Phụ nữ tuổi Dậu nổi tiếng: Người đưa ca trù Việt Nam ra thế giới

13:09 | 31/01/2017;
NSND Quách Thị Hồ là bậc thầy lớn nhất của nghệ thuật ca trù Việt Nam thế kỷ 20. Bà là người đầu tiên đưa ca trù của nước ta đến với quốc tế. Dù đã qua đời 15 năm nay nhưng dấu ấn của bà trong lĩnh vực này không phai mờ.

Hồng hồng tuyết tuyết

Mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi

Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì

Ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu…

Những ai dù chỉ một lần trong đời được nghe tiếng ca trù của bà đều không thể nào quên được người ca nương tài hoa đất Hà thành Quách Thị Hồ.

Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ sinh ngày 11/6 năm Kỷ Dậu (1909) tại làng Ngọc Bộ, huyện Văn Giang, tỉnh Hải Dương, trong một gia đình có truyền thống hát ca trù. Mẹ là bà Vương Thị Xuyến cũng là một người đàn hát hay nổi tiếng, từng đoạt giải Á nguyên trong một cuộc thi hát lớn ở Hải Dương thời đó. Vì vậy, bà Quách Thị Hồ được mẹ nghiêm khắc chỉ dạy nghệ thuật hát ca trù từ những ngày còn nhỏ.

1.jpg
 Chân dung Nghệ sĩ nhân dân, ca nương Quách Thị Hồ.

Lên 6 tuổi, bà bắt đầu được mẹ truyền dạy cho học đàn, học hát, gõ phách rồi theo mẹ và các dì đi hát. 8 tuổi, bà đã nổi tiếng hát hay trong giáo phường, 10 tuổi được giáo phường cho hát chính, 12 tuổi đi hát các nơi hội hè và đến năm 15 tuổi, tiếng hát của ca nương Quách Thị Hồ đã nổi tiếng khắp Hà Nội. Nhờ có giọng hát thiên phú tuyệt vời, ca nương ngay ở độ tuổi nhi đồng đã nhanh chóng thu hút sự mến mộ của người nghe.

Năm 1930, bà ra Hà Nội làm nghề đàn hát, một thời gian sau, bà làm chủ nhà hát Vạn Thái trên phố Bạch Mai. Từ đó, bà cùng một người bạn là bà Nguyễn Thị Phúc cùng trở thành những ca nương danh tiếng khắp Hà thành.

Sau Cách mạng tháng Tám rồi những năm chống Pháp, bà đã đem tiếng hát đến khắp các tỉnh thành Vĩnh Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên… Năm 1954, khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, bà về làm cộng tác viên cho chuyên mục Ngâm thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam cùng bà Nguyễn Thị Phúc. Tiếng hát, giọng ngâm của hai bà đã được phát trên sóng của Đài đến với hàng triệu công chúng.

b-quch-th-h-b-nguyn-th-phc-nm-1952.jpg
 Bà Quách Thị Hồ (trái) và người bạn Nguyễn Thị Phúc, cũng là một nghệ sĩ ca trù năm 1952.

Một thời gian dài sau đó, ở thập niên 1950-1960, nghệ thuật hát ca trù không còn chỗ đứng do bị coi là tàn dư của chế độ phong kiến. Những đào nương, kép đàn vì sinh kế nên lần lượt từ bỏ nghề, duy chỉ mình bà vẫn sống chết với nghề. Dũng cảm bước qua mọi định kiến của thời đại, chấp nhận sự coi thường của thói đời, bà quyết tâm giữ gìn tổ nghiệp. Bà từng nói: ‘Tôi sẵn sàng đeo biển trước ngực đi trên phố để nói tôi là người hát ca trù’.

Tiếng hát của nghệ sĩ Quách Thị Hồ có đầy đủ các cung bậc, cái nào cũng đạt tới đỉnh cao trong nghệ thuật hát ca trù. Đặc biệt, bà có một điểm mà rất ít nghệ sĩ hát ca trù có được, đó là trong cuộc sống của mình, bà đã giao thiệp và quen thân với rất nhiều nhà văn nghệ sĩ, vì thế sự cảm thụ ở bà về văn chương rất sâu sắc. Do vậy, trong những bài ca trù bà không những thể hiện được 100% kỹ thuật hát mà còn biểu hiện được cái tình của người nghệ sĩ đối với văn nhân.

Sau ngày thống nhất đất nước, tháng 4/1976, Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Việt Nam Đỗ Nhuận mời giáo sư Trần Văn Khê từ Pháp về Việt Nam để gặp gỡ các nghệ sĩ và trao đổi kinh nghiệm. Sau 27 năm xa quê hương, lần trở về này giáo sư Trần Văn Khê còn được Trung tâm nghiên cứu khoa học, Hội đồng quốc tế Âm nhạc, Viện nghiên cứu Âm nhạc ở Pháp (thuộc tổ chức UNESCO) giao nhiệm vụ gặp gỡ các nghệ nhân để ghi lại các bộ môn nghệ thuật mà từ lâu đã vắng mặt trên thị trường âm nhạc quốc tế.

Đó là lần đầu tiên giáo sư Trần Văn Khê gặp gỡ với bà Quách Thị Hồ và được trực tiếp nghe bà hát những làn điệu ca trù, còn trước đây, ông mới chỉ được nghe tiếng hát của bà qua các đĩa hát. Hôm đó, bà đã hát cho ông nghe những thể điệu Bắc phản, Nhịp ba cung bắc, Hát nói, Gửi thư…

Giáo sư Trần Văn Khê không thể ngờ mình có được cái duyên tri ngộ mà các nghệ nhân lần đầu gặp gỡ lại sẵn sàng trao cho ông những cái hay, cái đẹp của nghệ thuật ca trù mà họ đã phải học hỏi, sáng tạo trong cả một đời người.

ngh-s-nhn-dn-quch-th-h-vi-cc-ngh-nhn-tn-tui-lch-s-ca-tr-vit-nam.jpg
 Nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ với các nghệ nhân tên tuổi trong lịch sử ca trù Việt Nam.

Vài tuần sau cuộc gặp gỡ đó, giáo sư Trần Văn Khê xin phép ghi âm để làm đĩa cho UNESCO, ông gặp lại bà Quách Thị Hồ và các nghệ nhân ca trù hôm trước. Buổi ghi âm được thực hiện tại phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Từ đó, mỗi lần giáo sư Trần Văn Khê về nước, ông đều ghé thăm nghệ sĩ Quách Thị Hồ để chuyện trò và nghe bà hát một vài bài. Trong những buổi ông nói chuyện, giới thiệu với khách nước ngoài về nghệ thuật ca trù, bà luôn sẵn sàng hát minh họa cho những bài giảng của ông.

Vì mối giao tình của hai tâm hồn nghệ sĩ nên những cuốn băng ghi âm ông đem về Pháp đã được UNESCO in thành đĩa, một bản in danh dự có chữ ký của ông Jack Bornoff - Thư ký chấp hành của Hội đồng quốc tế Âm nhạc và ông Alain Danielou - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu âm nhạc theo phương pháp đối chiếu, dành tặng cho bà để cảm ơn người nghệ sĩ đã có công gìn giữ và phát huy một loại hình nghệ thuật truyền thống, vốn quý của nhân loại.

Có lẽ để cảm ơn tri ngộ, giáo sư Trần Văn Khê quyết định đích thân mang về nước tặng bà chứ không gửi đĩa qua đường bưu điện. Để tỏ lòng quý trọng, ông còn nhờ nhạc sĩ Đỗ Nhuận tổ chức buổi trao bản tặng đó cho bà tại trụ sở Hội.

Năm 1983, trong diễn đàn Âm nhạc châu Á do UNESCO, Hội đồng quốc tế Âm nhạc, Ủy ban quốc gia về Âm nhạc của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên tổ chức, giáo sư Trần Văn Khê cùng nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã đề nghị đưa bài Tỳ Bà hành do bà biểu diễn trình bày tại diễn đàn.

Tiết mục của bà được ban giám khảo tuyển lựa vào danh sách 9 tiết mục hay nhất và được in trong đĩa của nước Triều Tiên phát hành, kỷ niệm diễn đàn âm nhạc châu Á năm ấy. Bà được Hội đồng Quốc tế âm nhạc UNSECO trao tặng Bằng danh dự với những lời trang trọng: ‘Xin cảm ơn bà đã gìn giữ một di sản nghệ thuật truyền thống quý báu của Việt Nam, một vốn quý của nhân loại’.

Năm 1984, bà được mời tham gia bộ phim tư liệu 'Nghệ thuật ca trù' của đạo diễn Ngô Đặng Tuất. Bộ phim còn tập hợp được nhiều nghệ nhân ca trù khác như Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Hảo, Chu Văn Du, Đinh Khắc Ban, Phó Đình Kỳ…

ngh-s-nhn-dn-quch-th-h.jpg
 Bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1988.

Không chỉ mang tiếng hát nỗi lòng của người nghệ sĩ trước sự tồn vong của một môn nghệ thuật mà bà đã dành hết cuộc đời để cống hiến cho công chúng, bà còn luôn dành bao tâm huyết để truyền dạy lại nghệ thuật ca trù cho thế hệ cháu con với một niềm tin vững chắc rằng nghề ca trù sẽ còn mãi và phát triển rộng khắp.

Bà Quách Thị Hồ là nghệ sĩ ca trù được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ nhân dân năm 1988. Bà mất ngày 4/1/2001 mang theo nỗi tiếc thương của biết bao con tim từng ngập tràn xúc cảm theo nhịp phách, lời ca của người ca nương tài sắc đất Kinh Bắc. Các đây nhiều năm, nghệ sĩ Tào Mạt từng ca tụng người nghệ sĩ tài danh mà giọng hát sẽ còn lắng đọng mãi trong trái tim mọi người:

Bắc cách, Nam phong, cung dữ thương

Hà mô sáu tuổi sánh Thu Nương

Ca tàn hội vãn hương mai ngát

Bảy tám hồ cầm lại một chương.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn