Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH tỉnh trong việc ủy thác cho vay, phối hợp đôn đốc, thu hồi nợ vay. Hàng năm, các cấp Hội thực hiện tốt công tác phối hợp với Ngân hàng CSXH cùng cấp tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho cán bộ quản lý ủy thác và tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn. Tính đến ngày 31/10/2023, tổng dư nợ do Hội phụ nữ quản lý đạt gần 1.600 tỉ đồng, tăng trên 126 tỉ đồng so với cuối năm 2022. Tổng nợ xấu qua tổ chức Hội phụ nữ quản lý chỉ chiếm 0,075%/ tổng dư nợ.
Trong năm 2023 đã hỗ trợ trên 8.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn; 2.200 lao động được hỗ trợ tạo việc làm; hỗ trợ mua, sửa chữa, xây mới 132 căn nhà ở xã hội và trên 870 căn nhà cho hộ nghèo. Cùng với các nguồn vốn tín dụng, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo của tỉnh đã giải ngân trên 67 tỉ đồng cho trên 2.429 lượt phụ nữ vay; Quỹ TYM giải ngân trên 230 tỉ đồng cho các thành viên vay phát triển kinh tế.
Các hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện gắn với các Đề án: Đề án 939 của Chính phủ về "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025"; Đề án 01 của Chính phủ về "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" và Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em"…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hồ Đại Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ - khẳng định: Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ luôn quan tâm, chỉ đạo triển khai hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác và các hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trên địa bàn tỉnh với nhiều giải pháp thiết thực và đạt kết quả tốt. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ mong muốn, thời gian tới, Trung ương Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để tỉnh Phú Thọ triển khai có hiệu quả các hoạt động này, tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ. Về phía Hội LHPN tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan, đồng chí yêu cầu, cần tăng cường công tác phối hợp, có giải pháp tăng tỷ lệ dư nợ ủy thác của Ngân hàng CSXH qua tổ chức Hội phụ nữ; huy động các nguồn lực để trang bị máy tính làm việc cho Hội LHPN cấp xã; tăng cường công tác quản lý nguồn vốn ủy thác, tiếp tục giảm tỉ lệ nợ xấu…
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh Phú Thọ thời gian qua. Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đề nghị tỉnh Phú Thọ tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ phát triển các mô hình HTX do phụ nữ làm chủ; tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình đào tạo nghề, hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi nghề nghiệp; quan tâm đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho các tổ vay vốn và tiết kiệm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo và hoạt động ủy thác cho vay, đảm bảo hoạt động đúng mục đích, ý nghĩa. Bà Trần Lan Phương cũng đề nghị, tỉnh quan tâm đầu tư, trang bị cơ sở vật chất cho Hội LHPN để góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương Hội LHPN Việt Nan đã có buổi kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác Ngân hàng CSXH; hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ tại huyện Yên Lập và thăm một số mô hình mô hình vay vốn tại xã Ngọc Đồng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn