Phụ nữ trẻ tại Hàn Quốc đối mặt với nghịch lý "gầy mà vẫn béo"

14:26 | 12/07/2024;
Một báo cáo thống kê cho thấy, hơn 15% phụ nữ Hàn Quốc ở độ tuổi 20 có thân hình rất mảnh mai nhưng lại có lượng mỡ cao và lượng cơ thấp, thường được gọi là “skinny fat”.

"Skinny fat" là một thuật ngữ dùng để mô tả những người trông có vẻ gầy nhưng lại có lượng mỡ trong cơ thể cao, trong khi lượng cơ lại thấp. Nó thường được nhắc đến với hàm ý tiêu cực để chỉ một người không khỏe mạnh. Báo cáo này còn cho biết, Hàn Quốc có tỷ lệ phụ nữ "thừa mỡ thể gầy" ở độ tuổi 20 cao nhất trong số 17 quốc gia được khảo sát.

Theo InBody, nhà sản xuất máy phân tích thành phần cơ thể của Hàn Quốc, một người được coi là "skinny fat" khi họ có trọng lượng cơ thể thấp nhưng lại có tỷ lệ mỡ trong cơ thể cao, trong khi khối lượng cơ bắp thấp.

Một dữ liệu được thu thập từ tháng 1/2018 đến tháng 12/2022 cho thấy 15,8% phụ nữ Hàn Quốc ở độ tuổi 20 thuộc nhóm này. Trong khi đó tại Mỹ, chỉ có 2,1% phụ nữ ở cùng nhóm nhân khẩu học này được phân loại là "thừa mỡ dạng gầy". Con số này ở Canada và Anh lần lượt là 4,8% và 5,3%.

Tại Hàn Quốc, tiêu chuẩn sắc đẹp của phụ nữ hướng tới một hình ảnh lý tưởng là mặt nhỏ, cằm chữ V, da trắng, mũi nhỏ, môi đầy đặn và thân hình mảnh mai. 

Những tiêu chuẩn này hướng tới một dáng vẻ mảnh mai nhưng yếu ớt hơn là một vẻ đẹp khỏe mạnh, khiến cho nhiều thiếu nữ Hàn Quốc đang lao vào các chế độ ăn kiêng hà khắc mà không đi kèm với các bài tập rèn luyện sức khỏe. 

Những kiểu ăn kiêng như vậy có thể dẫn đến mất cơ, làm giảm tốc độ trao đổi chất cơ bản hoặc giảm lượng calo bị đốt cháy, khiến về lâu dài bạn sẽ dễ dàng tăng cân hơn.

Phụ nữ trẻ tại Hàn Quốc đối mặt với nghịch lý "gầy mà vẫn béo"- Ảnh 1.

Phụ nữ Hàn Quốc và áp lực về một thân hình mảnh mai. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Mặc dù có vẻ ngoài trông cân đối nhưng những người "skinny fat" vẫn có nguy cơ mắc những bệnh tương tự như người béo phì bởi hàm lượng chất béo quá mức trong cơ thể của họ. Cụ thể như bệnh đái tháo đường, đột quỵ và bệnh tim mạch. Ngoài ra, người "skinny fat" cũng có thể xuất hiện một số triệu chứng rủi ro, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về chuyển hóa.

Bên cạnh việc chỉ ra những áp lực về việc phải gầy, đặc biệt đối với phụ nữ trẻ ở Hàn Quốc, báo cáo này còn cho biết, các chuẩn mực xã hội hiện tại cũng góp phần thúc đẩy thói quen ăn kiêng không lành mạnh ở giới trẻ.

Đây cũng là tình trạng phổ biến ở các quốc gia châu Á khác. Sau Hàn Quốc, trong số 17 quốc gia được đưa vào nghiên cứu, tỷ lệ những người thuộc thể trạng "skinny fat" lần lượt là Thái Lan (15,2%), Malaysia (14,2%), Nhật Bản (12,4%) và Trung Quốc (12,1%). 

Báo cáo cũng cho thấy những hạn chế của việc áp dụng các chỉ số khối cơ thể để đánh giá trình trạng sức khỏe, bởi ngay cả những người có chỉ số BMI bình thường cũng có thể bị xếp vào nhóm "thừa mỡ thể gầy" và không đạt tiêu chuẩn về sức khỏe. 

Bởi nếu chất béo tích tụ xung quanh các cơ quan nội tạng của con người, nó có thể làm tăng nguy cơ các bệnh như tiểu đường và tăng huyết áp.

Tuy nhiên, trong một xã hội như Hàn Quốc hiện tại vẫn đánh giá con người, đặc biệt là phụ nữ, qua các tiêu chuẩn cân nặng, thì việc giảm cân bất chấp các cảnh báo về sức khỏe vẫn được ưa chuộng. 

Annabelle Lee sinh năm 2000, thuộc thế hệ Gen Z. Là một người Mỹ gốc Hàn, cô có điều kiện được tiếp xúc với tiêu chuẩn sắc đẹp của cả Mỹ và Hàn Quốc. Khi được hỏi tiêu chuẩn sắc đẹp của quốc gia nào phi thực tế hơn, cô cho biết: "Cả hai đều khá phi thực tế, theo cách riêng của mình. 

Ở Hàn Quốc, tôi nghĩ tiêu chuẩn sắc đẹp chủ yếu dựa vào cân nặng. Thậm chí cân nặng và chiều cao lý tưởng sẽ là 45kg và 1m65, điều này rất phi thực tế với hầu hết phụ nữ. Ở Mỹ, cân nặng không phải là điều quan trọng. 

Tiêu chuẩn sắc đẹp thường tập trung vào một số đặc điểm nhất định như đôi môi dày và mọng, cặp mông trông thật tuyệt vời khi mặc quần legging".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn