Phụ nữ Việt Nam trong hành trình 70 năm lập nước

11:33 | 03/09/2015;
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, phụ nữ Việt Nam luôn là lực lượng quan trọng, có nhiều đóng góp to lớn và tạo nên những dấu ấn đậm nét.
Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tuyên ngôn Độc lập đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Hòa cùng các đơn vị giải phóng quân chỉnh tề hàng ngũ là các tầng lớp phụ nữ thành thị và nông thôn tham gia buổi lễ.
Quốc hội Việt Nam khóa I được bầu ngày 6/1/1946 với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 89%. Nhiệm kỳ hoạt động của khóa này kéo dài 16 năm đến tháng 5/1960 do chiến tranh và đất nước bị chia cắt. Trong 333 đại biểu được bầu có 10 đại biểu nữ. Đó là các bà Nguyễn Thị Thục Viên (đại biểu Hà Nội), Vũ Thị Khôi (Bắc Ninh), Trương Thị Mỹ (Hà Đông), Lê Phương (Hải Dương), Cao Thị Khương (Hưng Yên), Tôn Thị Quế (Nghệ An), Lê Thị Xuyến (Quảng Nam), Trịnh Thị Miếng (Gia Định), Nguyễn Thị Thập (Mỹ Tho), Ngô Thị Huệ (Bạc Liêu).
Tên tuổi của nữ tướng Nguyễn Thị Định gắn liền với cuộc đồng khởi ở Bến Tre như sóng triều vang dậy, lan khắp miền Nam với đội quân tóc dài có sức mạnh phi thường, phá vỡ nhiều thủ đoạn thâm độc, nhiều cuộc càn quét lớn của địch, góp phần đáng kể làm sụp đổ thành trì chế độ Mỹ ngụy. Thế nhưng, Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng Nguyễn Thị Định luôn gần gũi với mọi người. Đây là hình ảnh tướng Nguyễn Thị Định vá áo cho bộ đội tại chiến trường Tây Ninh.
Năm 1965, phong trào “ba đảm đang” là sức mạnh vùng lên của hàng chục triệu phụ nữ toàn miền Bắc. Trong phong trào đó đã có biết bao tấm gương vừa làm tốt nghĩa vụ sản xuất, công tác phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, vừa dũng cảm, đảm đang gánh vác mọi công việc mới, thay thế nam giới đang chiến đấu, góp phần cùng toàn dân kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là hình ảnh những người phụ nữ tay cày tay súng.
Từ năm 1964 đến 1966, mẹ Nguyễn Thị Suốt đã chèo hàng nghìn lượt thuyền qua sông Nhật Lệ ngay cả trong những lúc máy bay Mỹ ném bom ác liệt. Năm 1967, mẹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Ngày 11/10/1968, trong lúc làm nhiệm vụ, mẹ Suốt đã anh dũng hy sinh bởi một trận bom đạn của kẻ thù.
Khoảng thời gian 1969 - 1972 là giai đoạn phong trào học sinh - sinh viên lên cao trào. Khí thế đấu tranh lan tỏa khắp đường phố Sài Gòn. Đây là hình ảnh nữ học sinh, sinh viên trong phong trào đấu tranh ở Sài Gòn trước 1975
Trong lịch sử ngoại giao thế giới, Hội nghị Paris về Việt Nam là cuộc hội đàm kéo dài ngày nhất, ròng rã gần 5 năm từ năm 1968 đến năm 1973 mới kết thúc. Ngày 27/01/1973, bà Nguyễn Thị Bình - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Bà Nguyễn Phương Nga, nữ Thứ trưởng Ngoại giao đầu tiên, trên cương vị Đại sứ, Trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tháng 11/2014.
Ngày 20/5/2015, tại Nhật Bản, bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk - là người Việt Nam duy nhất đoạt giải thưởng Nikkei châu Á 2015 trong lĩnh vực “Kinh tế và đổi mới doanh nghiệp”. Toàn bộ giải thưởng trị giá 3 triệu yên (tương đương khoảng 500 triệu đồng) được bà trao tặng lại cho trẻ em Nepal gánh chịu thảm họa động đất lịch sử.
Chiều 8/6/2015, tại nhà thi đấu Bishan (Singapore), vận động viên Phan Thị Hà Thanh đã xuất sắc đoạt Huy chương Vàng môn Thể dục dụng cụ nội dung toàn năng nữ với 53.650 điểm tại SEA Games 28. Phụ nữ đóng góp quan trọng vào thành tích thể thao Việt Nam trên đấu trường khu vực và quốc tế.
Đoàn nữ cảnh sát giao thông Hà Nội tập dượt tại buổi tổng duyệt Mít tinh, diễu binh, diễu hành mừng ngày Quốc khánh 2/9/2015.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn