"Việt Nam hùng cường năm 2045 có trách nhiệm lớn của thế hệ trẻ!"
PV: Ông có thể chia sẻ những điều mình tâm đắc trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng dưới góc nhìn thanh niên?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Dưới góc nhìn thanh niên, tôi tâm đắc ba điểm. Thứ nhất là văn kiện đã khái quát được mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 của đất nước. Đây là một cách nhìn rất xa để từ mục tiêu, khát vọng ấy, chúng ta sẽ đề ra được lộ trình, giải pháp cụ thể tiến tới xây dựng một Việt Nam hùng cường vào năm 2045. Và chúng tôi cũng nhìn thấy trong khát vọng, mục tiêu ấy có một trách nhiệm rất lớn của thế hệ trẻ hôm nay cũng như thế hệ trẻ sau 10, 15 năm nữa.
Điểm thứ 2, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đưa nội dung "dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em - thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước". Đây là quan điểm tuy không mới của Đảng nhưng lần đầu tiên được đưa vào văn kiện Đại hội. Trẻ em ngày hôm nay chính là những thanh niên của năm 2030 chính là những trung niên của năm 2045. Chính các bạn sẽ là những người cụ thể hoá và hiện thực hoá mục tiêu năm 2030 và khát vọng năm 2045 của đất nước. Chính vì vậy nên chăm lo cho trẻ em từ ngày hôm nay cũng chính là chăm lo cho nguồn lực tương lai của đất nước.
Điểm thứ ba mà tôi tâm đắc, đó là BCH Trung ương tiếp tục đặt ra 3 điểm đột phá, trong đó là coi văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội. Đây sẽ là động lực quan trọng để phát huy truyền thống của dân tộc, giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam để đóng góp vào sự phồn thịnh của đất nước.
Vì suy cho cùng, con người vừa là chủ thể, vừa là trung tâm nhưng cũng là đối tượng thụ hưởng của tất cả các quá trình phát triển. Và khi chúng ta đặt văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội thì chúng ta sẽ có điều kiện phát huy và khơi gợi đầy đủ nhất những giá trị to lớn của dân tộc Việt Nam mà cha ông chúng ta trước đây đã từng giành thắng lợi trong quá trình đấu tranh bảo vệ dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
PV: Tới đây, Trung ương Đoàn sẽ có hành động cụ thể gì để khơi dậy khát vọng, ý chí xây dựng đất nước trong thế hệ thanh niên?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tôi cho rằng, để đất nước phát triển một cách cường thịnh, không thể thiếu những thế hệ doanh nhân có tầm có tâm, có khát vọng vươn lên ở tầm khu vực và thế giới. Ngay từ rất sớm, Trung ương ĐTNCSHCM đã xây dựng chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp với 5 nhóm giải pháp quan trọng, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời gian tới nhằm góp phần xây dựng một đội ngũ doanh nhân tương lai vươn tầm khu vực và thế giới.
Các nhóm giải pháp gồm cổ vũ, tuyên truyền động viên để khơi gợi khát vọng vươn lên của thanh niên Việt Nam, đặc biệt là khát vọng lập nghiệp, khởi nghiệp thông qua những gương doanh nhân trẻ tiêu biểu thành đạt, sản xuất kinh doanh giỏi…; đào tạo kiến thức, kỹ năng, phương pháp khởi nghiệp một cách đầy đủ cho thanh niên; hình thành các mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên, hỗ trợ vốn, kịp thời phát hiện, biểu dương, tôn vinh những tấm gương điển hình tiên tiến trong các hoạt động khởi nghiệp theo từng chặng thông qua các giải thưởng như Sao Đỏ, Sao vàng, Đất Việt, Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc, Doanh nhân ASEAN xuất sắc…
PV: Với mục tiêu năm 2030 và 2045, dưới góc nhìn là người phụ trách công tác ĐTNCSHCM, theo ông hình ảnh của người thanh niên giai đoạn đó sẽ có những phẩm chất, đức tính mới nào so với hiện nay?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tôi cho rằng là đất nước dù có thay đổi thế nào thì thanh niên Việt Nam trước hết vẫn là con người Việt Nam. Phẩm chất và yếu tố đầu tiên phải là yêu nước, yêu chế độ chủ nghĩa xã hội. Thứ hai là các bạn phải có khát vọng vươn lên mạnh mẽ để chúng ta giữ vững được vị thế và uy tín. Còn nếu chúng ta dừng lại thì chúng ta sẽ bị tụt hậu. Đấy chính là khát vọng vươn lên.
Thứ ba là phải có một bản lĩnh vững vàng trong bối cảnh khó khăn của quá trình hội nhập, khi mà chúng ta có sự hoà trộn, có sự va đập với các nền văn hoá khác nhau để giữ vững được truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. Nhưng đồng thời cũng "hấp thu" được tinh hoa nhân loại để xây dựng con người Việt Nam hoàn thiện hơn, trở thành một công dân toàn cầu nhưng vẫn mang bản sắc rất riêng có của dân tộc Việt Nam.
Thứ tư, tôi cho rằng thanh niên cần phải sống có trách nhiệm, nhân hậu và yêu thương với cộng đồng, đồng loại của mình. Khi mà mình không có trách nhiệm với bản thân mình, không có trách nhiệm với người dân của mình, đồng bào Tổ quốc của mình thì chắc chắn không thể có trách nhiệm với thế giới để giữ vững được vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ba nhóm giải pháp cho nữ thanh niên, trẻ em gái
PV: Với nhóm nữ thanh niên và trẻ em gái, thời gian tới Trung ương Đoàn sẽ có chính sách, cơ chế đặc thù nào để hỗ trợ các bạn?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi đang bàn chương trình phối hợp với Bộ LĐTB&XH, Hội LHPNVN để quan tâm, chăm lo đến trẻ em gái và nữ thanh niên nhiều hơn. Trong đó tập trung vào 3 nội dung quan trọng.
Thứ nhất là giáo dục kiến thức tiền hôn nhân cho thanh niên, đặc biệt là các bạn nữ thanh niên để có đầy đủ kiến thức, phương pháp, kỹ năng làm vợ, làm mẹ trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Thứ hai là cần phải quan tâm đặc biệt đến trẻ em gái - đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị xâm hại. Khi mà các em bị tổn thương, bị xâm hại thì để lại những hệ luỵ rất lớn trong xã hội. Thứ ba là nhóm giải pháp để xây dựng gia đình trẻ ấm no, hạnh phúc và bình đẳng.
Đây là những cái giải pháp hết sức quan trọng để nâng cao chất lượng dân số, giúp phát triển trẻ em một cách bền vững để chính những chủ nhân tương lai của chúng ta sau 15, 20 năm nữa có được đầy đủ vóc dáng, thể lực, trí lực, kiến thức, kỹ năng, thực sự làm chủ một Việt Nam hùng cường trong tương lai.
PV: Đối với gia đình trẻ, đối tượng lứa tuổi thanh niên, đặc biệt là nữ, theo ông đang đối mặt với khó khăn nào cần giải quyết?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Theo tôi đó là sức ép từ công việc, cuộc sống, sự cổ hủ trong một bộ phận gia đình Việt Nam, các định kiến giới… Những thách thức ấy đặt lên vai phụ nữ trẻ nhiều khó khăn. Vì thế theo tôi trước hết cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn để người chồng phải gần gũi san sẻ với vợ sức ép ấy. Thứ hai, xã hội cần có cơ chế phương thức để kịp thời lên án hành vi, phong tục không còn phù hợp với phụ nữ hiện đại, định kiến giới với gia đình. Thứ ba, cần trang bị cho nữ thanh niên kiến thức, phương pháp cơ bản để bước vào đời sống hôn nhân làm vợ làm mẹ tốt nhất trong vai trò là người xây tổ ấm.
PV: Xin trân trọng cám ơn ông!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn