Phụ nữ U50 cần làm những gì khi khởi nghiệp?

07:00 | 12/07/2021;
2 từ "khởi nghiệp" khi được nhắc đến khiến mọi người sẽ nghĩ đến các bạn trẻ, bởi giới trẻ với nội lực của tuổi thanh xuân, ý chí hừng hực chiến đấu...

Nhưng đối với phụ nữ ngấp nghé độ tuổi 50 hoặc trên 50, sẽ gặp nhiều trở ngại bởi nhiều lý do như: Sợ mọi người xung quanh nhìn vào họ và nghĩ "Tuổi này còn khởi nghiệp gì nữa?"; Hay một số chị em sau khi lập gia đình, dành nhiều thời gian vào việc chăm sóc gia đình, đến một ngày con cái đã lớn, họ không nhìn thấy điểm tựa vào tương lai nhưng lại không đủ bản lĩnh để bước tự lập - Chị Nancy Nguyễn - Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân NetViet International -phân tích.

Phụ nữ U50 có khởi nghiệp được không? - Ảnh 1.

Chị Nancy Nguyễn - Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân NetViet International

Trong năm 2020 – 2021 vừa qua, địa dịch Covid đã gây khủng hoảng kinh tế, dẫn đến nhiều doanh nghiệp đã phải giảm biên chế, số lượng chị em độ tuổi này bị mất việc làm rất nhiều dẫn đến mất cân đối về tài chính trong gia đình. Đây là một vấn đề khá khó khăn với những phụ nữ ở độ tuổi này, nhưng không gì là không thể, nếu chúng ta luôn cố gắng. 

Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân NetViet International chia sẻ thêm: "Dù cho khởi nghiệp với ý tưởng nhỏ hay lớn, chúng ta cũng sẽ thành công nếu thực hiện đúng quy trình để bắt tay thực hiện ý tưởng của bản thân".

Và đây là một số gợi ý nhỏ giúp phụ nữ U50 bắt đầu khởi nghiệp

Bước đầu tiên: Viết ý tưởng một cách chi tiết nhất có thể

Ý tưởng sẽ không có giá trị nếu như các chị không viết được nó ra, hoàn thiện và cố gắng bảo vệ hoàn chỉnh ý tưởng đó và hãy tự trả lời các câu hỏi sau:

- Y tưởng được hình thành vào thời điểm nào và dựa trên điều gì để hình thành ý tưởng đó?

- Ý tưởng đó cụ thể là gì, mục đích ý tưởng dành cho đối tượng nào?

- Cách vận hành ý tưởng đó như thế nào?

- Nếu thực hiện thì cần đầu tư những gì? Số vốn tối thiểu/ tối đa là bao nhiêu, Thời gian thu hồi vốn như thế nào...?

- Hệ thống nhân sự cho thực hiện ý tưởng đó như thế nào?

- Ý tưởng đó đưa nó ra thị trường tra sao, công cụ quảng cáo, PR – Marketing?

- Bản quyền ý tưởng cần những công đoạn gì (Đối với ý tưởng cần bảo vệ thương hiệu)?

Bước 2: Nghiên cứu kỹ sản phẩm

Trước khi nghiên cứu về sản phẩm/ thị trường sản phẩm, các chị phải có cuộc khảo sát thi trường về các sản phẩm nào tương tự như ý tưởng mà các chị muốn phát triển hay không. Nếu là ý tưởng mới chưa có đối thủ cạnh tranh, phải tính đến tính khả thi đối với người tiêu dùng, ảnh hưởng của ý tưởng đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người.

Một trong những lý do chính mà người khởi nghiệp thất bại là họ không nghĩ đến khách hàng của mình. Họ quá chú tâm vào việc xây dựng doanh nghiệp, mà xem nhẹ việc làm thế nào để doanh nghiệp nắm bắt được trào lưu của thị trường.

Để nghiên cứu thị trường, chị Nancy Nguyen đưa ra những lưu ý sau:

- Phân khúc thị trường nào quan tâm nhất đến sản phẩm này?

- Nghiên cứu kỹ các đối thủ cạnh tranh đã có các sản phẩm tương tự?

- Giá thành sản phẩm từ ý tưởng này có phù hợp và khả thi không?

- Tài chính, nguồn vốn và dòng tiền thực hiện ý tưởng?.

- Thời gian thu hồi vốn trong bao lâu? Giá trị mỗi lần thu hồi vốn?

Bước 3: Tạo thương hiệu cho sản phẩm (thông qua kiểu dáng, màu sắc..)

Sản phẩm mẫu cần tạo ra trước khi đăng ký tác quyền. Qua việc tạo ra sản phẩm mẫu, chủ ý tưởng có để phát hiện những vấn đề có thể nảy sinh trước khi hoàn tất thiết kế. Việc thiết kế cần được tối ưu hóa trước khi đi vào sản xuất đại trà.

Bước 4: Đăng ký Bản quyền tác giả

Các chị cần đăng ký sở hữu trí tuệ về Ý tưởng cần đăng ký bản quyền càng sớm càng tốt sau khi hoàn tất việc thiết kế, nhằm giảm thiểu nguy cơ ý tưởng bị đánh cắp.

Bước 5: Công bố và đưa sản phẩm ra thị trường

Đây là bước khó khăn nhất, quyết định sự thành bại của Ý tưởng được đưa vào thực tiễn của chủ nhân ý tưởng. Ý tưởng muốn thực hiện khả thi phải có chủ định về tài chính, đảm bảo việc sản xuất sản phẩm diễn ra suôn sẻ và chi phí cho quá trình PR - Marketing tìm kiếm khách hàng. Với việc huy động vốn, các chị có thể tìm kiếm các nhà đầu tư địa phương hoặc thông qua một chương trình vườn ươm. Ngoài ra, để sản xuất, có thể hợp tác với nhà sản xuất đã có uy tín và chia lợi nhuận theo tỷ lệ đàm phán.

Ngoài ra, hoạt động marketing là rất cần thiết, các chị luôn đặt khách hàng lên hàng đầu, vì khách hàng chính là tài sản lớn nhất của start-up. Sản phẩm là cầu nối để khách hàng biết đến doanh nghiệp và sản phẩm chính là thương hiệu của chủ nhân ý tưởng, cũng như doanh nghiệp. Một người khởi nghiệp thành công phải đảm bảo được sản phẩm/ ý tưởng của họ là hài lòng, thoả mãn nhu cầu của khách hàng.

Phụ nữ bước vào ngưỡng tuổi 50 sẽ gặp một số khó khăn nhất định, nhưng lợi thế của các chị chính là những kinh nghiệm sống, mối quan hệ và yếu tố "Nhẫn" - Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân NetViet International nói.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn