Phụ nữ cũng rất dễ bị tác động tiêu cực từ BĐKH với sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực thu hút tới 43% lực lượng lao động toàn thế giới, trong đó 65% là phụ nữ.
Gây khó khăn mọi mặt cho phụ nữ
Châu Á và Thái Bình Dương là khu vực dễ bị tổn thương nhất BĐKH và các tác động của thiên tai. Sinh kế đang bị đe doạ do nhiệt độ ngày càng tăng, mực nước biển dâng cao, sông băng tan chảy và mất đa dạng sinh học. Những năm gần đây, BĐKH đã tạo ra những cú sốc, áp lực và thảm họa chưa từng có - được phản ánh trong các sự kiện thời tiết khắc nghiệt bao gồm lũ lụt, lốc xoáy, hạn hán và nắng nóng nghiêm trọng. Ở châu Á và Thái Bình Dương, thiên tai liên quan đến khí hậu hiện chiếm hơn 80% trong số các thảm họa. Theo dự báo của Tổ chức Khí tượng thế giới, năm 2020 có thể sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục mới với dự báo nhiệt độ toàn cầu sẽ cao hơn 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.
BĐKH sẽ tác động nhiều nhất tới các nước nghèo nhất và dễ bị ảnh hưởng nhất, khiến sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, đe dọa nguồn nước và tăng nguy cơ xảy ra lũ lụt, hạn hán và các đợt nóng tại một số khu vực. Mực nước biển tăng và sóng dâng cao do bão cũng có nguy cơ tấn công các khu vực trũng ven biển. Ngoài hạn hán, lũ lụt, triều cường, bão ngày càng mạnh..., BĐKH còn gây những hậu quả không ngờ như nguy cơ bệnh truyền nhiễm.
Những gia đình có cuộc sống gắn liền với biển hầu hết phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết và thiên nhiên. Trong đó, chị em phụ nữ nghèo, thu nhập thấp, phụ nữ yếu thế chính là đối tượng phải chịu tác động nặng nề do thiên tai gây ra.
Bangladesh - một quốc gia đông dân và nghèo đói với 168 triệu dân - là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất với sự nóng lên toàn cầu với mực nước biển dâng cao đe dọa các ngôi làng ven biển. Hơn 7 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và khoảng 119 người thiệt mạng tại Bangladesh trong năm 2019. Theo UNICEF, 19 triệu trẻ em ở Bangladesh nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt và lốc xoáy. Mực nước biển dự kiến sẽ tăng từ 0,4 tới 1,5 mét ở bờ biển Bangladesh vào năm 2100. Hàng triệu người sống ở khu vực ven biển miền Nam nước này đứng trước nguy cơ phải rời bỏ nhà cửa do mực nước biển dâng cao và điều kiện thời tiết thất thường.
Còn ở những ngôi làng nhỏ dọc bờ biển phía Đông Bangladesh, các nhà nghiên cứu mới đây đã lưu ý tỷ lệ sẩy thai đặc biệt cao. Nghiên cứu xa hơn, giới khoa học đi tới kết luận thủ phạm là... BĐKH.
Ở vùng Trung Phi, nơi 90% hồ Chad đã biến mất, các bộ tộc du mục gặp nhiều nguy cơ. Khi nước hồ cạn kiệt, phụ nữ thường phải đi bộ nhiều hơn để lấy nước.
BĐKH và thảm họa có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai nhưng phụ nữ và trẻ em gái chịu hậu quả nặng nề hơn. Số liệu của Liên hợp quốc cho thấy 80% số người phải di dời chỗ ở vì BĐKH là phụ nữ. Vai trò là người chăm sóc gia đình và lo việc bếp núc khiến phụ nữ dễ bị tổn hại hơn khi xảy ra lũ lụt hoặc hạn hán.
Tổng giám đốc Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Phumzile Mlambo-Ngcuka cho rằng BĐKH gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến các nhóm dân cư nghèo khó và 70% trong số này là phụ nữ. Phụ nữ và trẻ em là những người dễ bị tổn thương gấp 14 lần so với nam giới trong các thảm họa thiên nhiên như hạn hán hay lũ lụt. Phụ nữ cũng rất dễ bị tác động tiêu cực từ BĐKH với sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực thu hút tới 43% lực lượng lao động toàn thế giới và trong số đó có tới 65% là phụ nữ.
Phụ nữ - Nhân tố trung tâm ứng phó
Theo UN Women, quá trình lập kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH sẽ chưa thể thành công nếu không có những ý kiến đóng góp của phụ nữ. Phục hồi sau thiên tai ở cộng đồng cũng sẽ không thể đạt được nếu không tăng cường năng lực phục hồi của phụ nữ. Mặt khác, cần lồng ghép giới vào quá trình xây dựng chính sách chống BĐKH ở cả cấp quốc gia và quốc tế.
Để có kết quả quản lý rủi ro thiên tài và thích ứng với BĐKH hiệu quả hơn, phụ nữ cần tiếp cận tài nguyên, tham gia và có tiếng nói hơn. Phụ nữ cần chuẩn bị sẵn sàng, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và hỗ trợ xây dựng khả năng phục hồi của cộng đồng, góp phần vào việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững và các mục tiêu của Khuôn khổ Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai 2015 - 2030.
Sự hiện diện của phụ nữ ở vị trí ra quyết định và hành động bảo vệ khí hậu là rất quan trọng nhìn từ quan điểm về quyền và cũng là hành động chiến lược để giải quyết BĐKH. Cụ thể, việc tham gia của phụ nữ vào cơ cấu quản trị của một tổ chức bảo vệ tài nguyên cộng đồng như rừng, giúp bảo tồn và tái tạo nguồn tài nguyên tốt hơn. Qua đó, giúp cải thiện chất lượng rừng bằng áp dụng các biện pháp hợp lý. Rõ nhất là Kế hoạch Hành động về Giới và BĐKH của Campuchia 2014-2018 thể hiện tầm nhìn và cam kết của Bộ Phụ nữ và Bộ Môi trường để thúc đẩy lồng ghép giới và can thiệp thí điểm chiến lược. Mục tiêu rõ ràng là thúc đẩy phụ nữ trong việc ra quyết định về thích ứng và giảm thiểu BĐKH, quản lý thiên tai ở tất cả các cấp và lĩnh vực.
Việc tăng cường tiếp cận của phụ nữ tới sinh kế bền vững và sinh kế thay thế có thể đối phó được thiên tai, huy động các đối tác cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, sinh kế, kinh doanh, đào tạo nghề, thúc đẩy cơ sở hạ tầng và công nghệ phát triển. Sự chuyển đổi của năng lượng bền vững cũng có thể thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ.
Việc sản xuất "lò gạch xanh" ở Bangladesh đã phản ảnh rõ tiềm năng này. Nhà máy sản xuất ở Savar, cách thủ đô Dhaka 35 km, đã áp dụng công nghệ Lò nung kết hợp Hoffman bán tự động làm giảm đáng kể lượng phát thải và giảm nhu cầu lao động thủ công nặng nhọc. Do đó, nhiều phụ nữ đã được nhận vào làm việc tay nghề cao. Ở đây, giờ làm việc linh hoạt và có giờ nghỉ trưa giúp phụ nữ có cơ hội làm các công việc chăm sóc và nội trợ bên cạnh các công việc được trả lương. Các tiện nghi hiện đại, bao gồm nhà vệ sinh, phòng thay đồ, các điều khoản về việc cho con bú đóng góp thêm vào việc tạo ra môi trường làm việc thân thiện về giới. Sự đóng góp của phụ nữ đã được ban quản lý nhà máy ghi nhận. Đại diện chính phủ cũng thấy rõ đây là điểm sang để xây dựng chính sách khuyến khích phụ nữ làm việc trong ngành sản xuất gạch.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn