Vừa qua, Dự án The Human Library - mô hình “Thư viện Sách sống” đầu tiên tại Việt Nam đã tổ chức Triển lãm ảnh Những ngành nghề nhiều định kiến tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Buổi triển lãm diễn ra trong 3 ngày từ 20 – 22/7 đã thu hút nhiều lượt khách đến tham quan những bức ảnh đại diện cho các ngành nghề trong xã hội. Đặc biệt, tại chương trình triển lãm này, chúng tôi “bắt gặp” nhiều nữ gương mặt điển hình xuất hiện trong những bức ảnh chân thực, sống động trong công việc của họ.
Đó là nữ bác sỹ Hồ Kim Thanh, là nữ nhà báo Tống Lan Anh, Quả bóng vàng Việt Nam – cựu cầu thủ Nguyễn Thị Minh Nguyệt, nghệ sỹ Vũ Cát Tường…Họ đến từ những ngành nghề khác nhau nhưng có điểm chung là đam mê và nhiệt huyết. Với những ngành nghề vốn mang nhiều định kiến của xã hội, nếu họ thiếu đi đam mê có lẽ chúng ta sẽ không được thấy một nữ cầu thủ từng là nỗi khiếp sợ của nhiều đội bóng như Minh Nguyệt. “Em có tin không, nếu em vào thăm chỗ chị ở khi luyện tập thì mới thấy nó không phải là nơi dành cho người. Bọn chị ở dưới gầm của 1 sân vận động. Nó ẩm thấp, nhưng chị vẫn rất yêu bóng đá. Yêu lắm…”, cựu nữ cầu thủ Minh Nguyệt chia sẻ.
Triển làm ảnh Những ngành nghề nhiều định kiến là một trong các chuỗi sự kiện do Dự án The Human Library tổ chức. Chị Bùi Mai Thủy, Phụ trách đối ngoại, Trưởng ban truyền thông của Dự án này chia sẻ, Triển lãm ảnh về ngành nghề nhiều định kiến khai thác những câu chuyện, trải nghiệm đằng sau các khuôn mẫu định kiến về nhiều nhóm ngành nghề khác nhau. Sử dụng nhiếp ảnh làm phương tiện biểu đạt, triển lãm mong muốn người tham dự phần nào “thấy” được những bất cập trong việc đánh giá con người qua nghề nghiệp, điều mà đôi khi mang tính chất trừu tượng khiến người ta khó hình dung nếu không phải là được miêu tả bằng hình ảnh.
The Human Library là mô hình “Thư viện Sách sống” đầu tiên tại Việt Nam, nơi mỗi cuốn Sách là một con người chịu định kiến tham gia chia sẻ trực tiếp về cuộc sống của họ. Trong quá trình phát triển và hội nhập, bên cạnh những đổi mới về tư tưởng xã hội, tại Việt Nam vẫn còn tồn tại không ít những suy nghĩ bảo thủ về những người được coi là “khác biệt”, đi ngược lại quan điểm của số đông. Chính điều đó đã khiến họ bị kỳ thị, phân biệt và ngăn cản được sống là chính mình. Thông qua Thư viện Sách sống, bản ngã “khác biệt” của họ có cơ hội được cất tiếng và được đồng cảm, đồng thời, “số đông” chúng ta sẽ lắng nghe và thấu hiểu họ hơn để dần xóa bỏ những định kiến vẫn còn tồn tại.
Dự án The Human Library ra đời vào mùa xuân năm 2000 từ ý tưởng của Ronnie Abergel, Danni Abergel, Christoffer Erichsen và Asma Mouna từ Copenhagen, Đan Mạch. Hiện nay, dự án đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới, từ Phần Lan, Bỉ, Canada, cho đến Úc, Đài Loan, Bồ Đào Nha, và danh sách không chỉ dừng ở đó. Một nhóm nữ sinh Việt Nam đã đưa The Human Library về Việt Nam. Ở nước ta The Human Library là một dự án cộng đồng nhận được sự bảo trợ của đơn vị Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến và Phát triển Cộng đồng SCDI, bộ Lao động, thương binh và xã hội Việt Nam và được cấp phép bởi Human Library Đan Mạch.
|