1 vụ án mạng liên quan đến bạo lực gia đình.

 

Có thể thấy, chưa bao giờ tình trạng bạo lực gia đình lại diễn ra với mức độ báo động như hiện nay. Đối tượng gánh hậu quả đa phần là phụ nữ, trẻ em và người già. Bạo lực diễn ra ở cả phương diện tinh thần lẫn thể xác của nạn nhân. Nhẹ thì mắng chửi, đuổi ra khỏi nhà, hành hạ tinh thần, nặng thì có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân.

 

Trước thực trạng đáng báo động ấy, vừa qua, Hội LHPN Việt Nam phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em - khuyến nghị chính sách”. Đặc biệt, Hội thảo đã dành riêng một phiên thảo luận về “Không gian an toàn cho phụ nữ, trẻ em trong gia đình”. Đã có rất nhiều ý kiến, tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia xung quanh vấn đề: Làm thế nào để có một không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em?

 

Các ý kiến chỉ ra rằng, bạo lực là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự tổn thương nghiêm trọng đối với phụ nữ, đặc biệt là bạo lực gia đình. Các nghiên cứu về bạo lực đối với phụ nữ cho thấy, người phụ nữ phải gánh chịu rất nhiều hậu quả khi bạo lực xảy ra, ngoài sự tổn thương, bị bạo hành về mặt thể chất, người phụ nữ còn phải gánh chịu nỗi đau về tinh thần do chính người thân của mình gây ra.

 

Các đại biểu thảo luận về vấn đề “Không gian an toàn cho phụ nữ, trẻ em trong gia đình” tại Hội thảo do Hội LHPN Việt Nam phối hợp cùng Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức

 

Luật sư Lê Thị Ngân Giang cho rằng, bạo lực gia đình thời nào cũng có nhưng lẽ ra từ khi có Luật Phòng chống bạo lực gia đình thì bạo lực gia đình phải giảm xuống. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, tình trạng bạo lực gia đình đang gia tăng, ở nhiều trường hợp gia đình lại chính là nơi nguy hiểm đối với phụ nữ.

 

Nữ luật sư này lấy ví dụ, thời gian gần đây rất đau xót khi phải đọc thông tin về những người phụ nữ ôm con tự tử, nhảy cầu, uống thuốc độc tự vẫn. Phải rơi vào bi kịch, cùng quẫn thì phụ nữ mới hành động như vậy. “Nói gì thì nói, sự hỗ trợ của xã hội đối với phụ nữ trong vấn đề bạo lực gia đình là chưa tốt”, luật sư Ngân Giang nhìn nhận.

 

Từ đó, luật sư Lê Thị Ngân Giang kiến nghị, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, có biện pháp cấm tiếp xúc giữa vợ và chồng. “Rất nhiều phụ nữ bị giết trước và trong giai đoạn ly hôn. Vì thế, cần phải có biện pháp cấm tiếp xúc giữa người đàn ông với phụ nữ trong giai đoạn này và phải có lực lượng giám sát việc đó. Nếu thực hiện được thì sẽ hạn chế những bi kịch như vừa qua”, luật sư Ngân Giang đề xuất.

 

Theo Thạc sĩ Lương Thị Thu Trang (Viện thông tin Khoa học xã hội) một trong những nguyên nhân sâu xa của tình trạng bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam là do nhận thức sai lệch, chưa hợp lý về bình đẳng giới. Nhân tố văn hóa truyền thống nông nghiệp, chịu ảnh hưởng của Nho giáo... có ảnh hưởng đến điều này.

 

Ảnh minh hoạ

 

Quan niệm mới về cơ hội và quyền bình đẳng cho nữ giới cùng với việc phát huy các khả năng, năng lực của nữ giới trong đóng góp cho đời sống xã hội và trong thụ hưởng kết quả của sự phát triển... cần phải được truyền thông mạnh mẽ để đến với từng người. Việc khắc phục sự bất bình đẳng giới cùng với việc tôn trọng những khác biệt giới tính trong lao động và quan hệ xã hội... cũng cần phải được can thiệp chi tiết hơn, sâu sắc hơn ở tầm chính sách, luật pháp, chứ không chỉ trong phạm vi nhận thức.

 

Hiện vẫn còn quá nhiều phụ nữ, trẻ em Việt Nam phải chịu bạo lực gia đình và chung sống với những tác động tiêu cực của bạo lực gia đình. Để phụ nữ và trẻ em được sống và làm việc, học tập trong không gian an toàn, lành mạnh thì bạo lực gia đình cần phải bị đẩy lùi, ngăn chặn và chấm dứt, để gia đình trở về đúng nghĩa là không gian an toàn nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người. Nếu các môi trường khác không đủ an toàn cho phụ nữ và trẻ em thì còn nơi nào khác ngoài gia đình có thể đảm nhận chức năng là “không gian an toàn”, là nơi trú ẩn cuối cùng của phụ nữ và trẻ em?

“Quan niệm mới về cơ hội và quyền bình đẳng cho nữ giới cùng với việc phát huy các khả năng, năng lực của nữ giới trong đóng góp cho đời sống xã hội và trong thụ hưởng kết quả của sự phát triển... cần phải được truyền thông mạnh mẽ để đến với từng người”, Thạc sĩ Lương Thị Thu Trang (Viện thông tin Khoa học xã hội)

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn