Phụ nữ vượt biên bán bào thai: Đáng trách nhưng cũng rất đáng thương

07:35 | 02/02/2019;
Tình trạng một số phụ nữ mang thai người dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi phía Tây Nghệ An bị những kẻ buôn người dụ dỗ đưa qua biên giới sinh con rồi bán đang là vấn đề nhức nhối trong đời sống xã hội thời gian gần đây.

Trả lời phỏng vấn Báo PNVN, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho biết, Trung ương Hội đã xây dựng kế hoạch nhằm phối hợp xử lý một cách căn cơ đối với vấn đề xã hội nổi cộm này. 

dsc_8892.JPG
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết

 

PV: Thưa Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyết, trong vài năm gần đây, tại một số huyện miền núi tỉnh Nghệ An xảy ra tình trạng mua bán bào thai. Hội LHPN Việt Nam nhìn nhận thế nào về thủ đoạn mua bán người mới này? 

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết: Thời gian vừa qua, tại huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, khu vực giáp biên giới với Lào diễn ra tình trạng mua bán bào thai, tập trung chủ yếu trên địa bàn xã Hữu Kiệm, còn lại là ở các xã Chiêu Lưu, Hữu Lạp. Năm 2018, Cơ quan công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ 16 vụ, giải cứu hơn 40 nạn nhân vụ mua bán bào thai; xác nhận thông tin một xã ở Nghệ An có 22 người đã vượt biên bán bào thai với giá từ 40 triệu đến 80 triệu đồng. 

Đối tượng phạm tội tiếp cận với phụ nữ dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng núi cao, đang có thai từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 8, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn (nghèo, gia đình nợ nần), thiếu hiểu biết pháp luật để thuyết phục họ qua Trung Quốc bán con với giá từ 40 triệu đến 50 triệu đồng (con trai) và 70 triệu đến 80 triệu đồng (con gái). 

Đây là thủ đoạn mới, phức tạp, nguy hiểm của nạn mua bán người, gây khó khăn không nhỏ cho cơ quan chức năng trong quá trình xử lý do các quy định về hành vi này còn chưa đầy đủ, rõ ràng. Trong quy định của pháp luật hiện nay, chưa quy định bào thai là “một bộ phận cơ thể con người” hay là một “con người” nên chưa có chế tài để xử lý. Vì vậy rất khó khăn trong công tác đấu tranh và xử lý loại tội phạm này. Cũng chính vì vậy, các đối tượng lợi dụng những kẽ hở của luật pháp để phạm tội. 

Trước tình hình trên, Hội LHPN Việt Nam kịch liệt lên án những đối tượng môi giới.  Những kẻ này đã dụ dỗ, lừa gạt, đưa một số phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nghèo đói, trình độ học vấn thấp vào hoàn cảnh phải làm những hành động vô đạo đức. 

PV:  Những phụ nữ sẵn sàng bán đi đứa con từ khi còn trong bụng mẹ chỉ vì mấy chục triệu đồng này có đáng trách, thưa Phó Chủ tịch? 

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết: Nếu xét trong từng hoàn cảnh cụ thể của những người phụ nữ này thì sẽ thấy họ đáng trách nhưng cũng rất đáng thương. Bởi cuộc sống của những người phụ nữ này quá khó khăn, gia đình vốn đã đông con, lại không có đủ cơm ăn nuôi cho chừng ấy đứa con. 

Bên cạnh đó, phần lớn những phụ nữ này là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí rất hạn chế, lại không có cơ hội tiếp cận với những thông tin tuyên truyền về những thủ đoạn của bọn buôn người và những hậu quả nặng nề đối với việc bán bào thai của chính mình. Có người trong số họ sau khi sinh con và bán con không nhận được đủ tiền như đã thỏa thuận. Có người sau khi sinh con bị lừa gạt là con đã chết nên không được trả tiền. 

Thậm chí, có người còn bỏ mạng khi đang trên đường sang Trung Quốc bán bào thai. Những sự việc đau lòng này vẫn chưa thực sự cảnh tỉnh những người phụ nữ bán đi chính đứa con của mình. Chỉ khi bán con rồi, họ mới bộc bạch rằng: “Không mang thai nữa, cũng không qua bên đó bán con nữa. Bán rồi thì nhớ con lắm”. Những câu nói này thực sự vô cùng xót xa. 

PV: Trên thực tế, tất cả những phụ nữ đã bán thai nhi của mình đều khó khăn về kinh tế, hạn chế về trình độ học vấn cũng như nhận thức pháp luật. Hội LHPN Việt Nam có những giải pháp nào để giải quyết căn cơ tình trạng này? 

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết: Tình trạng mua bán bào thai đã vi phạm quyền con người, ảnh hưởng đến truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hình ảnh của phụ nữ Việt Nam. Để giải quyết căn cơ tình trạng này cần có sự vào cuộc và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp ở tất cả các địa phương, tạo sức mạnh tổng hợp trong việc phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng, nhất là việc mua bán bào thai hiện đang gây nhức nhối trong xã hội và nhân dân. 

Về phía Hội LHPN Việt Nam, chúng tôi đã và đang có những hoạt động nhằm giảm thiểu hậu quả của loại tội phạm này:

-Về công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục: Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo các Ban chuyên môn nghiên cứu thông tin, bố trí đoàn công tác Nghệ An nắm tình hình thực tế; chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông thuộc hệ thống Hội, thực hiện nghiệp vụ báo chí để phản ánh thực trạng cũng như cảnh báo những hậu quả của tình trạng này; chỉ đạo Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Nghệ An tìm hiểu, xác minh thông tin, phối hợp với các cơ quan chức năng trong xử lý, giải quyết vụ việc, báo cáo về Trung ương Hội kịp thời. 

Đồng thời, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục tăng cường chỉ đạo Hội LHPN các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh/thành trọng điểm về mua bán người đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, tập trung vào các đối tượng phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về phòng, chống tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán bào thai; thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, mua bán bào thai để nhân dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa. 

-Về đề xuất các chính sách, pháp luật liên quan: Hội LHPN Việt Nam đã kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật về mua bán bào thai; kiến nghị với các cơ quan lập pháp nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến các quy định về tội phạm mua bán bào thai để tạo sức răn đe nhằm hạn chế loại tội phạm nguy hiểm này. 

Tiếp tục đẩy mạnh Hiệp định tương trợ tư pháp, Hiệp định hợp tác phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam - Trung Quốc, phối hợp giải quyết, ngăn chặn hiệu quả trình trạng mua bán người, mua bán bào thai và các yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. 

-Về hỗ trợ mô hình sinh kế: Trong giai đoạn hiện nay, Hội LHPN Việt Nam rất quan tâm đến việc hỗ trợ mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, góp phần ổn định kinh tế và đời sống của hội viên, phụ nữ và người dân, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu tệ nạn xã hội và đảm bảo an ninh biên giới. 

Đây chính là nền tảng cơ bản và vững chắc để hội viên, phụ nữ an tâm làm ăn, sinh sống tại quê hương, không nảy sinh ý định di cư hoặc xuất cảnh trái phép đi làm ăn, lao động, kết hôn... tại nước ngoài, góp phần giải quyết, ngăn chặn hiệu quả tình trạng mua bán người, mua bán bào thai.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn