Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, những người đã có dịp ở Nga, tiếp xúc với người dân Nga, nền văn hoá vĩ đại của Nga đều có những kỷ niệm sâu đậm về nước Nga. Đối với nhiều người dân Việt Nam, nước Nga đã trở thành quê hương thứ hai của họ.
Cùng với giao lưu nhân dân, ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa đã gắn kết hai dân tộc. Người dân Nga biết đến Việt Nam không chỉ bởi những chiến công anh dũng trong đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước mà còn bởi những món ăn Việt Nam, những vần thơ của Nguyễn Du, làn điệu dân ca đằm thắm, những điệu múa, chiếc nón và tà áo dài duyên dáng của các cô gái Việt Nam.
Nhiều người Việt Nam đã được cổ vũ bởi Pavel Korchagin, đã mê đắm với những tiểu thuyết của những văn hào vĩ đại như “Sông Đông êm đềm”, “Chiến tranh và hòa bình”..., những bộ phim như: “Đàn sếu bay qua”, “Matxcơva không tin vào những giọt nước mắt”... Có bao người lính đã ra trận với “Đợi anh về” của Simonov và giai điệu của bài hát “Cachiusa”. Bao sinh viên đã chuyền tay nhau các cuốn sổ chép thơ Olga Bergon và chuyện ngắn của Pauxtopski…
Hình ảnh những người mẹ Nga nhân hậu, vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng của các cô gái Nga, những cánh rừng phủ đầy tuyết trắng và mùa thu vàng như trong tranh của họa sĩ Levitan đã không còn xa lạ ngay cả với những người chưa từng đặt chân tới nước Nga… Có thể nói văn hóa Nga đã giúp người dân Việt Nam cảm nhận sâu sắc tâm hồn Nga và cũng làm văn hoá Việt Nam phong phú hơn, làm đẹp thêm tâm hồn Việt.
Trước đây văn hoá Nga đã làm nên điều kỳ diệu, mang tình yêu nước Nga đến với nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Ngày nay, văn hóa Nga vẫn luôn hấp dẫn và thu hút đông đảo người dân Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới hiện nay, chúng ta cũng cần tăng cường sự hiện diện của văn hóa Nga tại Việt Nam, cũng như quảng bá những nét đẹp của văn hóa Việt Nam tại Nga. Chúng ta có thể cùng hợp tác để làm sống động lại ngôn ngữ tiếng Nga trong trường học Việt Nam, tăng cường dậy tiếng Việt ở một số cơ sở đại học của Nga, dịch và xuất bản các tác phẩm văn học ra ngôn ngữ của hai nước, tổ chức các tuần lễ phim Nga và Việt Nam, đưa nghệ thuật, hội họa của cả Nga và Việt Nam đến nhiều hơn với người dân hai nước.
Theo nhà thơ Nguyễn Thụy Anh, phụ nữ Việt Nam và Nga gặp nhau ở sự chung thủy, say đắm trong tình yêu, sẵn lòng hy sinh vì sự nghiệp chung và cũng vô cùng quyết liệt, hết mình trong những đam mê nghề nghiệp, trong cuộc sống. Vì thế, người đọc vẫn say mê đọc lại những tác phẩm thơ đã được chuyển ngữ trong mấy thập kỷ qua, vẫn rung động cùng Tolstoy, Pushkin, Lermontov, Esenin, Turghenhev, Dostoevski...
Ngoài ra, những Anna Akhmatova, Marina Svetaeva, Olga Berggoltz, Bella Akhmadulina, Margarita Aliger... rồi Ludmila Ulitskaia, Viktoria Tokareva... cũng ngay lập tức được các nữ dịch giả Việt Nam chọn dịch và công chúng đón nhận. Gần đây, có tập truyện ngắn của các nhà văn nữ đương đại Nga được Quỳnh Hương, Phan Xuân Loan và Thuỵ Anh chuyển ngữ (NXB Trẻ, 2018) cũng tạo được góc nhìn mới cho người đọc Việt Nam về văn học Nga hiện đại…
"Cho dù từng có một khoảng lặng trong hợp tác và trao đổi văn học giữa hai nước Nga và Việt Nam ở thập niên 90 của thế kỷ trước thì những nhà nghiên cứu văn học Nga, những dịch giả văn học Nga của chúng tôi, đặc biệt là các dịch giả nữ, dù số lượng không nhiều, vẫn âm thầm làm việc vì sự yêu mến và say mê nền văn học này, với mong muốn đem lại cho người đọc Việt Nam cái nhìn thấu đáo hơn - tới mọi tầng vỉa sâu xa của tính nhân văn của nền văn hoá văn học Nga - chứ không vì công việc liên quan đến khía cạnh chính trị, ngoại giao. Giá trị của văn chương vượt lên trên mọi tính chất thể chế, chính trị xã hội, để tồn tại với những con người, với những suy tư, day dứt của những thời đại khác nhau và mang tính nhân loại", theo nhà thơ Nguyễn Thụy Anh, "rất cần có sự giao lưu giữa các nhà văn nữ đương đại và dịch giả Nga Việt để chúng ta hiểu những vấn đề thời sự của nhau hơn: phụ nữ Việt-Nga đang nghĩ gì, lo lắng gì, viết về điều gì, nhân vật của họ là ai...".