Trong cuộc biểu tình ôn hòa diễn ra hôm thứ Sáu, những người phụ nữ đã giơ cao các khẩu hiệu như: "Giáo viên đã dạy chúng tôi rằng tất cả chúng ta đều giống nhau. Giáo viên của bạn không dạy bạn sao?"
Trước đó, công tố viên Valeria Sanzari đã đưa ra danh sách 33 đứa trẻ được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của các cặp đồng tính nữ năm 2017 và yêu cầu thẩm phán loại bỏ hoàn toàn tên của những bà mẹ không sinh con ra khỏi giấy khai sinh và họ của đứa trẻ. Theo CNN, tòa án sẽ đưa ra phán quyết về vụ việc này trong một phiên tòa diễn ra vào ngày 14/11 năm nay.
"Điều này không chỉ gây ra hậu quả đối với đời sống xã hội của đứa trẻ, mà còn gây tổn hại đến danh tính của một con người. Đây là một chấn thương đối với đứa trẻ ở độ tuổi hết sức mong manh," mẹ ruột của một trong 33 đứa trẻ đã nói với truyền thông nước Ý.
Trong khi đó, Chiara Gribaudo, một nghị sĩ của Đảng Dân chủ trung tả, cũng đã có mặt tại cuộc biểu tình hôm thứ Sáu. Trên Twitter, cô ấy miêu tả quyết định của công tố viên là một "hành động bạo lực" và gọi đây là hành động phân biệt đối xử, lợi dụng luật pháp để chia rẽ đất nước.
Các cặp đồng tính nữ ở Ý đang đứng trước nguy cơ bị xóa tên hoàn toàn khỏi hồ sơ khai sinh của con sau những quy định khắc nghiệt của chính phủ đối với các gia đình đồng giới. Đồng thời, họ cũng có thể bị tước bỏ hoàn toàn một số quyền, bao gồm khả năng đón con ở trường học mà khi mẹ ruột chưa thông báo với trường.
Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2022, thủ tướng Giorgia Meloni đã báo hiệu rằng bà đang chuẩn bị hủy bỏ luật về quyền phá thai và có những chính sách chống lại quyền mà cộng đồng LGBTQ+ đã đạt được trong vài năm qua. Trước đó, vào năm 2016, Ý đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.
Alessandra Mussolini, một thành viên cánh hữu của Nghị viện châu Âu và là cháu gái của nhà độc tài Benito Mussolini, đã đăng tải một video lên Twitter hôm thứ Ba để phản đối. Bà nói rằng hành động của vị công tố viên "không xứng đáng với một quốc gia văn minh", và "nó giống như việc ném một quả bom vào một gia đình và nó chỉ trúng vào những đứa trẻ."
Năm 2016, nước Ý thông qua việc công nhận các "kết hợp dân sự" (civil union), là dạng hôn nhân dành cho các cặp đồng giới. Các cặp đồng giới bị cấm nhận con nuôi do lo ngại về nạn mang thai hộ, vốn là trái phép ở Ý. Tuy nhiên, luật pháp Ý không có quy định cụ thể về việc đăng ký khai sinh cho những đứa trẻ được sinh ra bởi chính thành viên trong cặp đôi đồng giới, nên tòa án ở một số nơi đã ra phán quyết ủng hộ thành viên các cặp đồng giới nhận con của người còn lại làm con nuôi. Thị trưởng của một số thành phố, bao gồm Padua, đã cho phép đăng ký khai sinh cho con bằng tên của cả hai thành viên của kết hợp dân sự.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn