Phụ nữ và những áp lực từ việc không tên

08:31 | 11/08/2018;
Việc nhà hay còn gọi là “những việc không tên” hiện vẫn là một trong những công việc bị xem nhẹ nhưng phụ nữ Việt Nam vẫn đang phải sử dụng khoảng 5 giờ/ngày để làm việc nhà, cao hơn nam giới từ 2 đến 2,5 giờ/ngày. Phải làm gì để việc nhà không còn bị coi là việc riêng của phụ nữ?

Mẹ không có thời gian để chăm sóc cho chính mình

 

Khi nói về việc nhà, Thu Thảo (sinh viên Đại học Ngoại ngữ, Hà Nội), cho biết: Nhà Thảo có 4 người bao gồm bố, mẹ, anh trai và Thảo. Bố mẹ Thảo mới hơn 40 tuổi, đều là trí thức và tham gia các công việc xã hội. Thảo và anh trai đang học đại học. Ở khu phố nơi gia đình Thảo ở, mọi người đều nhìn nhận gia đình cô là một gia đình kiểu mẫu, bình đẳng và tiến bộ. Thảo cũng là một người trẻ thích các hoạt động xã hội và hay kêu gọi cho tự do, quyền bình đẳng giới, quyền của phụ nữ…

 

Tuy nhiên, một đêm, Thảo xuống nhà lấy nước thì thấy mẹ đang hì hụi lau nhà. Thảo hỏi: “Sao đến giờ này mẹ vẫn chưa đi ngủ để mai còn đi làm?”. Mẹ Thảo bảo phải lau vì thấy nhà bẩn quá. Thảo lại hỏi mẹ sao không để sáng mai làm hoặc để bố làm. Khi ấy mẹ trả lời là sáng mai mẹ phải dậy lo nhiều việc như cơm nước và bố thì không quen việc này… Lúc đó Thảo bắt đầu đặt câu hỏi: “Liệu cái thói quen phụ nữ phải làm nhiều việc trong nhà mình có tốt và có đúng?". 

 

img_0043.JPG
Sau đó, Thảo đã làm một test nho nhỏ về những công việc nhà trong 1 ngày của từng thành viên trong gia đình. Kết quả, Thảo cho biết: “Trang giấy ghi công việc của mẹ nhiều nhất và kín đặc. 

 Thảo nhận ra, trong gia đình, bố và anh trai làm việc nhà ít nhất (chỉ với vài việc như gấp quần áo, rửa bát, chuẩn bị bữa cơm trưa…); Còn lại mọi việc khác đều là do mẹ đảm nhận. Hiện mẹ vẫn là người đang phải làm chính rất nhiều các công việc mà không được trả lương”. Còn mẹ, ngoài giờ đi làm hành chính thì khi về nhà, mẹ đều lo nấu bữa sáng, dọn dẹp, lau nhà, đi chợ, cho chó mèo ăn, dắt chó mèo đi dạo, đi họp tổ dân phố, kiểm tra sinh nhật ông bà nội ngoại, giặt quần áo, phơi quần áo… Thảo đã nhận ra, ngay chính trong gia đình mình còn quá bất bình đẳng khi còn tồn tại 1 quan điểm cũ là “vẫn đang gán cho người phụ nữ phải đảm đang, phải có trách nhiệm làm việc nhà, rằng việc nhà là việc riêng của phụ nữ”. Theo Thảo: “Sự bất bình đẳng trong cách phân chia việc nhà này đã khiến người phụ nữ bị lấy đi rất nhiều thứ to tát như cơ hội, nghề nghiệp, vị thế… và cả những khoảng thời gian nghỉ ngơi quý giá để chăm sóc cho chính mình”. 

Kết quả đo lường công việc của phụ nữ Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc tế Canada mới công bố cho thấy, phụ nữ Việt Nam sử dụng khoảng 5 giờ/ngày để làm việc nhà, chăm sóc gia đình, cao hơn nam giới từ 2 đến 2,5 giờ/ngày. Những công việc không tên, không được trả lương phổ biến ở Việt Nam này được xác định là: Nấu ăn, lau dọn nhà cửa, giặt quần áo, chăm sóc người già, người ốm đau, tật nguyền, trẻ em... 

Với bạn Nguyễn Anh Quân (đến từ Gia Lâm, Hà Nội) và là sinh viên trường Y tế cộng đồng thì chia sẻ: "Trước em chơi với nhóm bạn đại học, đa số người Hà Nội, nhưng có 1 bạn ở Nghệ An. Khi đi chơi, đến nhà 1 người bạn để ăn, khi ăn xong, thì có cả bạn trai, gái và các bạn đều đi rửa bát, nhưng bạn kia cứ ngồi, sau đó chạy vào phòng, đóng cửa lại, bạn ấy quyết trốn. Hỏi có ra rửa không, bạn ấy quyết trả lời là không, nhất quyết không ra. Hỏi lý do, bạn ấy bảo tao là con trai, ở nhà tao không bao giờ phải rửa bát. Bố mẹ tao hay nói là nếu con trai mà rửa bát thì thật xấu hổ. Bạn ấy đã coi việc đàn ông, con trai mà làm việc nhà thì không thể chấp nhận được…  Theo em, nhìn chung trong xã hội hiện nay vẫn còn nhiều những ông bố còn duy trì tính gia trưởng, coi mình là trụ cột, chỉ lo việc kiếm tiền và gọi đây là việc lớn, còn những việc nhà thì vẫn bị coi là việc riêng của phụ nữ và vẫn nhiều người tiếp tục để phụ nữ phải làm quá nhiều việc nhà, khiến họ không có thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần cho mình... Điều này sẽ chỉ gây ra bất lợi cho cả 2 giới”.

 Theo TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội: “Khi phụ nữ phải dành quá nhiều thời gian cho những công việc không được trả lương, điều đó ảnh hưởng rất lớn tới cơ hội về việc làm, thu nhập, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí… của họ. Khi phụ nữ có ít thời gian làm việc xã hội, thu nhập sẽ ít hơn và đương nhiên, vị thế của họ trong gia đình sẽ giảm. Trong một số trường hợp, người đàn ông kiếm được nhiều tiền hơn tự cho mình quyền quyết định trong gia đình, coi thường vai trò của phụ nữ. Và khi phụ nữ không làm cho nam giới hài lòng thì bạo lực gia đình có thể xảy ra”.

Tại sao vẫn còn nhiều người giữ định kiến việc nhà là việc của phụ nữ?

Trả lời câu hỏi trên, mới đây, trong talkshow với chủ đề “Rửa một cái bát, tốn bao nhiêu tiền?” do nhóm YChange tổ chức tại Hà Nội, diễn giả - nhà hoạt động xã hội Phạm Kim Ngọc đã lý giải: “Chủ đề việc nhà luôn gây nhiều tranh cãi. Người ta hay nói đó là “việc riêng” của phụ nữ vì họ cho rằng nó phù hợp với thiên chức: phụ nữ tay nhỏ, nhẹ nhàng, dịu dàng, chăm sóc, tình cảm, đầy cảm xúc, quản lý cảm xúc… Nhưng, liệu điều đó có đúng ? Nam giới thì không có người khéo tay, không có tình cảm, không cảm xúc?... Do đó tất cả là những gì gọi là “việc nhà là việc của phụ nữ” đều là do quan niệm cũ, được lập trình từ trước… Nó đã bị quy định từ trong tế bào rằng ngay từ khi mẹ mang thai mình, mẹ đã làm tất cả những việc nhà. Mẹ đã xác định những quy chuẩn, chuẩn mực đạo đức; Nếu đứa trẻ sinh ra là con gái thì sẽ phải làm gì, lớn lên một chút thì sẽ được dạy dỗ làm việc nhà ngay. Nếu là con trai, có thể - thời nay - là dạy một chút - nhưng là không bắt buộc, dạy để giúp nó sống độc lập được thôi. Nhưng con gái thì khác, yêu cầu cao hơn. Điều đó cứ bị lặp đi lặp lại ngay từ nhỏ khiến cho  không chỉ nam giới nghĩ vậy mà cả những người phụ nữ cũng nghĩ vậy. Vậy, chúng ta sẽ phải làm gì được để thay đổi?”.

Cũng theo chị Phạm Kim Ngọc: “Chỉ khi nam giới đặt ra những câu hỏi: Liệu mình đã có sự tôn trọng với người bạn đời? Mình có thực sự coi trọng giá trị của người ấy? Người phụ nữ có bị quá căng thẳng về việc nhà? Việc nhà có vi phạm đến quyền của người đó? Giá trị hạnh phúc và ý nghĩa tốt đẹp của hôn nhân đã đạt được?...  Cái cách mà người bạn trai/người chồng tự đặt ra được những điều ấy - họ sẽ tự biết được cách để chia sẻ với người phụ nữ những công việc nhà…”.

* Trích chia sẻ của nhà hoạt động xã hội Phạm Kim Ngọc về chủ đề việc nhà:

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn