"Tuyên chiến" với sự khắc nghiệt của thiên nhiên
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Quảng Bình, nơi có khí hậu vô cùng khắc nghiệt, chị Nguyễn Thị Giang từng chứng kiến bà con nông dân bao phen trắng tay khi mùa hè hạn hán kéo dài, các loài cây hoa màu thiếu nước không thể cho năng suất, thậm chí những vườn cây ăn quả, vườn keo tràm lâu năm của bà con mất trắng sau một vài giờ khi cơn bão đi qua. Những cánh đồng khoai lang, khoai mì, lúa bị nước lũ dìm sâu không kịp thu hoạch khi mùa mưa về, bà con chỉ biết kêu trời.
Đồng cảm với bà con nông dân quê hương, chị Giang quyết tìm ra những loài cây phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt để trồng cấy và làm ra những sản phẩm hữu ích từ những loại cây này. Sau hai năm tìm tòi, chị Giang và những cộng sự cùng chung chí hướng đã thành công thử nghiệm và nhân rộng mô hình cây cà gai leo và cây thìa canh trên các vùng gò đồi tại Quảng Bình. Đây là những loài cây đưa lại hiệu quả kinh tế gấp 5-8 lần so với cây hoa màu như ngô, sắn… bên cạnh đó còn là loại cây giảm thiệt hại do biến đổi khi hậu, góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường.
Để đi đến được thành công bước đầu, chị Giang đã trải qua nhiều gian nan khó diễn tả bằng lời. Với vùng nguyên liệu 1,5ha để nhân rộng mô hình, chị và đồng sự đã gặp khó khăn trong thay đổi nhận thức cho bà con, bởi bà con địa phương đã quen với trồng các cây lương thực bản địa như khoai, sắn, ngô, nay trồng sang cây dược liệu sợ không phù hợp đất đai, thổ nhưỡng. Rồi nỗi lo lắng khi trồng xong liệu có bán được hay không?
Thuyết phục được bà con, chị lại lo việc canh tác. Từ lề xưa lối cũ, bà con đã quen với lối canh tác thời vụ, chạy theo thị trường, sử dụng phân bón hóa học để kích thích tăng trưởng, năng suất cây trồng; lạm dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ… đã và đang khiến môi trường sống và đất đai ở đây ngày càng ô nhiễm, đòi hỏi cần phải có chi phí, thời gian để cải tạo đất.
Nhưng có lẽ khó khăn nhất vẫn là tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mua sắm dây chuyền sản xuất, mở rộng diện tích, vì nguồn vốn đầu tư nông nghiệp cần có thời gian dài mới thu hồi được vốn.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, chị Nguyễn Thị Giang tiến tới quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) dược liệu xã Cự Nẫm. Tới nay, HTX đã có 8ha trồng dược liệu trong đó cà gai leo 5ha, thìa canh 2ha, chè vằng 1ha… 100% diện tích được canh tác theo hướng hữu cơ vi sinh, dùng bả dược liệu sau khi nấu cao, bánh bả lạc ủ với chế phẩm sinh học để bón cho cây. Thời tiết khắc nghiệt của Quảng Bình cộng với thổ nhưỡng đất cằn trên vùng gò đồi đã tạo cho cây dược liệu nơi đây có dược tính cao, mùi vị thơm ngon đặc trưng mà khó nơi nào có được.
Dược liệu hữu ích từ vùng khô cằn
Theo chị Giang, các loại cây dược liệu đều có độ che phủ tốt, giúp giữ ẩm đất và chống xói mòn hiệu quả, rất phù hợp với kiểu địa hình gò đồi ở Quảng Bình. Với những ưu điểm vượt trỗi của các loại cây trồng mà HTX lựa chọn, cộng với phương thức canh tác hữu cơ, cà gai leo và dây thìa canh không những không gây hại đến môi trường mà còn góp phần cải tạo đất, cải tạo môi trường sống của địa phương.
Từ những cây dược liệu phủ xanh vùng đất khô cằn ấy, chị Giang đã chỉ đạo thực hiện quy trình nấu cao bằng nồi điện áp suất. Dược liệu sau khi nấu cao được đóng gói vào chai thủy tinh, có thể tái sử dụng nhiều lần để hạn chế tới mức tối đa thải rác ra môi trường. Việc sử dụng hệ thống điện nấu cao giúp tiết kiệm thời gian, hạn chế thải khói bụi ra môi trường và khai thác củi làm chất đốt. Quy trình này cho thấy sự tận dụng triệt để từ gốc đến ngọn của các loại dược liệu, không thải bất kỳ rác thải nào ra môi trường. Xác cây dược liệu sau khi thải ra được ủ với chế phẩm sinh học để làm phân hữu cơ bón lại cho cây.
Cao cà gai leo, cao thìa canh Thanh Bình của HTX dược liệu xã Cự Nẫm là 2 dòng sản phẩm được nhiều người tin dùng, hiệu quả thực tế đã được người dùng ghi nhận với việc hỗ trợ về men gan, giảm mỡ gan, mề đay, táo bón, khó tiêu, da sạm nám do gan, giải độc bia rượu…
Hai năm trở lại đây với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, HTX cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, thị trường thu hẹp, hàng xuất ra nước ngoài bằng tiểu nghạch hầu như dừng hẳn, các đơn hàng ở vùng dịch khó tiêu thụ phải quay đầu về lại. Nnguồn vốn lưu động bị thâm hụt vì phải chuyển qua lưu kho nguyên liệu cho bà con; một số kế hoạch đầu tư mở rộng diện tích, nâng cấp nhà xưởng máy móc phải dừng lại.
Chính vì vậy, HTX đã có kế hoạch đầu tư mở rộng các kênh bán hàng online, tăng cường bán trên các sàn giao dịch điện tử. Cùng với đó là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện ban bì nhãn mác, tiết kiệm chi phí sản xuất, chăm sóc khách hàng cũ tốt hơn nữa và tiếp tục mở rộng và phát triển thêm thị trường khu vực nông thôn và các thành phố nhỏ.
Khát khao thay đổi
Không chỉ thành công trong việc hồi sinh sức sống cho vùng đất khô cằn, thực hiện khởi nghiệp, làm kinh tế trong môi trường khắc nghiệt, chị Giang còn thể hiện khát khao được thay đổi, được thành công, được cống hiến bằng cả năng lực, trí tuệ và sức mạnh của người phụ nữ. Chị đã chứng minh hình ảnh người phụ nữ Việt Nam gắn liền với sản xuất nông nghiệp trong thời đại mới.
Chị Giang cho biết, trong sự quyết tâm lớn trên con đường khởi nghiệp của chị, một phần là vì bản thân, phần lớn là vì chị muốn tìm ra một công việc phù hợp với lao động nữ tại địa phương. "Quy trình trồng, chế biến cao dược liệu không sử dụng chất hóa học giúp bảo vệ sức khỏe, quy trình trồng cây giống, làm cỏ, thu hoạch, phơi… không đòi hỏi sức lao động quá lớn, không yêu cầu trình độ cao… hoàn toàn phù hợp với lao động nữ địa phương".
Với dự án phát triển trồng và chế biến dược liệu trên vùng đất quê hương, chị Giang tự hào vì đã thu hút tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ địa phương, đặc biệt là phụ nữ đơn thân, phụ nữ hộ nghèo lập nghiệp, phát triển kinh tế ngay ở quê hương, có điều kiện để chăm cho gia đình và góp phần chung vào sự phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội chung của địa phương.
Chị Nguyễn Thị Giang - Giám đốc Hợp tác xã dược liệu xã Cự Nẫm;
Địa chỉ: Xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình;
Điện thoại: 0917515269;
Email: giangnguyenqb@gmail.com;
Fanpage: Ca Gai leo Thanh Bình
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn