Ở châu Phi, đời sống của người dân nói chung và của phụ nữ nói riêng trước khi dịch bệnh diễn ra vốn đã rất khổ cực. Châu Phi chiếm 16% dân số thế giới, nhưng chỉ sở hữu 1% chi phí y tế toàn cầu. Tỷ lệ bác sỹ/bệnh nhân là 2/10.000, thấp nhất thế giới.
Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, các dịch vụ chăm sóc thai sản, áp dụng các biện pháp tránh thai… không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của phụ nữ. Rồi nạn hiếp dâm, bạo lực tình dục, hầu hết các nạn nhân cũng là nữ giới. Trong vòng 1 tháng qua, chỉ tính riêng Nam Phi, đã có 2.300 trường hợp phụ nữ bị bạo hành, nhưng chỉ có 148 nghi phạm bị bắt giữ, một tỷ lệ quá thấp.
Ở Kenya, Hội đồng Quản lý Tư pháp Quốc gia cho biết, kể từ ngày 12/3 (thời điểm Kenya có trường hợp tử vong đầu tiên vì Covid-19) đến nay, số lượng tội phạm tình dục đã gia tăng chóng mặt, chiếm tới 35,8% số lượng tội phạm của cả nước.
Bà Precious Robinson, Chủ tịch của Tổ chức phòng chống bạo lực và dịch bệnh phụ nữ châu Phi (SACSoWACH), cho biết, chỉ trong 2 tuần đầu của tháng 5/2020, tổ chức này đã nhận được 120.000 cuộc gọi của phụ nữ liên quan đến vấn nạn bạo hành và lạm dụng tình dục. Con số này tăng gấp đôi so với thông thường, tức là thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra.
SACSoWACH đã phối hợp với bệnh viện Thuthuzela để giúp đỡ các nạn nhân chữa trị những tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần, tạo điều kiện cho họ có một chỗ trú ẩn an toàn.
Tuy nhiên, điều đáng buồn ở Nam Phi không chỉ là số lượng phụ nữ bị bạo hành gia tăng, mà là vấn đề quan niệm. Rất nhiều người ở đây coi chuyện phụ nữ bị bạo hành là điều hết sức bình thường. Khi dịch bệnh xảy ra, tình trạng đó càng trở nên tồi tệ hơn, nhưng chẳng ai quan tâm đến chuyện cải thiện tình hình.
Không chỉ phụ nữ, trẻ em châu Phi cũng rất cần được chăm sóc vào thời điểm khó khăn này. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), năm 2019, Nam Sudan, Mali và Nigeria là 3 quốc gia có tỷ lệ học sinh đi học thấp nhất thế giới. Đến khi đại dịch Covid-19 ập đến, chỉ tính riêng số nữ sinh phải ở nhà thực hiện giãn cách xã hội đã lên đến 4 triệu người. Tính rộng hơn, trong số 1,54 tỷ học sinh trên thế giới phải nghỉ học vì Covid-19 thì nữ sinh chiếm 743 triệu và 111 triệu nữ sinh đến từ những quốc gia nghèo đói của châu Phi.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu trẻ em của Đại học Cape Town (Nam Phi), trước khi xảy ra đại dịch, 1/4 số lượng trẻ em dưới 5 tuổi ở Nam Phi đã bị còi cọc về mặt dinh dưỡng và 6,4 triệu trẻ em dưới 18 tuổi sống lay lắt với mức trợ cấp 32 USD/tháng. Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, chính phủ Nam Phi đã chi 50 tỷ rand (khoảng 2,6 tỷ USD) cứu trợ, nhưng tình hình chẳng cải thiện là bao, trẻ em nơi đây đang phải đối mặt với nguy cơ chết đói.
Rất nhiều quốc gia châu Phi sẽ nới lỏng lệnh giãn cách xã hội từ ngày 1/6 tới và trẻ em sẽ có cơ hội đi học trở lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh các bậc phụ huynh ở châu Phi đang khốn đốn vì chuyện cơm áo gạo tiền, những đứa con của họ đang phải đối mặt với nguy cơ đói ăn thì chuyện đến trường đâu có còn quan trọng đối với bọn trẻ nữa.
Chị Thabisa Nete, 33 tuổi, mẹ của 2 đứa con sinh sống tại thị trấn Gugulethu, Cape Town, Nam Phi, buồn bã chia sẻ: "Điều tôi mong mỏi nhất vào lúc này là các con của tôi có cái ăn. Nếu có bữa ăn miễn phí, tôi sẽ cho chúng trở lại ngôi trường tiểu học Vuyani gần nhà. Còn nếu không, tôi e rằng, chúng chẳng có sức để đến trường".
Không chỉ ở Nam Phi mà các quốc gia khác ở châu Phi cũng đang lâm vào tình cảnh bi đát tương tự. Dù muộn còn hơn không, chính phủ các nước ở châu lục này cần phải có những biện pháp cụ thể để cứu vãn tình hình. Ngay cả khi mọi chuyện trở nên quá sức, họ cần lên tiếng kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong thời khắc quan trọng này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn