Cách thành phố Nam Định gần 60km, xóm Đồng Nam - xã Nghĩa Lợi - huyện Nghĩa Hưng được biết đến với làng nghề đan Cói lâu đời. Những người dân tại đây lớn lên bên cây cói, trưởng thành và phát triển từ nghề cói mang theo nhiều những câu chuyện ý nghĩa. Trong suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ, những vật dụng được làm từ cói như: Mũ cói, túi cói, bị cói, chiếu cói.. luôn có mặt trong đời sống của nhân dân khắp nơi trên cả nước, góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và phục vụ miền Nam trường kỳ kháng chiến.
Do vậy mà những sản phẩm từ cói như "hơi thở" của chính những người thợ làng nghề, trở thành 1 phần không thể thiếu trong đời sống của nhân dân địa phương. Dù có trải qua bao nhiêu khó khăn thăng trầm thay đổi của kinh tế thị trường, nhưng người dân Đồng Nam nơi đây vẫn quyết tâm giữ nghề, trân quý những sản phẩm mà mình làm ra và duy trì truyền lại từ thế hệ này qua những thế hệ khác.
Trải dọc hai bên đường làng dẫn chúng tôi vào tới các cơ sở sản xuất, đó là những vệ cói phơi nắng thơm mùi cói mới. Chúng tôi tới thăm gia đình bà Trần Thị Nga (62 tuổi ) với ba thế hệ đến nay vẫn duy trì nghề truyền thống. Ngoài những lúc nông nhàn, bà Nga lại ngồi đan và dạy cho con dâu của mình biết thêm về nghề. Đôi tay của bà thoăn thoắt, vắt từng mối lới thuần thục, vừa chặt chẽ vừa nhịp nhàng. Vừa đan, bà vừa kể với chúng tôi những câu chuyện tuổi thơ của bà lớn lên cùng cây cói.
"Có những lúc nguyên vật liệu nhập cao mà giá thành thì rẻ, sản phẩm cói bị chững hàng, tiêu thụ chậm cũng rất khó khăn nhưng vì tình yêu nghề, muốn giữ gìn nghề của ông cha để lại nên vẫn duy trì cho tới bây giờ", bà Nga chia sẻ.
Để tạo ra những sản phẩm thủ công sắc nét, ngoài sự tỉ mỉ kiên nhẫn, chăm chỉ, đôi bàn tay khéo léo, người thợ còn gửi gắm vào đó cả tâm huyết của mình trong từng mối đan để mỗi thành phẩm cói của làng khi xuất ra thị trường luôn toát lên được hồn vị và bản sắc riêng của cói Đồng Nam mà không bị pha lẫn, đại trà với các sản phẩm của những địa phương khác.
Mỗi sản phẩm cói ngoài việc đại diện cho nét đẹp văn hóa của làng nghề Đồng Nam, các sản phẩm của những người thợ làm ra còn phải đạt những giá trị thẩm mỹ, thân thiện với môi trường. Từ một công việc chỉ làm trong những lúc nông nhàn, nay lại trở thành công việc chính tạo ra nguồn thu nhập từ 80-200 ngàn đồng/người/ ngày và tăng thêm được nhiều việc làm cho hàng ngàn lao động đang sinh sống tại xã, trong đó có người già, những phụ nữ chưa có công việc ổn định và trẻ nhỏ cũng có thể làm thêm.
Trong thời đại phát triển hiện nay, để duy trì và tìm hướng đi cho các sản phẩm cói không bị mai một lại có sức hút với người tiêu dùng, thì đó là cả sự nỗ lực to lớn tới từ những doanh nghiệp của địa phương trong việc tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm.
Với hơn 40 năm trong lĩnh vực xuất khẩu cói truyền thống, đến nay doanh nghiệp của chị Nguyễn Thị Phương đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường, vươn lên trở thành đầu mối chính tiêu thụ các sản phẩm cói cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, tạo ra đa dạng mẫu mã cung ứng sản phẩm tới các tỉnh, thành phố trong nước, mở rộng thị trường đưa những sản phẩm cói vươn mình có mặt tại thị trường châu âu.
"Để tìm đầu ra cho sản phẩm truyền thống của địa phương luôn là những thách thức và khó khăn lớn, tuy nhiên nhận thức được giá trị của nghề truyền thống, một nghề được ông cha để lại cùng với sự giúp sức của địa phương trong việc quảng bá sản phẩm làng nghề, chúng tôi luôn cố gắng tìm kiếm nhiều cơ hội xuất khẩu, chau chuốt về mẫu mã và chất lượng sẩn phẩm để thúc đẩy lượng tiêu thụ hàng hóa và giúp được cho người dân tại địa phương có thêm thu nhập", chị Nguyễn Thị Phương, Chủ doanh nghiệp cói xuất khẩu Ánh Quý cho biết.
Các sản phẩm như: túi cói, ró cói (dùng để đựng cây cảnh trước khi trồng thay cho túi nilon)... với các kích cỡ khác nhau là những sản phẩm được các thị trường châu Âu ưa chuộng, tạo cơ hội việc làm cho bà con nhân dân tại đây.
Bên cạnh đó, những năm qua Hội LHPN xã Nghĩa Lợi cũng tích cực đóng góp vai trò không nhỏ trong việc động viên, giúp đỡ những người dân địa phương, đặc biệt là những phụ nữ chưa biết nghề có thêm công ăn việc làm. Hội thường xuyên mở các lớp đào tạo, sinh hoạt theo tổ dân cư do những người có tay nghề trong làng chỉ dạy. Thông qua các hội chợ giới thiệu sản phẩm, Hội cũng giúp người dân quảng bá thêm về sản phẩm cói của địa phương, để làng nghề luôn duy trì và phát triển theo năm tháng.
Chị Vũ Thị Hoa, 30 tuổi, sinh sống tại xóm Đồng Nam, xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Hưng, Nam Định cho biết: "Tôi được Hội giới thiệu cho công việc và dạy nghề cho, mới học được 6-7 tháng. Tuy đan còn chậm nhưng tôi cũng đã bắt đầu làm quen và đan hoàn thiện được sản phẩm, công việc cũng đã giúp tôi cũng kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống".
Phát triển nghề truyền thống từ cây cói đã phần nào cải thiện diện mạo đời sống của người dân nơi đây. Đến với Đồng Nam, không khó để bắt gặp những hình ảnh người người quây quần trong nhà, ngoài xóm cùng nhau đan lát. Tiếng cười nói hòa quyện với nhịp điệu sản xuất, nghề cói bao đời nay vẫn thế, mộc mạc giản đơn đã đưa người dân xích gần lại gần nhau. Chính sợi cói đã làm nên sự gắn kết cộng đồng chặt chẽ, tạo ra những giá trị văn hóa riêng biệt trong đời sống văn hóa của nhân dân địa phương.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn