Phát biểu khai mạc sự kiện, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho rằng, phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái, đã và đang phải đối mặt với nhiều quan niệm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng và trao cơ hội phát triển bình đẳng. Trong đó, phải kể đến các tập tục như tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tục "kéo vợ"… đã để lại nhiều hệ lụy trực tiếp và lâu dài cho không chỉ phụ nữ, trẻ em gái mà còn cho cả gia đình và xã hội. Đây chính là những rào cản, những màn sương vô hình cản bước chân của những người phụ nữ vùng cao trong hành trình đi tìm hạnh phúc".
Khách mời của tọa đàm "Ra khỏi màn sương" là hai mẹ con người Mông. Chị Châu Thị Say (SN 1982) và em Má Thị Di (SN 2004) ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Di là nhân vật chính trong bộ phim tài liệu "Những đứa trẻ trong sương" thành công gần đây của nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm. Bộ phim đã giành 34 giải thưởng và đề cử tại các liên hoan phim trên thế giới, lọt vào danh sách rút gọn (Top 15) giải Oscar - hạng mục Phim Tài liệu xuất sắc nhất...
Hai mẹ con Di đại diện cho hai thế hệ phụ nữ Mông ở vùng cao với hai suy nghĩ khác biệt. Trước biến cố lớn là tục "bắt vợ" xảy ra với Di, họ buộc phải đấu tranh nội tâm sâu sắc để đưa ra quyết định quan trọng cho tương lai trước những rào cản vô hình đã hằn sâu trong tâm thức của cộng đồng người H'Mông bao đời qua.
Hành trình của Di cùng câu chuyện của mẹ Say mang đến thông điệp truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số khác, ở những địa phương khác trong việc thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", góp phần xóa bỏ các định kiến giới và khuôn mẫu giới, những tập tục lạc hậu có hại cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số.
Tại tọa đàm, bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bày tỏ xúc động về câu chuyện của 2 khách mời chính tại sự kiện. Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho rằng, việc thay đổi nhận thức, tư duy của cả một thế hệ là điều không đơn giản, chưa kể có những rào cản về văn hóa, ngôn ngữ. Điều này đòi hỏi một quá trình mưa dầm thấm lâu, bằng nhiều hình thức, cách thức tác động. Những câu chuyện như Má Thị Di là "người thật việc thật" thực sự là tấm gương quý để công tác truyền thông hiệu quả hơn. Qua đó hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đặc biệt khó khăn.
Được biết, Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Dự án thành phần số 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 do Hội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện.
Trong dịp này, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam giới thiệu triển lãm trực tuyến "Khát vọng phát triển" giúp người xem hiểu rõ hơn về rào cản, định kiến giới đang diễn ra tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những quyết tâm, nỗ lực của phụ nữ và trẻ em khi có sự đồng hành của Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn