Tuổi đã cao song như bao phụ nữ khác trong bản, ngày ngày bà Tình (người dân tộc H'Mông tại bản Lầu xã Hố Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) vẫn phải đi cách xa nhà vài cây số để lấy nước.
Bà kể những câu chuyện xoay quanh việc lấy nước ở bản mình: Dù ngược lên núi hay xuống dưới suối thì những người dân Bản Lầu cũng phải đi một quãng đường xa để mang từng xô nước về nhà. Việc đi rất xa để lấy nước tồn tại hiển nhiên như vậy qua bao thế hệ. Nhiều gia đình từng tranh cãi nhau về việc ai sẽ là người đi lấy nước, lấy bao nhiêu lần. Kết quả là phụ nữ vẫn đi lấy nước nhiều hơn bởi nỗi lo thường trực thiếu nước dùng. Cứ khi nào rảnh việc là những người phụ nữ bản Lầu lại phải đi lấy nước.
Một số hộ có điều kiện hơn đã tự lắp đường nước để đỡ vất vả nhưng đôi ba ngày lại phải đi sửa. Những hộ khác xin lấy nhờ cũng không dám lấy nhiều vì sợ phiền hàng xóm. Và nguồn nước từ đường ống tự lắp cũng chỉ đủ cho nấu nướng, còn tắm giặt hay lấy nước về để chăn nuôi thì người dân vẫn phải xuống suối.
Mọi việc càng trở nên khó khăn khi những năm trở lại đây thời tiết nắng nóng hơn và nước thiếu hơn. Bên cạnh đó, thủy điện trong khu vực cũng khiến những người dân như bà Tình lo rằng: Có khi nước ăn còn không đủ chứ chưa nói đến nước cho sản xuất.
Nỗi lo nhiều hộ dân trong bản là thiếu nước
Trong hoàn cảnh ấy, người dân trong bản, đặc biệt là phụ nữ đã họp bàn với nhau để đưa ra ý tưởng lắp đặt đường ống nước từ nguồn trên núi tới bể chứa rồi đến từng nhà. Nhưng nguồn kinh phí từ đâu? Đó là một câu hỏi lớn đối với các hộ dân trong bản.
Rồi may mắn nhận được sự hỗ trợ từ dự án "Tăng cường an ninh lương thực và cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số (EFSEM)", vấn đề lớn nhất của bản là kinh phí đã được giải quyết. Việc thực hiện công trình nhanh chóng được quyết định và tiến hành. Người dân trong bản cũng đã thống nhất cử một nhóm có nhiệm vụ duy tu bảo dưỡng đường nước nhằm đảm bảo sử dụng được lâu dài.
"Từ khi có đường nước thì tôi không phải xuống suối lấy nước", bà Tình chia sẻ.
Nhờ có hệ thống nước mà người dân Bản Lầu có nước để sử dụng mọi lúc. Không chỉ đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, giờ đây họ có thể dùng nước cho mục đích chăn nuôi sản xuất tại hộ gia đình. Hơn thế, những người thường phải đi lấy nước, chủ yếu là phụ nữ đã có thể làm những việc tưởng bình thường mà trước đây họ hiếm có thời gian để làm như nghỉ trưa hay ngồi nói chuyện với hàng xóm láng giềng.
Dự án "Tăng cường an ninh lương thực và cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số (EFSEM)" được thực hiện tại tỉnh Lai Châu nhằm thúc đẩy sinh kế bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Dự án là một phần của chương trình dài hạn của tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam về Phụ nữ dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa.
Bà Tình đã quên luôn việc đi lấy nước dưới suối
Trong đó, phụ nữ sẽ đóng vai trò trung tâm khi cùng gia đình nâng cao kiến thức và kỹ năng, áp dụng sinh kế đa dạng, tăng năng suất để cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng có được thông tin khí hậu và tham gia vào các hoạt động lập kế hoạch về nhảm nhẹ rủi ro thiên tai cùng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Với các mục tiêu chính là đảm bảo nguồn cung lương thực cho các gia đình dân tộc thiểu số thông qua sinh kế nông nghiệp bền vững; Tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu của phụ nữ dân tộc thiểu số và gia đình với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai; Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số vào các hoạt động lập kế hoạch về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; dự án giúp những người phụ nữ dân tộc thiểu số giảm bớt gánh nặng của nghèo đói.
Từ đó, họ dần bước qua rảo cản trên cơ sở giới trong việc ra quyết định tại gia đình và cộng đồng cũng như sở hữu tài sản kinh tế hay tiếp cận thông tin...
Khi có kiến thức và kỹ năng phù hợp, phụ nữ sẽ tự tin phát huy tiềm năng, đóng góp vào sản xuất, tạo thu nhập trong gia đình hay tham gia giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, cải thiện cuộc sống cho cả cộng đồng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn