Chị Vũ Thị Sinh (Thái Nguyên) như trút được gánh nặng khi vừa hoàn thành tiêm chủng 3 mũi vaccine ngừa HPV cho 2 cô con gái đang tuổi mới lớn. Con gái đầu của chị Sinh năm nay lên lớp 12, con gái út lên lớp 8.
Chia sẻ về quyết định này, chị Sinh cho biết: "Gia đình tôi có người mất vì UTCTC nên từ bấy đến giờ đối với tôi vẫn là điều ám ảnh. Chính vì vậy, khi biết có giải pháp tiêm chủng phòng ngừa HPV, tôi đã tìm hiểu rất kỹ và quyết định cho cả 2 con đi tiêm phòng. Bây giờ tôi yên tâm hơn, không còn cảm giác lo lắng, sợ hãi như trước nữa".
Ở tuổi 40, chị Nguyễn Thị Phương Nam (Hải Phòng) cũng quyết định tiêm vaccine phòng HPV. Chị Nam cho biết, gần đây chị chứng kiến nhiều đồng nghiệp bị UTCTC nên bản thân cũng bất an. Được người bạn chia sẻ về tiêm phòng, chị lập tức thực hiện. Sau khi tiêm phòng cho mình, chị đưa con gái (16 tuổi) đi tiêm.
"Qua tìm hiểu, tôi được biết độ tuổi tiêm phòng từ 9-45 nên mặc dù đã ở tuổi 40, tôi vẫn đi tiêm cho yên tâm. Từ nay đến cuối năm, 2 mẹ con sẽ hoàn thành 3 mũi tiêm", chị Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, không ít người vẫn còn e ngại với việc tiêm chủng. Chị Lê Vân Anh (Tuyên Quang) chia sẻ: "Thấy bạn bè đưa con đi tiêm phòng, tôi cũng muốn cho con đi nhưng vẫn còn băn khoăn một số vấn đề như vaccine có làm cho con bị rối loạn kinh nguyệt, trầm cảm, phản ứng thuốc… hay kéo theo vấn đề gì về sức khỏe khác không?".
Từ góc độ chuyên môn, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết, vaccine HPV đã được chứng minh an toàn, hiệu quả và có tính sinh miễn dịch cao.
Nhiều nghiên cứu cho thấy vaccine HPV không làm mãn kinh sớm, chậm kinh, gây vô sinh hay ảnh hưởng quá trình dậy thì của trẻ. Ngược lại, vaccine còn giúp ngăn ngừa tình trạng tiền ung thư, ung thư ảnh hưởng chức năng mang thai, thụ tinh, sinh con ở cả 2 giới. Do đó, phụ huynh có thể an tâm cho con trẻ tiêm ngừa vaccine ngừa HPV khi đủ tuổi.
Tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung khi họ bắt đầu có quan hệ tình dục. Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến ung thư cổ tử cung là virus HPV. Đây là căn bệnh hiện vẫn chưa tìm được giải pháp chữa trị dứt điểm mà chỉ có thể phòng ngừa bằng phương pháp sử dụng vaccine.
Giới trẻ ngày nay có xu hướng quan hệ tình dục sớm mà phụ huynh không hay biết, tiêm vaccine trong độ tuổi trước và trong quá trình dậy thì giúp bảo vệ trẻ tối ưu.
Nghiên cứu từ giới chuyên môn cho thấy, 90%-95% người nhiễm virus HPV có khả năng tự đào thải hoặc tiêu diệt hoàn toàn virus này nhờ hệ thống miễn dịch và sự thay đổi pH âm đạo. Hầu hết mọi phụ nữ đều bị nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời và không gì đảm bảo virus HPV trong người có tự đào thải được hay không.
Hiện nay, vaccine phòng HPV không những giúp giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung khoảng trên 90% mà còn giảm các tổn thương tiền ung thư trên 60%. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, vaccine chỉ có hiệu quả khi bạn chưa bị lây HPV hoặc chưa có quan hệ tình dục và được khuyến cáo tiêm cho trẻ em gái hoặc phụ nữ lứa tuổi từ 9-26 tuổi.
Vaccine phòng HPV có thời gian bảo vệ kéo dài 4-6 năm và sau thời gian này, chưa có nghiên cứu chính thức nào khẳng định vaccine còn hiệu lực bảo vệ. Do vậy, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, cho dù đã tiêm vaccine HPV thì vẫn cần sàng lọc phát hiện tổn thương tiền ung thư và ung thư giai đoạn sớm.
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay, UTCTC là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan ngại vì có ảnh hưởng đến phúc lợi, sức khỏe, đời sống tinh thần của phụ nữ và toàn bộ dân số. Bệnh có thể phát triển qua nhiều năm nên bệnh phần lớn được thấy ở độ tuổi 40-70 nhưng cũng có thể thấy ở tuổi 20.
UTCTC là bệnh diễn tiến chậm, âm thầm, từ thời điểm nhiễm virus HPV gây nên các triệu chứng ở vùng cổ tử cung đến các dấu hiệu tiền ung thư, rồi ung thư xâm lấn có thể mất khoảng 10-15 năm.
Bác sĩ Vũ Công Khanh, Phụ trách khoa Phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, thời gian qua, có nhiều ca UTCTC khi đến bệnh viện khám thì phát hiện giai đoạn muộn không thể phẫu thuật được nữa. Trong số này, nhiều người tuy có điều kiện kinh tế nhưng lại ít kiểm tra sức khỏe, không khám sàng lọc, lúc có dấu hiệu mới lo lắng, đến bệnh viện thăm khám.
"Nếu người bệnh khám sàng lọc sớm thì kết quả khả quan hơn. Phụ nữ ngoài 35 tuổi nên đi khám sàng lọc mỗi năm 1 lần xem có bị nhiễm HPV hay không. Đừng để đến khi có triệu chứng mới đi khám thì đã muộn", bác sĩ Vũ Công Khanh khuyến cáo.
UTCT có 4 giai đoạn. Ở giai đoạn I, các tế bào ung thư chưa lan sang các vùng lân cận hoặc xa hơn. Điều trị UTCT giai đoạn này, đa phần các trường hợp bác sĩ sẽ lựa chọn phẫu thuật cắt tử cung là phương pháp điều trị đầu tiên.
Bệnh UTCTC giai đoạn II-III tức khối ung thư đã xâm lấn đến âm đạo, các mô xung quanh cổ tử cung, vách chậu hoặc đã di căn hạch. Phương pháp điều trị chính là kết hợp hóa xạ trị đồng thời triệt để. Đối với bệnh UTCTC xâm lấn, việc bảo tồn chức năng sinh sản hầu như là không thể.
Giai đoạn IV, khối ung thư đã xâm lấn trực tiếp đến các cơ quan xung quanh cổ tử cung hoặc đã di căn xa, phải điều trị bằng phẫu thuật, hóa xạ trị đồng thời. Với giai đoạn cuối, việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài thời gian sống thêm.
Theo BS Nguyễn Thị Hà (Khoa Xạ trị, Xạ phẫu, Viện Ung thư, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trong bài viết "Tiên lượng và tỷ lệ sống sót của ung thư cổ tử cung" đăng trên website của Bệnh viện 108), tỷ lệ sống tương đối 5 năm với UTCTC khi được chẩn đoán ở giai đoạn đầu, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 92%;
khi được chẩn đoán ở giai đoạn xâm lấn các mô, cơ quan, hạch bạch huyết khu vực lân cận thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 59%; khi UTCTC được chẩn đoán đã di căn xa đến các cơ quan khác thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 17%.
Việc tiên lượng UTCTC có thể thực hiện thông qua khám sàng lọc. Theo các bác sĩ, hiện nay, giá khám sàng lọc UTCTC có chi phí khoảng 200 nghìn đồng. Trong khi đó, nếu không khám sàng lọc mà để mắc bệnh thì phải mất hàng chục triệu, thậm chí nhiều hơn mà chưa chắc đã cứu được.
"Với người có test HPV âm tính thì việc khám sàng lọc UTCTC có thể tiến hành 3 năm/lần. Người có HPV dương tính với các typ ít nguy cơ thì khám theo dõi mỗi năm 1 lần. Đặc biệt, những người dương tính với các typ HPV nguy cơ cao như typ 16, 18 thì khuyến cáo khám 6 tháng/lần", bác sĩ Vũ Công Khanh thông tin.
Bài sau: Tạo an sinh bền vững cho phụ nữ bằng chính sách bảo hiểm y tế
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn