Có lẽ chưa khi nào thể thao nữ lại được quan tâm nhiều như thời gian gần đây, đặc biệt là sau sự kiện đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lần đầu tiên lọt vào Chung kết World Cup 2023. Rất nhiều vấn đề đã được đặt ra như chế độ đãi ngộ, đời sống, tương lai… của các vận động viên nữ. Tuy nhiên, đó là với thể thao thành tích cao. Còn một "dòng chảy" khác, rất gần gũi, thiết thực với phụ nữ nói riêng và sức khỏe con người nói chung, đó là thể thao gắn với đời sống thường nhật. Và "dòng chảy" đó ngày càng phát triển theo hướng tích cực…
Nhà văn Trang Hạ kể, vào năm 2016, khi chị đi tìm mua áo lót tập thể thao loại tốt thì hầu hết cửa hiệu bán đồ thể thao tại TP HCM không có bán loại dành cho nữ. "Với những người nhập khẩu đồ thể thao vào Việt Nam, nam giới là người chi tiêu nhiều cho thể thao, nên đồ tập tốt dành cho phụ nữ chỉ có thể tìm thấy rất ít ở các cửa hàng xách tay. Nhưng giờ đây, tư duy kinh doanh này đã thay đổi. Tôi đã dễ dàng tìm thấy áo lót thể thao dành cho phụ nữ chạy bộ, bơi sức bền…", Trang Hạ cho biết.
Nhà văn Trang Hạ cũng kể thêm, cách đây 6 năm, khi chị chạy bộ với 200 buổi tập mỗi năm, thì có tới 52 tuổi bị công kích bằng lời nói, thậm chí bị quấy rối tình dục bằng tay quanh Hà Nội. "Năm 2016, tôi làm một tấm bản đồ an toàn ở Hà Nội, về những địa điểm phụ nữ có thể chơi thể thao mà không bị xúc phạm hoặc không bị từ chối. Còn bây giờ thì đã ngược lại, hoàn toàn tấm bản đồ đã biến mất. Nghĩa là xã hội chúng ta đang văn minh lên, có cái nhìn khác về phụ nữ luyện tập thể thao", chị nói.
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Lê Thị Hoàng Yến nhận định, điều rất đáng mừng là hiện nay quan niệm về thể thao đã có nhiều thay đổi. Các gia đình quan tâm đến cả việc rèn luyện thể chất cho con cái chứ không chỉ tập trung học văn hóa như trước đây. "Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống thể thao, chơi thể thao từ nhỏ và tôi thấy rằng không có gì có thể xả stress, năng lượng tích cực và yêu cuộc sống hơn là chơi thể thao. Tôi thường xuyên kêu gọi mọi người tham gia thể thao, bộ môn nào cũng được, như chạy bộ, bơi, đạp xe, yoga… để tiếp năng lượng cho cả thế chất lẫn tinh thần".
Bà Hoàng Yến cho biết, hiện đã có khá nhiều chính sách để thúc đẩy việc đưa thể thao và trường học. Tổng cục Thể dục Thể thao cũng đã có nhiều ký kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên về các chương trình chống đuối nước cho trẻ em, đưa thể thao vào học đường… "Tôi mong muốn lan tỏa tình yêu thể thao và năng lượng sống tích cực cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ. Số huy chương chúng ta đạt được trong thể thao thành tích cao là rất quan trọng nhưng không phải quyết định, điều quan trọng hơn cả là sức khỏe của người dân", bà Hoàng Yến nói.
Một điều đáng chú ý, thể thao thành tích cao và thể thao gắn với cuộc sống là hai "dòng chảy" khác nhau nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Theo nhà văn Trang Hạ, bức tranh thể thao với rất nhiều điểm sáng từ các vận động viên nữ giành được đỉnh cao đã là nguồn cảm hứng cho rất nhiều người phụ nữ bình thường đến với thể thao. "Người phụ nữ khi được truyền cảm hứng từ những vận động viên ưu tú đã thay đổi bản thân. Họ đi ra khỏi môi trường an toàn, họ thay đổi thói quen sống, tích cực vận động", Trang Hạ nói. Cũng chính tình yêu thể thao, coi thể thao là điều thiết yếu với cuộc sống, với sức khỏe ấy sẽ là nền tảng để chúng ta có được những nữ vận động viên tài năng, đam mê. Trước đây, người ta vẫn quan niệm chỉ con nhà nghèo mới chịu theo đuổi thể thao chuyên nghiệp, vì nó quá vất vả, khắc nghiệt. Nhưng hiện nay, rất nhiều gia đình khá giả đã ủng hộ, cổ vũ con mình theo con đường thể thao, trong đó có rất nhiều bé gái được gia đình tiếp sức. Điều này sẽ góp phần quan trọng để thể thao Việt Nam có được "nguồn tài nguyên" dồi dào, đa dạng để phát triển.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn